"Lời hứa là áp lực lớn nhất của một đại biểu Quốc hội"

18/05/2021 11:33
Ngọc Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh chia sẻ thẳng thắn: “Nhìn lại chặng đường 5 năm qua tôi thấy vẫn còn những điều nợ cử tri chưa hoàn thành”.

Ngày 23/5/2021 là ngày toàn dân thực hiện quyền bầu cử, bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau đó, Quốc hội khóa XV thực hiện nhiệm vụ bầu ra Chính phủ nhiệm kỳ mới bao gồm Thủ tướng và các thành viên Chính phủ - đó những người trực tiếp hoạt động hành pháp xuất sắc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; hiện thực hóa được khát vọng của Đảng ta, nhân dân ta về một đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.

Với những yêu cầu quan trọng mang tính lịch sử như vậy, lá phiếu của từng cử tri lựa chọn đại biểu Quốc hội là vô cùng quan trọng, là dịp để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Trao đổi với tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) chia sẻ: “Đối với tôi, lời hứa chính là áp lực lớn nhất khi làm Đại biểu Quốc hội. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua có nhiều việc tôi đã làm được, còn một số việc tôi chưa làm được và đó là ‘nợ’ mà tôi chưa trả được cho những cử tri bỏ lá phiếu bầu cho mình.

Qua từng ấy năm tham gia Quốc hội, tôi hiểu được để giải quyết một vấn đề hay thay đổi một chính sách thì phải phải tính đến cả một giai đoạn có lộ trình, chưa kể đến những tác động do khách quan đem lại như thiên tai, dịch bệnh mà ta không lường trước được.

Ví dụ như lương của giáo viên - đây là vấn đề cử tri ngành giáo dục rất quan tâm. Trong Nghị Quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng có nêu ‘lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp’, tuy nhiên chủ trương này đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa bởi chúng ta đang từng bước thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27- NQ/TW gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện cả một giai đoạn 5 năm, 10 năm.

Trong khi đó, từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, do vậy Quốc hội đã phải ban hành Nghị Quyết số 128/2020/QH14 quy định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2021, điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ cải cách tiền lương nói chung và lương giáo viên nói riêng”.

Đai biểu Quốc hội Dương Minh Ánh trong một hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: SP.

Đai biểu Quốc hội Dương Minh Ánh trong một hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: SP.

Bên cạnh lời hứa với cử tri, đại biểu Quốc hội còn phải tham gia vào nhiều công việc khác, phải giữ vững được tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh… đặc biệt là cử tri băn khoăn đại biểu có ngại va chạm khi phát biểu hay chất vấn không? Đại biểu tham gia công tác giám sát của Quốc hội ra sao, có đủ sự quyết tâm theo tới cùng những việc mà cử tri kiến nghị không?

Đại biểu Dương Minh Ánh bày tỏ: “Tôi không ngại va chạm bởi khi chất vấn các thành viên Chính phủ thì tôi đều đứng trên tinh thần đóng góp, chia sẻ, thấu hiểu và mang tính xây dựng vì sự phát triển của đất nước, hướng tới một xã hội công bằng, văn minh và thịnh vượng.

Hơn nữa, là đại biểu của nhân dân thì phải có đủ bản lĩnh, trí tuệ và phải có trách nhiệm với nhân dân, đưa ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đến với nghị trường của Quốc hội. Cử tri bầu mình làm đại biểu là để làm việc của nhân dân, đất nước chứ không phải việc của cá nhân, cho nên luôn phải đặt lợi ích của nhân dân ở vị trí đầu tiên”.

Là thành viên của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh chia sẻ về quá trình tham gia đoàn giám sát: “Tôi thường xuyên được mời tham gia đoàn giám sát của Ủy ban về những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm hoặc những vấn đề Ủy ban phụ trách thường được các đại biểu đưa ra chất vấn. Có công tác giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề để làm rõ vấn đề, rõ trách nhiệm, trao đổi cùng với các bộ, ngành, tìm phương án giải quyết, khắc phục.

Đến kỳ họp sau, những vấn nào đã thực hiện xong hoặc chưa giải quyết xong các thành viên của Ủy ban đều có nhận xét, đánh giá trong các báo cáo của Ủy ban trình lên Thường vụ Quốc hội để báo cáo với Quốc hội. Trong kỳ họp, một lần nữa các đại biểu lại tiếp tục cho ý kiến. Với trách nhiệm là người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ phải giải trình trước Quốc hội và cử tri cả nước về những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình.

