Một đời cận kề Đại tướng Võ Nguyên Giáp

12/02/2012 06:28
Gần 40 năm phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tá Nguyễn Huyên không chỉ hiểu từng thói quen, tính cách của vị tướng tài danh mà còn gom nhặt được rất nhiều mẩu chuyện giản dị, cảm động về “anh Văn”

Vị đại tá 81 tuổi phụ trách Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hẹn tôi đến nhà riêng của ông nằm sâu trong một con ngõ trên phố Vương Thừa Vũ – Hà Nội. “Sáng nay, tôi mới vào bệnh viện thăm Đại tướng. Ông vẫn hỏi tôi câu mà lần nào gặp cũng hỏi: Cậu có khỏe không?” – đại tá Nguyễn Huyên xúc động.
Gặp được Đại tướng, chết cũng thỏa lòng

Hơn 2 năm nay, đại tá Nguyễn Huyên vừa coi sóc nhà riêng đồng thời là Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình - Hà Nội) vừa gần gũi, theo sát tình hình sức khỏe của Đại tướng khi ông được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Từ khi chuyển vào bệnh viện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn tiếp các đoàn khách đến thăm nhiều như trước. Tuy vậy, đại tá Huyên vẫn là cầu nối giữa Đại tướng và những người có mơ ước được gặp ông một lần trong đời. “Mới đây, Binh đoàn Tây Tiến kỷ niệm ngày thành lập và nhờ tôi xin Đại tướng vài chữ. Tiếc là hôm đó, Đại tướng không cầm bút viết được nên chỉ có thể gửi lẵng hoa chúc mừng” - đại tá Huyên kể.
Một đời cận kề Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1
Gần 40 năm nay, đại tá Nguyễn Huyên (bên phải) luôn cận kề phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(ẢNH CHỤP LẠI TỪ TƯ LIỆU CỦA ĐẠI TÁ NGUYỄN HUYÊN)

Khi Đại tướng còn khỏe để tiếp các đoàn khách, hầu như ngày nào cũng có những đơn vị quân đội hay cựu chiến binh với tư cách cá nhân xin gặp ông. “Nhiều người còn đến hỏi về quyết định thành lập đặc công ra sao, pháo binh thế nào; lúc lại thắc mắc về những việc cụ thể như Đại tướng từng có thư cho đơn vị này, đơn vị khác trong quân đội và muốn tìm hiểu cụ thể chuyện đó”- ông Huyên nhớ lại.

Gần 40 năm phụ trách Văn phòng Đại tướng, ông Huyên không thể nào quên hình ảnh những cựu chiến binh thương tích đầy người nhưng vẫn lặn lội hàng trăm cây số đến xin gặp “anh Văn”. “Có một cựu chiến binh quê ở Hải Phòng bị cụt một chân tự đón xe khách lên Hà Nội rồi đi bộ tới văn phòng. Khi cựu chiến binh này xin gặp Đại tướng, tôi báo cáo thì ông nói ngay rằng cứ cho vào. Gặp được Đại tướng, vị cựu chiến binh ôm chầm lấy ông khóc và thốt lên: “Tôi chết cũng thỏa lòng rồi”. Khi ấy, Đại tướng cũng cười tươi và nhẹ nhàng: Gặp nhau rồi thì phải cười chứ, việc gì phải khóc” – ông Huyên hồi tưởng.

Đại tá Huyên cho biết có nhiều du khách nước ngoài khi đi ngang qua Văn phòng Đại tướng thấy căn nhà cây cối um tùm xanh mát bèn tò mò hỏi, được anh em cảnh vệ nói là “nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, họ liền nằng nặc xin vào diện kiến ông. Tuy nhiên, nếu không phải là người của các phái bộ ngoại giao thì không phải ai cũng được gặp vị tướng mà thế giới xưng tụng là một trong những nhà cầm quân tài danh bậc nhất lịch sử nhân loại.

“Hầu như năm nào đến dịp sinh nhật 25-8, Đại tướng cũng bận rộn tiếp khách đến mừng thọ. Tôi nhớ dịp sinh nhật 90 tuổi, ông tiếp khách nhiều quá, đến độ kiệt sức và ngất xỉu. Dù vậy, nếu đã có lịch hẹn rồi thì ít khi nào Đại tướng hủy mà vẫn cố gắng thu xếp. Gặp đoàn khách nào, Đại tướng cũng rất vui vẻ và thân mật hỏi han” - đại tá Huyên kể.

Vẫn không ngơi nghỉ

Năm 1976, khi đang công tác tại cơ quan văn phòng của Bộ Quốc phòng, thượng úy Nguyễn Huyên được phân công làm thư ký tại Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Nhận tin được giao nhiệm vụ giúp việc tại Văn phòng Đại tướng, tôi vừa mừng nhưng cũng rất lo” – ông Huyên thổ lộ. Lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Khoa học Nhà nước. Có thời điểm, Đại tướng làm việc với 16-17 trợ lý, mỗi người được ông giao một nhiệm vụ, theo dõi một lĩnh vực.

Nhiều trợ lý là vậy nhưng theo ông Huyên, không ai nhàn rỗi cả, thậm chí còn luôn bị Đại tướng “quay như chong chóng”. Đại tá Huyên nhớ lại: “Chúng tôi thường xuyên đi thực địa, làm các báo cáo, tìm hiểu tư liệu rất kỹ về các vấn đề được Đại tướng giao, bởi khi đã hỏi là ông hỏi rất sâu”. Cho tới khi Đại tướng về hưu, những trợ lý của ông vẫn phải làm việc không có ngày nghỉ. “Bản thân Đại tướng khi còn làm việc cũng không bao giờ có khái niệm về ngày chủ nhật”- đại tá Huyên tiết lộ.

