Môn Giáo dục công dân điểm cao sao vẫn tràn lan bạo lực học đường?

30/07/2019 06:39
Trần Phương
(GDVN) - Kể từ khi môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi Quốc gia từ năm 2017, lúc nào môn này cũng đạt điểm rất cao nhưng vì sao bạo lực học đường không giảm?

Kể từ khi môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì môn thi này luôn nằm chễm chệ ở ngôi đầu điểm trung bình môn.

Điểm trung bình môn cao, điểm 9, điểm 10 nhiều, ít điểm dưới trung bình và thực tế môn thi Giáo dục công dân đang góp phần làm đẹp thêm cho điểm trung bình các môn thi ở nhiều tỉnh.

Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019,  điểm trung bình môn thi này là 7,73 điểm- môn thi có điểm trung bình cao nhất.

Điều đặc biệt là môn thi này chỉ có 11 thí sinh bị điểm liệt và không có thí sinh nào bị điểm 0. Trong đó có 3258 điểm 9,75 và 784 điểm 10.[1]

Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên là song song với thành tích điểm 10 của môn giáo dục công dân thì bạo lực học đường vẫn không hề giảm bớt.

Tại tọa đàm "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" ngày 8/4/2019, Phó cục trưởng Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường thông tin, thống kê của ngành công an chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như Hưng Yên, Nghệ An và mới nhất là Quảng Ninh.

Tìm kiếm trên Google, chỉ trong 0,33 giây có tới 27,9 triệu kết quả cho cụm từ "bạo lực học đường".[2]

Trung bình mỗi ngày có đến 5 vụ bạo lực học đường. (Ảnh: VTV)
Trung bình mỗi ngày có đến 5 vụ bạo lực học đường. (Ảnh: VTV)

Đặc biệt, kể từ Luật trẻ em năm 2016 được áp dụng, dư luận và các tổ chức xã hội đặt câu hỏi "Vì sao luật pháp Việt Nam quy định 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em cùng nhà trường, gia đình mà ở một số vụ việc xâm hại, bạo lực, các em vẫn cảm thấy đơn độc"?

Điểm Giáo dục công dân thì cao mà bạo lực học đường vẫn không hề suy giảm có lẽ cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc của ngành giáo dục.

Tại phiên họp ngày 26/7 của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 thì công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông cũng đã được bàn luận, phân tích khá nhiều.

Chia sẻ về giáo dục đạo đức học sinh phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, đó là:

Điểm môn Giáo dục công dân cao, sao đạo đức của học sinh lại đang có vấn đề?
Điểm môn Giáo dục công dân cao, sao đạo đức của học sinh lại đang có vấn đề?

"Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo được nhiều xúc cảm thực sự chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi đạo đức, còn nặng về kiến thức hàn lâm.

Nhiều bài học khô khan, chưa gắn với đời sống tuổi trẻ.

Nhiều nội dung còn khó, không phù hợp với độ tuổi của học sinh phổ thông, chưa sát với đối tượng, gây áp lực cho người dạy, người học.

Kiến thức lồng ghép trong chương trình các môn học còn ôm đồm, thiếu tính hệ thống và mới chỉ là kết hợp, chưa phải tích hợp kiến thức các môn học như giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính…".[3]

Sự đột phá của điểm 10 môn giáo dục công dân có thực sự nhiều ý nghĩa khi Bạo lực học đường vẫn gia tăng? (Đồ họa: Nguồn Thông tấn xã Việt Nam)
Sự đột phá của điểm 10 môn giáo dục công dân có thực sự nhiều ý nghĩa khi Bạo lực học đường vẫn gia tăng? (Đồ họa: Nguồn Thông tấn xã Việt Nam)

Là người rất nhiều lần lên tiếng bảo vệ quyền lợi của trẻ em, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã chỉ ra thực trạng bảo vệ trẻ em hiện tại:

“Giáo dục nhà trường là một phần phần thứ hai phải là sự hỗ trợ của cộng đồng cho cha mẹ các em.

Về vấn đề nhà trường, chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng khối lượng giáo dục các kỹ năng cho học sinh là chưa đủ và chưa đi vào thực chất.

Thử hỏi hiện nay trong trường chúng ta dành bao nhiêu thời gian để trẻ học về đạo đức, các kỹ năng sống, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục về bơi tự cứu, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục…

Thấy gì khi môn Giáo dục Công dân có nhiều điểm 10?
Thấy gì khi môn Giáo dục Công dân có nhiều điểm 10?

Trẻ em bây giờ đi học là từ sáng đến tối toàn những kiến thức hàn lâm như ngoại ngữ, Toán, Hóa… lõ cả mắt ra nhưng những kiến thực thực tế thì hoàn toàn bằng 0.

Hiện nay có tình trạng rất nhiều em phải đeo kính, mặt lúc nào cũng lờ phờ như con gà công nghiệp không có một cháu nào có kỹ năng bảo vệ mình khi gặp vấn đề xảy ra.

Cuộc sống khô khan, đơn điệu, nhàm chán đó đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tâm hồn và sự phát triển nhân cách của học sinh.

Đây là một trong những lý do làm cho một bộ phận học sinh trở nên lạnh lùng, cục cằn, thậm chí có tính cách du côn.

Dẫn đến hỗn láo với thầy cô, người lớn; tàn bạo với học sinh cùng trang lứa mà ngày ngày chúng ta được chứng kiến”.

Với những nguyên nhân như vậy thì điểm 10 môn giáo dục công dân có thực sự ý nghĩa? Điểm số cao làm gì khi nó không đem lại lợi ích thực sự cho các em từ môn học?

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-gi-khi-mon-giao-duc-cong-dan-co-nhieu-diem-10-post200517.gd

[2]  https://vnexpress.net/giao-duc/310-vu-bao-luc-hoc-duong-trong-ba-thang-dau-nam-3906524.html

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/pho-thu-tuong-muon-le-khai-giang-phai-moi-me-va-vi-hoc-sinh-than-yeu-post200906.gd

Trần Phương