Qua các hoạt động giám sát đã cho thấy một số vấn để đã được tập trung giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ bằng cách đưa ra những chính sách hữu hiệu thông qua các Nghị Quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng phải nói thật là trên thực tế còn có nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết triệt để, nên cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Chúng tôi cũng xác định ngoài trách nhiệm chính quyền, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thì còn có trách nhiệm của chính các đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri để góp ý xây dựng, chỉnh sửa hệ thống chính sách pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, khả thi phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó là giám sát việc thực thi pháp luật, đổi mới phương thức làm việc của Quốc hội để đạt hiệu quả như mong muốn”.

Chất vấn không ngại va chạm, vì lợi ích chung của nhân dân

Là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Dương Minh Ánh từng có nhiều phát biểu quan tâm tới vấn đề giáo dục, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án tích hợp 5 môn, đó là: "Phương pháp giảng dạy tích hợp giữa các môn và được biên soạn mới hay đó chỉ là phương án lồng ghép cơ học kiến thức của 5 môn thành hai cuốn sách giáo khoa.

Liệu phương án tích hợp này có giảm tải lượng kiến thức cho học sinh hay không hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh?

Nếu là phương án tích hợp một thầy dạy 3 môn thì chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp đã được bộ triển khai như thế nào, chất lượng ra sao? Ngược lại, nếu là phương án 3 thầy dạy một môn tích hợp thì Bộ trưởng đã tính đến những bất cập khi triển khai tại các trường hay chưa? Ví dụ như bố trí giáo viên, việc vào điểm, cho điểm, ra đề, chấm bài?".

Trong một lần phát biểu khác vào tháng 6/2020, đại biểu Dương Minh Ánh đề cập tới chuyện học trực tuyến khi dịch Covid-19 nổ ra. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng và kịp thời chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục giảng dạy trực tuyến qua các phần mềm ứng dụng, hoặc qua các kênh truyền hình để đảm bảo chương trình học của các em học sinh, sinh viên các cấp không bị gián đoạn. Qua đó, tạo sự chuyển biến về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo trong toàn bộ hệ thống giáo dục đã được nâng lên rõ rệt.

Đại biểu Ánh cũng nêu thực tế các thầy, cô giáo vùng cao trèo đèo, lội suối đến tận nhà, tận bản mang bài ôn tập cho các em không có đủ điều kiện để học qua truyền hình hoặc học online đã cho thấy sự tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thầy, cô đối với các em học sinh. Cùng với đó là hình ảnh các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ để đến những nơi có sóng điện thoại để kịp thời ôn tập chương trình tốt nghiệp.

Đây là những hình ảnh mà các cấp, các ngành chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và trăn trở!

Đại dịch COVID-19 cũng khiến rất nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa trong mùa dịch vì không đủ khả năng để chi trả chi phí về mặt bằng, tiền thuê giáo viên và chi phí khác trong 3 tháng cách ly, khiến nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ không lương, mất việc làm và không có thu nhập… theo đại biểu Dương Minh Ánh đó là những trường hợp đang gặp khó khăn, rất cần được chia sẻ, quan tâm.

Chia sẻ thêm về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, bà Dương Minh Ánh cho biết, sau mỗi kỳ họp Quốc hội thì đại biểu phải thực hiện trách nhiệm tiếp xúc cử tri để báo cáo về những việc đã làm trong kỳ họp, đồng thời tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của cử tri để nghiên cứu và chuyển tới Quốc hội, các cơ quan chức năng giải quyết.

“Ở những buổi tiếp dân và tiếp xúc cử tri, tôi thường nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri. Sau khi tiếp xúc và nghe ý kiến của cử tri trình bày, tôi sẽ nghiên cứu đơn để nắm bắt thông tin, phân loại đơn, nghiên cứu đơn, hướng dẫn cử tri thực hiện đúng quy trình, thủ tục rồi chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Nếu đơn của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng, tôi sẽ tiếp tục có gửi ý kiến đến các cơ quan chức năng hoặc nếu nghiên cứu đơn thấy những vấn đề mà cử tri nêu trong đơn đã hết thẩm quyền giải quyết và đúng với pháp luật hiện hành tôi sẽ giải thích cho người dân hiểu để thực thi đúng pháp luật.

Là đại biểu Quốc hội khóa XIV, từ nay cho đến khi bầu ra các đại biểu Quốc hội khóa mới tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Nếu có cơ hội trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ có cơ hội để giải quyết "món nợ" với cử tri.

Nếu không trúng cử Quốc hội, tôi cũng hy vọng các các đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ tiếp thu những nội dung công việc, kết quả đạt được của nhiệm kỳ cũ và tiếp tục phát huy một cách tốt nhất vai trò của người đại biểu Quốc hội, phục vụ nhân dân”.

Ngọc Quang