Loay hoay triển khai môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào trường phổ thông theo CT2018

08/11/2021 08:53
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường Trung học phổ thông hiện đang loay hoay với dạy và học 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học tới.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã thể hiện tầm nhìn tổng thể, phù hợp với xu thế của thời đại, xuyên suốt qua các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông;

Kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”

Loay hoay khi đưa môn Âm nhạc và Mỹ thuật vào giảng dạy

Nhưng để đạt được mục tiêu này, phía trước còn rất nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục, và chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ còn có những bất cập phải điều chỉnh để phù hợp.

Việc đưa môn Mỹ thuật và Âm nhạc vào giảng dạy ở các trường Trung học phổ thông vào năm học tới khiến các nhà trường loay hoay (Ảnh: Lã Tiến)

Việc đưa môn Mỹ thuật và Âm nhạc vào giảng dạy ở các trường Trung học phổ thông vào năm học tới khiến các nhà trường loay hoay (Ảnh: Lã Tiến)

Trong bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông, 02 môn Âm nhạc và Mĩ thuật thuộc các môn học tự chọn.

Ý nghĩa giáo dục của 2 bộ môn này đối với học sinh có thể nói là rất lớn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cán bộ quản lý cấp Trung học phổ thông ở Hải Phòng, 2 môn học này các nhà trường hiện nay đang rất lo lắng.

Theo hiệu trưởng một trường trung học phổ thông, thứ nhất, chỉ còn khoảng 10 tháng nữa là bước vào năm học 2022-2023, năm đầu tiên các trường trung học phổ thông triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10.

Hiện nay, hầu hết các trường đều chưa có giáo viên của 2 bộ môn này và đang rất cần một chỉ đạo hay một giải pháp trước mắt, để các nhà trường chủ động với việc dạy học 2 bộ môn này.

Thứ hai, cơ sở vật chất nói chung, các nhà trường cũng đang rất thiếu thốn, nay tiếp tục bổ sung thêm 2 môn ở cấp trung học phổ thông đòi hỏi phải có một cơ sở vật chất tương đối tốt để phục vụ dạy học.

Và thực tế hiện nay, các nhà trường trung học phổ thông có thể nói là chưa có đủ phòng học.

Thứ ba, Âm nhạc và Mỹ thuật là 02 môn học tự chọn, nhưng khi lượng học sinh đăng ký ít hoặc số lượng lớn thì các nhà trường phải tùy theo điều kiện cụ thể để điều chỉnh sao cho phù hợp, điều này vô tình đã làm mất đi tính “tự chọn” của môn học.

Cần tập huấn, hướng dẫn cụ thể

Vậy giải pháp như thế nào để đáp ứng tất cả các nguyện vọng của học sinh một cách có hiệu quả nhất đối với môn học tự chọn?

Thầy giáo Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hải Phòng) đã đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sâu rộng trên toàn quốc, cùng với các chương trình đổi mới, tập huấn các kỹ năng khác cho giáo viên, các nhà trường hiện nay cũng đang rất lúng túng trong việc chỉ đạo giáo viên tham gia các lớp tập huấn trên mạng internet.

"Không biết là có bổ ích cho mình không, có được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép không… và thực tế có hàng nghìn giáo viên đã đăng ký các lớp tập huấn này với những khoản kinh phí không nhỏ.

Do vậy, các nhà trường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những văn bản chỉ đạo, để giáo viên phân biệt được đâu là thông tin chính thống, để tránh “loạn” tập huấn ảnh hưởng đến chương trình giáo dục tổng thể và tốn kém cho giáo viên", thầy Ngọc nói.

Thứ 2, đổi mới trong giáo dục là xu thế tất yếu của các quốc gia để kịp với xu thế phát triển.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp để hệ số rủi ro thấp nhất có thể.

Có như vậy mới lấy được niềm tin của nhân dân, bởi tâm lý các phụ huynh không muốn con cái của họ phải làm thí điểm, làm “chuột bạch”.

Cùng với đó, đổi mới trong giáo dục của nước ta còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục bàn như: tiền lương giáo viên, việc dạy thêm học thêm, chế độ thi cử, bằng cấp chứng chỉ...

Cùng quan điểm với thầy Ngọc, nhiều hiệu trưởng ở Hải Phòng cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập huấn kỹ lưỡng, hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các nhà trường thực hiện tốt việc giảng dạy 2 bộ môn này.

LÃ TIẾN