Mỹ can dự chiến lược chưa từng có vào Biển Đông

25/05/2019 07:39
Thanh Bình
(GDVN) - Nếu quân đội Mỹ không thể tự do tiến vào Biển Đông, chắc chắn có thể tác động nghiêm trọng đến năng lực di chuyển của lực lượng quân đội Mỹ trên toàn thế giới.

Ngày 23/5/2019, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đưa ra quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Dự luật yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia "hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định" ở Biển Đông.

Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS)
Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS)

Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ báo cáo cho quốc hội 6 tháng một lần, trong đó xác định cá nhân hoặc công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động xây dựng hoặc phát triển dự án ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Các hoạt động dự luật nhắm đến là cải tạo đất, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Phản ứng lại động thái trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng tuyên bố phản đối dự luật của nhóm nghị sĩ Mỹ.

Trung Quốc cho rằng sự phát triển lực lượng quân sự trên biển của Trung Quốc không thay đổi thực chất cán cân sức mạnh quân sự Mỹ-Trung ở khu vực Biển Đông, càng không có ý đồ chiến lược gạt Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Mỹ lại không nghĩ vậy.

Trong vài năm qua, Mỹ đã thúc giục các nước có cùng tư tưởng gia tăng sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhằm giúp khẳng định quyền tự do hàng hải của họ bất chấp các yêu sách chủ quyền phi lý, bất hợp pháp của Trung Quốc.

Vì sao quân sự là điểm nhạy cảm nhất trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung?

Có thể lý giải cho sự can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, Mỹ muốn giữ vững sức mạnh và điều kiện để tự do can dự vùng biển toàn cầu, đặc biệt là vùng biển và vùng trời của khu vực Tây Thái Bình Dương.

Duy trì sự can dự tự do trên biển và trên bầu trời ở khu vực trung tâm kinh tế, giàu có của thế giới và là khu vực thay đổi nhanh chóng nhất trong hệ thống quốc tế, không chỉ là tiêu chí để Mỹ duy trì địa vị chủ đạo trong khu vực mà còn là nền tảng bá quyền của Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã đưa ra chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, chiến lược này giúp Mỹ thúc đẩy các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tuân thủ quy tắc, đồng thời là chiến lược định hướng quy tắc cho việc xây dựng và đưa ra quy tắc cho vấn đề điểm nóng an ninh khu vực.

Cốt lõi của chiến lược này là phải sử dụng nguyên tắc và quy định quốc tế để ràng buộc và dẫn dắt Trung Quốc.

Qua đó, khi đối mặt và xử lý vấn đề Trung Quốc, Mỹ có thể liên kết với các quốc gia khác trong khu vực cùng ứng phó với Trung Quốc trong phạm trù thiết lập quy tắc và áp dụng quy tắc.

Tàu quân sự của 04 nước: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines trong buổi diễn tập ở Biển Đông ngày 09/5/2019 (Ảnh: SCMP)
Tàu quân sự của 04 nước: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines trong buổi diễn tập ở Biển Đông ngày 09/5/2019 (Ảnh: SCMP)

Thứ hai, Mỹ lo ngại sự phát triển của lực lượng trên biển và trên không của Trung Quốc, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.

Với động thái này, Trung Quốc bắt đầu có năng lực thách thức khả năng can dự tự do của Mỹ tại Biển Đông, khu vực biển chiến lược nhộn nhịp nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Quân đội Mỹ cho rằng nếu cho phép Trung Quốc tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự bằng phương thức duy trì yêu sách chủ quyền phi pháp với các đảo và quyền lợi biển, Mỹ sẽ rơi vào cục diện bị hạn chế chưa từng có sau chiến tranh thế giới lần thứ hai ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương.

Một trong những vấn đề điểm nóng hiện nay là việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp và quân sự hóa ở Biển Đông.

Từ tháng 2/2015, báo chí Mỹ đã bắt đầu tập trung đưa tin về tiến trình này của Trung Quốc. Theo đó, họ ngạc nhiên về tốc độ và quy mô xây đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo nhân tạo, quân đội Mỹ luôn coi việc xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa là hành động quân sự hóa.

Tại Hội nghị Shangri-la 2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó, James Mattis lại nhắc lại quan điểm của Mỹ, chỉ trích hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc Trung Quốc hăm dọa và uy hiếp các nước láng giềng, hoàn toàn trái ngược với chính sách cởi mở mà Trung Quốc khởi xướng.

Thứ ba, Mỹ cho rằng sự can thiệp và can dự đối với chủ quyền Biển Đông và phương thức giải quyết vấn đề Biển Đông có thể khiến Mỹ đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tiếp tục duy trì ảnh hưởng chiến lược của các đồng minh Đông Á và các quốc gia Đông Nam Á.

Cách thức đúng đắn giúp Mỹ có thể đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông

Đồng thời, ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, làm suy yếu ảnh hưởng về địa chính trị và địa kinh tế của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên nhân căn bản nhất khiến Mỹ coi trọng vấn đề Biển Đông chính là Mỹ có 02 lợi ích chiến lược: quyền xâm nhập và tính ổn định.

Quyền xâm nhập Biển Đông được thể hiện ở việc chỉ tàu Mỹ có thể tiến vào vùng biển này mà không bị cản trở.

Lý do quyền được tiến vào vùng biển này bởi vì số hàng hóa mỗi năm vận chuyển qua vùng biển này lên đến trên 5.000 tỷ USD, trong đó thương mại với Mỹ trên 1000 tỷ USD.

Ngoài ra, Biển Đông còn là còn đường tất yếu để tàu chiến Mỹ đi từ bờ biển phía Tây Thái Bình Dương, đi sang Ấn Độ Dương và vịnh Persia.

Nếu quân đội Mỹ không thể tự do tiến vào vùng biển này, chắc chắn có thể tác động nghiêm trọng đến năng lực di chuyển của lực lượng quân đội Mỹ trên toàn thế giới.

Hơn nữa, tính ổn định là bản thân hòa bình và ổn định của khu vực Đông Á cũng như Biển Đông có thể đem lại lợi ích to lớn cho Mỹ.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3011441/us-senate-bill-proposes-sanctions-involvement-illegal

2. https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-01-16/how-us-can-step-south-china-sea

3. http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201811040018.html

4. https://www.researchgate.net/publication/328783823_US-China_Competition_and_South_China_Sea_Disputes

5. http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-asean/7151-asean-va-canh-tranh-my-trung

Thanh Bình