Điều làm ông Huyên cảm động nhất là việc Đại tướng luôn lắng nghe, quan tâm tới ý kiến của cấp dưới chứ không áp đặt. “Có lần, tôi nói rằng tôi thấy sự việc đó Đại tướng xử lý chưa chuẩn lắm. Lúc đầu, ông không đồng tình với quan điểm của tôi nhưng hôm sau, ông vỗ vai tôi bảo: “Hôm qua cậu nói đúng đấy” – đại tá Huyên cảm phục.

Một đời cận kề giúp việc cho Đại tướng, có những lúc gia đình ông Huyên gặp biến cố như khi vợ qua đời, con bị bạo bệnh. “Đại tướng luôn biết những việc xảy ra trong gia đình tôi và thường động viên để tôi có nghị lực vượt qua khó khăn”- ông Huyên tâm sự.

Ông Huyên cho rằng chính bản lĩnh và phẩm chất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên một vị tướng huyền thoại. “Một lần, người ta hỏi tôi có phải Đại tướng treo chữ “Nhẫn” trong nhà không. Tôi nói thẳng với họ rằng trong nhà Đại tướng không hề có chữ “Nhẫn” nào cả và tính cách của ông cũng không bao giờ chịu nhẫn nhục để yên thân hay được việc cho mình. Nếu có, trong nhà Đại tướng chỉ treo duy nhất chữ “Tâm” – ông Huyên khẳng định.

Không ngừng tư duy

Đại tá Nguyễn Huyên cho biết Tết vừa rồi đã là lần thứ ba Đại tướng không đón Xuân ở nhà. Tuy vậy, căn nhà ấm cúng của Đại tướng vẫn tấp nập, rộn rã với những đoàn khách đến thăm viếng, mừng thọ. “Hai cái Tết gần đây, tôi vẫn vào bệnh viện trình Đại tướng xem những thiệp mừng thọ, chúc mừng năm mới của các đoàn cựu chiến binh, trong đó có cả sách và ảnh của ông. Nhiều bức ảnh và lời chúc làm Đại tướng khóc vì ông bảo nó gợi lại những kỷ niệm cũ” - đại tá Huyên bồi hồi.

Đại tá Huyên nhớ rõ khi Đại tướng gần bước sang tuổi 100, ông vẫn thường xuyên quan tâm tới những vấn đề trong nước. Năm 97-98 tuổi, Đại tướng vẫn viết thư cho Bộ Chính trị, cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để bày tỏ ý kiến về một vấn đề trọng đại nào đó của đất nước. “Nhiều người thắc mắc đó là Đại tướng viết hay thư ký của ông chấp bút. Hầu hết, Đại tướng đều tự tay viết. Chỉ khi chúc mừng ai, ông mới đọc cho thư ký viết. Có lần gửi cho Đại hội Thanh niên, Đại tướng cũng tự tay viết, chứng tỏ ông rất quan tâm tới thế hệ trẻ của đất nước” – đại tá Huyên bày tỏ.

Đọc sách báo là thói quen thường ngày của Đại tướng. “Ông luôn để đầu óc vận động kể cả khi đã về hưu rất nhiều năm. Khi không nhìn rõ chữ nữa, Đại tướng bảo chúng tôi đọc báo để ông nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của đất nước”- ông Huyên cho biết. Vị trợ lý lâu năm không ít lần kinh ngạc về trí nhớ siêu phàm của Đại tướng. “Việc gì cần nhớ, Đại tướng nhớ rất lâu nhưng việc gì không cần thì ông quên ngay. Có khi cấp bậc của nhiều vị tướng ông cũng không nhớ. Ông nhiều lần hỏi tôi: “Cấp bậc của cậu bây giờ là gì?”. Thế nhưng, những câu chuyện về Bác Hồ, những sự kiện trong chiến tranh… thì ông nhớ từng chi tiết” – đại tá Huyên thán phục.

Ông Huyên nhìn nhận: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đi đầu trong việc hệ thống hóa tư tưởng Hồ Chí Minh”. Suốt 5 năm, từ 1991 đến 1995, Đại tướng đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh vì đó cũng là thời điểm ông nhận thấy có những dấu hiệu xa rời tư tưởng xây dựng đất nước mà Bác đã vạch ra.
 “Mãi đến đầu những năm 1990, cụm từ dân giàu - nước mạnh mới được sử dụng rộng rãi. Trước đây, Bác từng nói xây dựng nhà nước XHCN dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nên Đại tướng đã chỉ ra rằng dân giàu - nước mạnh là tư tưởng của Người”- đại tá Huyên không giấu được sự cảm phục đối với vị tướng mà ông xem như người thầy và là người đã thay đổi cuộc đời ông.
Vị tướng tài danh sống thọ nhất

Theo đại tá Nguyễn Huyên, bước sang tuổi 102, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng tài danh, lỗi lạc sống thọ nhất thế giới. “Điều này đã được Giáo sư sử học Phan Huy Lê xác nhận. Tôi đã nhờ Giáo sư Phan Huy Lê tìm hiểu thật kỹ và được trả lời rằng chỉ có vài tướng tài sống đến 90 hay hơn 90 tuổi một chút, chưa có vị nào bách niên như tướng Giáp”- đại tá Huyên cho biết.

Ông Huyên cho rằng hiếm có vị tướng nào sau khi thắng trận 50 năm lại trở lại chiến trường xưa như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ hồi năm 2004.
Một đời cận kề Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2
Đại tá Nguyễn Huyên luôn trân trọng từng tấm ảnh và kỷ vật của “anh Văn”

MẠNH DUY/Thanh niên