Mỗi giáo viên, học sinh Hải Phòng cần xây dựng văn hóa số, kỹ năng số

13/01/2021 07:23
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Toàn ngành giáo dục Hải Phòng, từng địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình cần xây dựng văn hoá số, kỹ năng số trong môi trường kỹ thuật số.

Đây là một trong những nội dung được Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng chỉ ra trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cảng.

Phó giáo sư Lê Quốc Tiến cho rằng: “Chuyển đổi số là một động lực không thể chối cãi trong quá trình cách mạng hóa các ngành công nghiệp, sáng tạo lại sản phẩm, định nghĩa lại dịch vụ và định hình lại cách làm việc.

Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đòi hỏi trường học cũng như thực hành giảng dạy cần phải thay đổi.

Cách mạng hóa toàn bộ hệ thống trường học có thể là thách thức rất lớn, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội có thể thay đổi về căn bản cuộc sống của các thế hệ trẻ và chuyển hướng sự vận hành của cả cộng đồng”.

Nhiều khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số

Theo người đứng đầu ngành giáo dục đất Cảng, thời gian qua Hải Phòng đã đạt được những thành công nhất định trong việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện.

Ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã chỉ ra những khó khăn khi thực hiện việc chuyển đổi số trong toàn ngành (Ảnh: Lã Tiến)

Ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã chỉ ra những khó khăn khi thực hiện việc chuyển đổi số trong toàn ngành (Ảnh: Lã Tiến)

Cụ thể, về hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số của các nhà trường (đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn) còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cơ bản nhất cho chuyển đổi số.

Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa học sinh ở các địa phương, các nhà trường.

Tiếp đó, công tác số hóa, cập nhật học liệu số, thẩm định, chia sẻ học liệu số đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhân lực cũng như tài chính để đảm bảo kho học liệu số đầy đủ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, tham khảo của học sinh ở các cấp học, môn học.

Việc xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng), hệ thống giải pháp học tập trực tuyến còn phát triển tự phát, chưa có sự đồng bộ thống nhất, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập, thiếu sự đồng bộ và chia sẻ giữa các nhà trường dẫn đến lãng phí chung.

Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin…

Hiện nay, việc xác định hành lang pháp lý chưa rõ ràng, bản thân Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có chuyên gia tư vấn thực hiện với các trường và các trường là đơn vị trực tiếp tham gia quá trình số hóa cũng không đủ năng lực am hiểu trong lĩnh vực số hóa.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Phó giáo sư Lê Quốc Tiến cho biết, qua thời gian ngắn thực hiện, ngành giáo dục Hải Phòng đã có những đánh giá cụ thể về những hạn chế và khó khăn của toàn ngành trên con đường chuyển đổi số.

Từ đó, ngành giáo dục Hải Phòng đưa ra một số nội dung để tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

“Ngành giáo dục Hải Phòng xác định rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.

Điều đó đặt toàn ngành giáo dục, từng địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình cần xây dựng văn hoá số, kỹ năng số trong môi trường kỹ thuật số”, Phó giáo sư Lê Quốc Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số trong toàn ngành giáo dục, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân;

Thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách học bạ sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.

Toàn ngành xác định việc triển khai thành công Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục là mấu chốt của vấn đề chuyển đổi số trong ngành giáo dục;

Trên cơ sở nghiên cứu tích hợp các công nghệ hiện về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo thực hiện các thuật toán dự báo, hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng đi trước một bước trong giáo dục 4.0.

Người đứng đầu ngành giáo dục Hải Phòng mong muốn, toàn ngành giáo dục, từng địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình cần xây dựng văn hoá số, kỹ năng số trong môi trường kỹ thuật số (Ảnh: Lã Tiến)

Người đứng đầu ngành giáo dục Hải Phòng mong muốn, toàn ngành giáo dục, từng địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình cần xây dựng văn hoá số, kỹ năng số trong môi trường kỹ thuật số (Ảnh: Lã Tiến)

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau trên cơ sở tăng cường sử dụng hệ thống LMS, thúc đẩy phát triển học liệu số ở tất cả các cấp học gắn với việc thẩm định nội dung;

Hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.

Tiếp tục triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

LÃ TIẾN