Nhiều người khuyên không vào đại học, Kim Thanh Sản vượt khó trở thành thủ khoa

23/06/2021 13:39
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Phối hợp các phương pháp khác nhau một cách linh hoạt tùy từng thời điểm, hoàn cảnh và môn học để có được kết quả tốt”, Kim Thanh Sản chia sẻ.

Dành sự tận tâm cho công việc

Chuẩn bị tâm lý, kiến thức vững vàng nhất là những việc quan trọng các bạn học sinh cần làm khi chuẩn bị bước vào các kỳ thi mang tính quyết định.

Tuy nhiên, việc chọn lựa ngành học và làm thế nào để đạt kết quả tốt trong những năm tháng học tập tại trường đại học là băn khoăn của không ít bạn trẻ.

Kim Thanh Sản, thủ khoa đầu ra Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. (NVCC)

Kim Thanh Sản, thủ khoa đầu ra Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. (NVCC)

Trải qua bốn năm học tại trường đại học với những nỗ lực và thành tích đáng nể, chia sẻ với Tạp chí điện từ Giáo dục Việt Nam, Kim Thanh Sản, thủ khoa đầu ra Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết: “Bộ môn Tôn giáo học là một ngành học tương đối mới, mặc dù tìm hiểu và muốn khám phá thế giới của ngành học mang lại nhưng khi bắt đầu em cũng mơ hồ và gặp nhiều thử thách.

Môi trường đại học là một môi trường mới, khác hẳn với môi trường phổ thông trước đó. Chính vì thế bản thân em mất khá nhiều thời gian để thích nghi với ngành học và cách học của một môi trường hoàn toàn mới lạ”.

Thanh Sản mất thời gian một kỳ học đầu tiên để thích nghi và làm quen, sau đó thay đổi dần phương pháp học tập và tâm lý để cải thiện chất lượng học tập của bản thân và điều đó có hiệu quả ngay từ lúc thay đổi.

Kết thúc năm học thứ nhất, Thanh Sản rút ra được rằng, nếu mình tận tâm như thế nào cho một công việc thì sẽ có hồi đáp xứng đáng và việc học cũng vậy.

Theo Kim Thanh Sản rút ra trong qúa trình học tập của bản thân, phối kết hợp các phương pháp khác nhau một cách linh hoạt tùy từng thời điểm, hoàn cảnh và môn học để có được kết quả tốt.

“Môi trường đại học có rất nhiều môn học khác nhau và ngành học của em có nhiều môn mang tính đặc thù, cách giảng dạy của giảng viên cũng khác nhau nên cần xem xét để chọn phương pháp học cho từng thời điểm”, Thanh Sản kể.

Trong quá trình học tập, Thanh Sản vận dụng và phát huy nhiều qua hình thức học nhóm, vì phương pháp tạo ra những trao đổi tương tác trực tiếp, tranh luận, gợi mở kiến thức, tốt cho bản thân mình và các bạn học cùng.

Thanh Sản chia sẻ: “Kỳ đầu tiên ở trường đại học, em dành nhiều thời gian làm quen và thích nghi môi trường mà quên chú trọng vào việc học tập khiến kết quả không được như ý thì em và một số bạn quyết định lập một nhóm học tập.

Tại đó, chúng em trao đổi với nhau, làm đề cương rồi tự kiểm tra cho nhau. Nhóm phát huy tác dụng đến cả khi bảo vệ khóa luận, chúng em cũng cùng nhau tập duyệt và phản biện lẫn nhau tăng phản xạ trước kỳ khóa luận”.

Theo Thanh Sản, nếu lập nhóm học tập thì trong nhóm nên có một bạn trưởng nhóm và bạn ấy nên hiểu thế mạnh của các thành viên để phân công công việc phù hợp. Phương pháp này tương đối hiệu quả vì khi tốt nghiệp thì đa số các bạn trong nhóm của Thanh Sản đều loại giỏi.

Ngoài ra, để lấy được nhiều kiến thức và có nhiều kinh nghiệm về các kỹ năng mềm thì sinh viên nên đi thực tế trong quá trình học tập tại trường.

Theo Thanh Sản những chuyến đi thực tế không chỉ mang lại cho chúng em kiến thức mà còn tạo tâm lý hào hứng trong học tập. (NVCC)

Theo Thanh Sản những chuyến đi thực tế không chỉ mang lại cho chúng em kiến thức mà còn tạo tâm lý hào hứng trong học tập. (NVCC)

“Những chuyến đi thực tế không chỉ mang lại cho chúng em kiến thức mà còn mang lại tâm lý hào hứng trong học tập.

Thú thật nếu chỉ có lý thuyết thì nội dung các môn học sẽ khô khan, sáo rỗng nhưng nếu kết hợp với những chuyến đi thực tế thì sẽ cho chúng ta nhiều trải nghiệm, kiến thức sống động hơn sách vở rất nhiều”, Thanh Sản tâm sự.

Bên cạnh đó, Sản nhận thấy một điều khi ngôi trong lớp học các bạn thường thiếu sự tập trung, rất ít ghi chép và quan sát. Một trong những thứ có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và công sức trong mỗi kỳ thi là cố gắng tập trung quan sát và ghi chép trên lớp học bởi nếu làm được điều đó thì đã học được 60-70% bài vở trên lớp.

Đại học là môi trường mang lại nhiều điều tích cực

Đối với chàng trai Thanh Sản, môi trường đại học là một nơi mang lại nhiều điều tích cực, đó là nơi tạo ra ước mơ, nghị lực và những kinh nghiệm tương lai.

Trong tương lai, Thanh Sản mong muốn trở thành một giảng viên, một nhà nghiên cứu để có thể đem ngành Tôn giáo học. (NVCC)

Trong tương lai, Thanh Sản mong muốn trở thành một giảng viên, một nhà nghiên cứu để có thể đem ngành Tôn giáo học. (NVCC)

Kim Thanh Sản kể: “Trước khi em quyết định đi học đại đọc, ở quê có rất nhiều ý kiến của mọi người cho rằng không nên học đại học vì sợ rằng sau khi ra trường không có việc làm. Thay vào đó là em nên kiếm một trường dạy nghề hoặc hãy đi xuất khẩu lao động để mang lại nguồn tài chính.

Tuy nhiên, sau khi trải qua quá trình học đại học đã giúp em có thêm và hoàn thiện rất nhiều kỹ năng mềm khác nhau như tự tin nói trước đám đông, thuyết trình, khả năng tư duy logic, khả năng ứng xử, tiếp cận với nhiều tư tưởng mới.

Đặc biệt với một ngành đặc thù về tôn giáo thì em cũng đươc tiếp cận một số phương pháp nhằm cân bằng cuộc sống từ thầy cô mình”.

Sau rất nhiều những kiến thức, kỹ năng học trên giảng đường đại học và sự trải nghiệm của bản thân thì Sản thấy đó là tất cả những điều giúp cho bản thân em hoàn thiện, trưởng thành hơn khi bước vào xã hội, là môi trường lớn hơn trường học.

Hiện tại, Kim Thanh Sản tiếp tục học cao học và làm việc tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Trong tương lai, em mong muốn trở thành một giảng viên, một nhà nghiên cứu để có thể đem ngành Tôn giáo học không còn là một ngành học xa lạ, mới mẻ mà trở thành một ngành học lý thú, lâu bền đap ứng được nhiều nhu cầu của xã hội.

Cao Kim Anh