Không ai bắt phải mang nỗi khổ tiếp khách mà than

04/02/2020 06:18
Thuận Phương
(GDVN) - Bản thân mình muốn hưởng tiếng tăm, bổng lộc đành phải chấp nhận và cái mà gọi là nỗi khổ chính là "thảm hoa” trải con đường công danh, bổng lộc của các bạn.

Đọc bài: “Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ?” của tác giả Lam Hồng Lê, đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/2, chúng tôi thấy có đôi điều cần trao đổi cùng tác giả.

Khổ vì tiếp khách nhưng nhận lại sẽ gấp nhiều lần nên ít trường từ chối (Ảnh minh họa: Thanhhoa Cooks).
Khổ vì tiếp khách nhưng nhận lại sẽ gấp nhiều lần nên ít trường từ chối (Ảnh minh họa: Thanhhoa Cooks).

Trước hết, chúng tôi rất đồng tình với những phản ánh của tác giả. Chuyện cấp trên gọi cấp dưới đi tiếp khách cùng ngầm nhắn nhủ việc bao sô tất cả khoản chi phí hôm ấy không chỉ diễn ra ở một địa phương.

Chuyện này đã trở thành phổ biến ở nhiều nơi và làm liên lụy đến nhiều cấp (ví như cấp sở gọi phòng, cấp phòng gọi trường) để gánh đỡ chi phí.

Sau là, có đôi điều cần chia sẻ về nỗi khổ như tác giả đề cập.

Nỗi khổ chỉ bằng móng tay

Tác giả nói rằng khi bị cấp trên gọi đi tiếp khách và phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ là rất khổ và càng khổ hơn khi phải nghĩ “trăm phương ngàn kế” để lấy chỗ này đập chỗ kia cho hợp thức hóa chứng từ hồ sơ…

Chúng tôi cũng nói thẳng là, dù có khổ như thế nhưng nỗi khổ cũng chỉ bằng móng tay, như hạt cát giữa sa mạc. Đổi lại các vị lại nhận được khá nhiều.

Tính ra sự mất quá ít (mất công nghĩ cách, mất lòng cấp dưới vì chi nhiều nên eo hẹp tiền thưởng với giáo viên) nhưng lại nhận được cái lớn hơn gấp nhiều lần cho bản thân.

Nhận lại là món lợi khổng lồ

Đó là được lòng cấp trên, được tiếng là nhiệt tình, năng động, là giỏi giang, có tài ngoại giao…

Khi tiếng đã thơm thì bổng lộc cũng đến khá nhiều. Ngoài con đường công danh sự nghiệp thênh thang rộng mở nên sẽ được ưu ái cho về trường trọng điểm, trường “ngon” (ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Ở những trường này, bổng lộc đến tha hồ nhận. Trường “ngon” thì mọi thứ đều “ngon” như học trò ngon (phần lớn là học sinh ngoan, học giỏi).

Là phụ huynh ngon (nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả sẽ rất hào phóng trong việc đóng góp). Là giáo viên ngon (nhiều giáo viên có điều kiện nhất là giáo viên có thu nhập cao từ dạy thêm)…

Trường vừa có tiếng, lại vừa có miếng nên bao danh hiệu thi đua cũng biết tìm đường về. Và hiệu trưởng nhờ đó, danh càng nổi như cồn.

Không ai bắt phải khổ

Trong thực tế, không ít hiệu trưởng lại luôn trông chờ mình được cấp trên gọi tên đi tiếp khách để có dịp ghi điểm trong mắt lãnh đạo.

Nghĩ cho cùng, hiệu trưởng cũng chẳng phải bỏ tiền túi của mình ra. Mọi khoản đều đổ lên đầu nhà trường và giáo viên là người gánh chịu nhưng lợi lộc chỉ một mình hưởng.

Nếu ai đó không muốn mang nỗi khổ ấy cũng chẳng khó khăn gì. Hoặc là đi tiếp khách nhưng không chi, hoặc là từ chối thẳng: “Trường em hết kinh phí”.

Đảm bảo rằng, chỉ 2 lần như thế sẽ chẳng ai gọi đi nữa. Chúng tôi biết khá rõ một hiệu trưởng tiểu học luôn biết “cãi lệnh” cấp trên như việc buộc nhà trường mua văn phòng phẩm theo địa chỉ mà phòng giới thiệu.

Sau khi nắm giá cả thấy bên ngoài bán rẻ hơn, thầy hiệu trưởng này đã cương quyết từ chối.

Rồi việc phòng yêu cầu hỗ trợ tiền phòng đi tiếp khách, thầy hiệu trưởng cũng trả lời thẳng thừng trường mình hết tiền rồi.

Không được như ý, đương nhiên thầy bị phòng ghét. Có lần thầy chia sẻ: “Họ xem mình như cái gai trong mắt, luôn bắt ne, bắt nẹt đủ thứ”. Bù lại nhiều thầy cô giáo lại rất yêu mến thầy.

Vậy nên đừng than khổ khi bị lãnh đạo gọi đi tiếp khách vì khổ hay sướng là do chính mình chọn.

Bản thân mình muốn hưởng tiếng tăm, lợi lộc đành phải chấp nhận và cái mà gọi là nỗi khổ chính là ‘thảm hoa” trải con đường công danh, bổng lộc của các bạn.

Thuận Phương