Muốn tịch thu ô tô vì say rượu, đâu phải dễ!

05/03/2015 07:11
XUÂN QUANG
(GDVN) - Giới phân tích nhận định, đề nghị tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ít có tính khả thi, khó mang lại hiệu quả nếu được áp dụng.

Tịch thu phương tiện bán đấu giá?

Hôm 27/2, Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, áp dụng từ ngày 15/3/2015. 

Một số nội dung trong văn bản kiến nghị được dư luận quan tâm như tăng nặng chế tài xử phạt hành vi điều khiển xe máy tham gia giao thông trên đường cao tốc, cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đề xuất trên còn được áp dụng đối với người, phương tiện xe cơ giới khi vi phạm các

Theo điểm e, khoản 4, điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) nếu đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 200.000-400.000 đồng.

quy định khác về luật giao thông đường bộ như nồng độ cồn trong máu (hơi thở) vượt ngưỡng cho phép, phương tiện vận chuyển quá tải.

Hôm 4/3, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, việc đưa ra đề nghị này là hết sức cần thiết, nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.

“Việc người điều khiển phương tiện uống quá nhiều rượu bia, vượt ngưỡng nồng độ cồn cho phép là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông ở nước ta. Việc áp dụng chế tài xử phạt nặng đối với người, phương tiện vi phạm mang tính chất răn đe, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông có thể xảy ra”, ông Thái nói.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển phương tiện (nguồn: internet)
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển phương tiện (nguồn: internet)

Cũng theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nếu đề nghị này được thông qua, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bán đấu giá phương tiện tịch thu, góp quỹ ủng hộ người nghèo...

Được biết, năm 2014, cả nước xảy ra 25.322 vụ tai nạn, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Chỉ riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, toàn quốc đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 317 người và làm bị thương 509 người; hơn 7.000 xe máy bị tạm giữ vì vi phạm an toàn giao thông. Trong hai tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 4.115 vụ, làm chết 1.567 người, làm bị thương 3.771 người. 

Giới chức kỳ vọng, nếu đề nghị này được thông qua, có thể kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Luật “đè” luật?

Giới nghiên cứu luật đưa ra nhận định, việc đề xuất áp dụng các biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam là việc làm cần thiết, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là việc không dễ.

Nhận định về đề nghị nói trên từ phía Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hôm 4/3, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Đoàn Quốc Dự – Văn phòng luật sư Nguyễn Bình và cộng sự cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng nếu áp dụng quy định này vào thực tế.

Luật sư Đoàn Quốc Dự phân tích: “Tài sản (phương tiện) thuộc quyền sở hữu của công dân, là thứ bất khả xâm phạm đã được pháp luật quy định rõ. Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn đường bộ, bị cơ quan chức năng tịch thu phương tiện, bán đấu giá thì cần phải xem xét kỹ lưỡng xem đề nghị đó có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hay chưa?".

"Luật quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa quy định cụ thể về việc tịch thu phương tiện bán đấu giá, nhằm phục vụ cho mục đích dân sinh. Do vậy, chỉ có thể phải áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với các vi phạm nói trên”, luật sư Đoàn Quốc Dự cho biết.

Luật sư Đoàn Quốc Dự – Văn phòng luật sư Nguyễn Bình và cộng sự (ảnh: GDVN)
Luật sư Đoàn Quốc Dự – Văn phòng luật sư Nguyễn Bình và cộng sự (ảnh: GDVN)

Luật sư Đoàn Quốc Dự lưu ý: “Tất cả các văn bản kiến nghị, đề xuất (văn bản dưới luật, đều phải căn cứ vào nền tảng, các quy định của pháp luật hiện hành. Việc tịch thu tài sản (nếu có) được quy định cụ thể trong từng phạm vi, đối tượng... chỉ được áp dụng khi có phán quyết của tòa án. Tôi cho rằng đề nghị trên là chưa phù hợp”.

Từ những phân tích trên, luật sư Đoàn Quốc Dự cho rằng, văn bản đề nghị người điều khiển ô tô, xe máy, xe điện có nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép có thể bị tịch thu phương tiện sẽ khó có tính khả thi nếu được áp dụng trên thực tế: “Nếu đề xuất mang tính chất tham khảo thì có thể chấp nhận được, còn việc thực hiện ắt sẽ gặp phải sự phản đối từ dư luận, người dân…”, luật sư Dự nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nên tăng nặng các khung xử phạt hành chính đối với người điều khiển, phương tiện vi phạm thay cho việc áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện (nếu quy định trên được thông qua).

“Nếu chủ phương tiện chỉ vi phạm hành chính thì khó có thể tịch thu tài sản (ô tô, xe gắn máy) thuộc sở hữu cá nhân, bởi nó còn liên quan tới những quy định khác của pháp luật về quyền sở hữu tài sản của người dân. Thay vào đó, cơ quan chức năng nên áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, có tính răn đe cao hơn nữa như tước giấy phép lái xe, kéo dài thời gian tạm giữ phương tiện”, ông Bùi Danh Liên đề xuất.

XUÂN QUANG