Lòng mẹ

29/04/2019 06:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Dù giờ này, bà vẫn chưa đưa được cậu về với quê hương nhưng đã biết chính xác nơi cậu nằm bà cũng yên lòng.

Bà tôi mỉm cười trút hơi thở cuối cùng vào một buổi chiều cuối xuân năm 2011 khi vừa bước sang tuổi một trăm.

Ai cũng bảo bà ra đi đầy mãn nguyện khi biết chính xác nơi cậu tôi nằm xuống.

Bao năm qua, bà mỏi mòn trông đợi, đợi đến khi không còn hy vọng gì thì đột nhiên bà biết tin về cậu…

Bãi tắm Cửa Việt một khu du lịch nổi tiếng hiện nay (danviet.vn)
Bãi tắm Cửa Việt một khu du lịch nổi tiếng hiện nay (danviet.vn)

Bà cười và bảo, lâu nay bà gắng sống vì trông tin cậu mày, giờ đây bà vui lắm, không còn gì nuối tiếc nữa, bà sẽ về với nó – người con trai mà bà hằng thương nhớ bao năm.

Cậu là thứ tám, con trai út nên bà đặt tên cậu luôn là Tám.

Các dì, các cậu tôi đều xung phong vào bộ đội nên cậu được ở nhà.

Trong những năm 1965 chiến tranh miền Nam đang hồi ác liệt, nhiều thanh niên trong làng xung phong đi nhập ngũ và hy sinh.

Cậu đã năn nỉ bà cho được đi miền Nam đánh giặc. Dù bà rất thương nhưng với sự thuyết phục của cậu "Tổ quốc đang cần con, con đi rồi con sẽ về, mẹ đừng lo lắng nhiều…”.

Bà tôi đã lén khóc một mình vì sợ cậu buồn. Ngày tiễn cậu lên đường, trước phút chia tay, cậu cười nói với bà:

“Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho con, con sẽ về lấy vợ để sinh con cho mẹ bồng nữa…”. Bà mắng yêu: “Tổ cha mày, chỉ được cái nói khéo!”.

Tri ân những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Cậu đi rồi, bà thường theo dõi tình hình chiến sự qua chiếc đài radio bé tí.

Mỗi tin thắng trận bà vui mừng khôn xiết, luôn cầu mong nước nhà mau thống nhất để được đoàn viên.

Trai tráng trong làng lần lượt lên đường nhập ngũ và rất nhiều gia đình nhận tin con hy sinh.

Bà nhói lòng không biết lúc nào đến lượt mình nghe tin dữ…Và rồi vào một ngày của năm 1971 cậu tôi đột ngột trở về…

Không thể nói hết niềm vui của gia đình ngoại. Bà cầm tay, sờ nắn từng bộ phận trên người cậu xem có còn đầy đủ không.

Rồi đột nhiên bà hỏi "Chiến tranh đang ác liệt, tại sao con lại về? không phải con đào ngũ đấy chứ?

Mẹ thà mất con còn hơn mang tiếng có người con đào ngũ!"

Cậu cười và nói " Cấp trên cho phép con về thăm nhà 2 ngày rồi vào nhận nhiệm vụ đặc biệt mẹ ạ!"

Và đêm đó, cậu vào ngủ với bà. Bà đâu có thể ngờ đây là lần cuối cùng được gặp cậu.

Trước lúc trở lại đơn vị, cậu ôm bà và nói " Lần này, con được giao nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, nếu tháng sau bằng này, mẹ nhận được thư con thì con vẫn còn sống.

Còn nếu con hy sinh, bạn con sẽ về gặp mẹ. Mẹ cũng đừng quá đau buồn, con hy sinh vì Tổ quốc mẹ phải tự hào về điều đó. Các anh chị sẽ thay con chăm sóc mẹ".

Ôm chặt cậu vào lòng, bà không dám khóc, bà dặn cậu ráng giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cậu đi rồi, bà sống trong thấp thỏm, âu lo. Bà đếm từng ngày trôi qua để chờ tin cậu.

Và rồi, thư cũng đã đến nhưng là của đồng đội cậu gửi cho bà, báo tin cậu đã hy sinh.

Vài tháng sau, có người đồng đội của cậu về kể lại, tổ đặc công nước của cậu gồm 13 người được giao nhiệm vụ phá thủy lôi ở Cửa Việt.

Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt đó, tổ chức đã cho mọi người về quê gặp mặt người thân.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình và thịnh vượng

Ai cũng hiểu nhiệm vụ ấy là vô cùng nguy hiểm và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì ít có cơ hội sống sót để trở về.

Người đồng đội của cậu may mắn bị cụt hai chân, 12 người trong đó có cậu đã hy sinh mà không tìm thấy xác.

Bà tôi như chết lặng. Việc cậu hy sinh không làm bà đau đớn bằng thông tin cậu chưa được công nhận liệt sĩ vì còn phải điều tra, xác minh.

Có người nói, biết đâu cậu và những người đồng đội đã lên tàu của địch. Bà không bao giờ tin cậu là người phản bội.

Bà nói phải gắng sống vì niềm tin ấy. Vài năm sau, cậu cũng được công nhận là liệt sĩ.

Bà vui như đứa trẻ được nhận quà. Đi đến đâu, gặp người nào cũng khoe: "Thằng Tám nhà tôi được công nhận là liệt sĩ rồi đấy!"

Cuối năm 2010 một thân nhân của bạn cậu (cũng là liệt sĩ hy sinh cùng cậu năm ấy) sau bao ngày tìm kiếm đã biết được năm đó xác cậu và đồng đội dạt vào bãi biển và đã được người dân ven biển Cửa Việt đưa vào chôn cất và nhang khói hàng năm.

Dù giờ này, bà vẫn chưa đưa được cậu về với quê hương nhưng đã biết chính xác nơi cậu nằm bà cũng yên lòng.  

Có lẽ bà chỉ chờ có thế nên một thời gian ngắn sau đó, bà tôi đã từ giã cõi đời trong niềm vui mãn nguyện.

(Viết theo lời kể của mẹ tôi - thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Tám - Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa).

Phan Tuyết