Malaysia: Chống quân sự hóa Biển Đông cần hành động tập thể

14/03/2016 16:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Chúng ta đặt phương tiện của mình ở đó, nó sẽ tạo ra mối quan tâm giữa các nước láng giềng với nhau, sau đó Việt Nam và Philippines cũng muốn làm như vậy.

The Sun Daily ngày 14/3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết, Kuala Lumpur đang tìm cách hợp tác với các nước khác trong khu vực để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ông cho biết tuần tới sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Úc để thảo luận về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein. Ảnh: Free Malaysia Today.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein. Ảnh: Free Malaysia Today.

"Tôi sẽ gặp gỡ đối tác Úc để thảo luận về cam kết của Trung Quốc không quân sự hóa khu vực tranh chấp. Tôi cũng sẽ tham khảo ý kiến các nhà lãnh đạo ASEAN khác, đặc biệt là các bên liên quan trực tiếp đến vấn đề này", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói.

Trong tháng Giêng 2016 Trung Quốc đã cho cất hạ cánh máy bay hàng không dân dụng trên đường băng xây dựng bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) làm dấy lên phản đối mạnh mẽ của các bên liên quan.

Khi được hỏi liệu Malaysia có triển khai phương tiện để bảo vệ yêu sách của mình ở Biển Đông hay không, ông Hishammuddin cho hay:

"Nếu chúng tôi hành động theo cách riêng của mình, sẽ khó khăn cho chúng tôi trong việc giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta đặt phương tiện của mình ở đó, nó sẽ tạo ra mối quan tâm giữa các nước láng giềng với nhau, sau đó Việt Nam và Philippines cũng muốn làm như vậy. Điều này chỉ đẩy căng thẳng, xung đột leo thang".

Trong một động thái khác có liên quan, The Straits Times hôm nay đưa tin, Chánh án Tòa án tối cao Trung Quốc Zhou Qiang tuyên bố trước Quốc hội nước này, Trung Quốc sẽ tìm cách trở thành một trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền, lợi ích hàng hải quốc gia cốt lõi.

The Straits Times lưu ý, tham vọng thiết lập trung tâm tư pháp hàng hải được Trung Quốc đưa ra giữa lúc căng thẳng sôi sục trên Biển Đông từ việc thực hiện các yêu sách lãnh thổ (bành trướng, vô lý và phi pháp) mà Bắc Kinh tuyên bố là "lợi ích cốt lõi".

Động thái này của Bắc Kinh nhằm giành sự công nhận trên thực tế yêu sách đường lưỡi bò vô lý và bành trướng của họ trên Biển Đông. Điều này cũng có thể báo động khả năng ngư dân, tàu cá, tàu thương mại các nước hoạt động trên Biển Đông tới đây có thể bị Trung Quốc bắt bớ và đưa về "xét xử" hòng tìm kiếm sự công nhận "chủ quyền" phi lý ấy - PV.

Hồng Thủy