Lệnh Kế Hoạch đã cố tránh, tại sao vẫn sa lưới Tập Cận Bình?

24/12/2014 14:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Tưởng Khiết Mẫn, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc khi đó đã nhanh nhảu "giúp" Lệnh Kế Hoạch lo lót vụ này, chi một khoản tiền khổng lồ...
Ông Lệnh Kế Hoạch.
Ông Lệnh Kế Hoạch.

South China Morning Post ngày 24/12 bình luận, trước đại hội 18 Lệnh Kế Hoạch là trợ lý cá nhân thân tín của ông Hồ Cẩm Đào, là một trong những ngôi sao mới nổi đang được chuẩn bị chu đáo để trở thành thành viên nòng cốt "lãnh đạo thế hệ 6" thời Tập Cận Bình. Đùng một cái sự nghiệp chính trị của ông Hoạch rẽ ngang khi con trai ông, Lệnh Cốc gây ra vụ tai nạn siêu xe Farrari đêm 19/3/2012.

Chiếc siêu xe trị giá 5 triệu nhân dân tệ thời bấy giờ đã đâm vào lan can hành lang đường cao tốc Bắc Kinh, 2 cô gái trẻ trong xe, 1 trần truồng và 1 bán khỏa thân bị thương nặng còn Lệnh Cốc chết tại chỗ. Cốc là con trai Chánh văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó, ông Lệnh Kế Hoạch.

Thay vì để cảnh sát điều tra vụ việc, ông Hoạch đã can thiệp để Ủy ban Chính pháp của Chu Vĩnh Khang vốn phụ trách an ninh, tình báo nội địa nhảy vào cuộc. Một vài ngày sau vụ tai nạn, các báo ở Trung Quốc đã im lặng hoàn toàn về vụ việc, mãi 6 tháng sau đó South China Morning Post mới "khui ra" vụ này và nêu đích danh Lệnh Cốc.

Tưởng Khiết Mẫn, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc khi đó đã nhanh nhảu "giúp" Lệnh Kế Hoạch lo lót vụ này, chi một khoản tiền khổng lồ bồi thường cho gia đình 2 cô gái có mặt trong xe, 1 người ở Tây Tạng và 1 là người Duy Ngô Nhĩ để bịt miệng. Gia đình 2 sinh viên đại học này đã bỏ túi hàng chục triệu nhân dân tệ thông qua tài khoản Ngân hàng Dầu khí Trung Quốc.

Khi cuộc điều tra chống tham nhũng bắt đầu nhằm vào những con hổ trong ngành dầu khí, Tưởng Khiết Mẫn bị bắt. Số tiền khổng lồ chuyển cho gia đình 2 cô gái đi trong xe Lệnh Cốc hôm xảy ra tai nạn bị lộ, các nhà điều tra đã dò ra Lệnh Kế Hoạch.

Tưởng Khiết Mẫn, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, người giúp Lệnh Kế Hoạch bịt miệng dư luận về vụ tai nạn siêu xe Ferrari.
Tưởng Khiết Mẫn, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, người giúp Lệnh Kế Hoạch bịt miệng dư luận về vụ tai nạn siêu xe Ferrari.

Tuy nhiên vụ tai nạn siêu xe Ferrari ngay khi xảy ra đã bị xem như cơn địa chấn đối với sự nghiệp chính trị của Lệnh Kế Hoạch. Lời hứa của những cuộc hẹn sẽ đưa Lệnh Kế Hoạch vào Bộ chính trị, thậm chí là Thường vụ bỗng chốc bốc hơi qua một đêm. Thay vào đó, Lệnh Kế Hoạch bị chuyển công tác sang làm Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương kiêm Phó Chủ tịch Chính hiệp.

Ông Hoạch được cho là cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất không được bầu vào Bộ chính trị trong lịch sử. Vị trí của ông được coi như "Tổng quản Trung Nam Hải", phụ trách công văn giấy tờ nhạy cảm, an ninh cá nhân cũng như những cuộc hẹn của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Theo như giới truyền thông phương Tây, cũng như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch xuất thân chính trị từ "đoàn thanh niên" chứ không phải dòng "thái tử". Ông Hoạch làm công tác đoàn từ năm 19 tuổi, 1973 cho đến khi vào Ban chấp hành trung ương đoàn. Lệnh Kế Hoạch bắt đầu lọt vào mắt xanh của Hồ Cẩm Đào năm 1995 và được ông Đào cất nhắc làm trợ lý riêng khi ông làm người đứng đầu Ban bí thư Trung ương.

Lệnh Kế Hoạch được ông Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm làm Chánh văn phòng của ban này, chuyên lo chuẩn bị các báo cáo và các bài phát biểu. Ông Hồ Cẩm Đào luôn giữ Lệnh kế Hoạch bên mình, kể cả khi lên Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch. Lệnh Kế Hoạch đã trở thành Phó Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trẻ nhất, rồi lên Chánh văn phòng.

Sau nhiều tháng cố gắng để tránh bị tóm trong mẻ lưới "chống tham nhũng" của Tập Cận Bình, kể cả phải chấp bút viết một bài 4000 chữ ca ngợi ông Bình thật sáng suốt hồi tuần trước và đăng trên tạp chí "Cầu thị" của Trường Đảng trung ương, cuối cùng Lệnh Kế Hoạch vẫn bị sờ gáy.

Hồng Thủy