Khi trẻ em đã bị xâm hại, phụ huynh nên hành động như thế nào?

18/03/2017 07:13
Phương Linh
(GDVN) - “Ngay khi biết trẻ bị xâm hại, người mẹ cần bình tĩnh, lắn nghe con nói, ghi âm lại lời kể đầu tiên của con, chụp lại hình trên cơ thể con…”

Luật sư Đào Thị Bích Liên – Chi hội phó Chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn những việc cần làm cho các bậc phụ huynh, khi có con là trẻ em bị xâm hại.

Nội dung này vừa được trình bày tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” được tổ chức ngày 16/3, với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều vụ trẻ bị xâm hại đã chưa được xử lý thỏa đáng

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Trần Thị Kim Xuyến – Trường Đại học Văn Hiến cho biết, thực trạng trẻ em bị xâm hại đã diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do điều kiện về mặt thông tin lan tỏa nhanh hơn, nên người dân mới biết tới nhiều hơn.

Theo Phó Giáo sư Trần Thị Kim Xuyến, phần lớn, số vụ diễn ra trong thực tế luôn nhiều hơn các con số trong báo cáo, do nhiều khi chưa được thống kê đầy đủ. Ngoài ra, con do xuất phát từ nguyên nhân kỳ thị với người bị hại, khiến cho các em không dám nói lên sự thật.

Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng thấp hơn, và các em có thể bị xâm hại ở nơi công cộng, hay tại chính nơi sống của các em.

Sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải xuất hiện ngay ở thời điểm bị xâm hại, mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về mặt tinh thần về sau này, khiến cho các em bị mất niềm tin.

PGS.TS.Trần Thị Kim Xuyến cho rằng, nhiều vụ trẻ em bị xâm hại bị dần chìm vào quên lãng (ảnh: P.L)
PGS.TS.Trần Thị Kim Xuyến cho rằng, nhiều vụ trẻ em bị xâm hại bị dần chìm vào quên lãng (ảnh: P.L)

Phó Giáo sư Trần Thị Kim Xuyến nhấn mạnh: Dư luận xã hội phẫn nộ với những hành vi xâm hại trẻ em, có nghĩa là họ đang không đồng tình với quá nhiều vụ việc nghiêm trọng đã, sẽ bị xem nhẹ, dần dần bị bỏ rơi vào quên lãng.

“Chúng ta đang có những người cha, người mẹ đơn độc đi cầu cứu hết nơi này tới nơi khác, mà không thể lấy lại được công bằng” – bà Trần Thị Kim Xuyến nói tiếp.

  • Khi trẻ em đã bị xâm hại, phụ huynh nên hành động như thế nào? ảnh 2

Im lặng là tội ác!

Trước thực trạng này, bà Trần Thị Kim Xuyến cho rằng, hiện nay, các cơ quan, tổ chức xã hội, người dân không thể im lặng được nữa, vì im lặng là tiếp tay, bảo vệ cho kẻ xâm hại trẻ em.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý thật nghiêm minh những kẻ xâm hại trẻ em, cho dù người đó là ai.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du – thầy Huỳnh Thanh Phú bày tỏ quan điểm, việc cơ quan điều tra xử lý không nghiêm, không thỏa đáng các vụ trẻ bị xâm hại, sẽ khiến cho pháp luật chưa được thực thi nghiêm túc, người dân sẽ vô lỷ luật.

Khi trẻ bị xâm hại, các bậc phụ huynh nên hành động gì?

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang – Khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chỉ ra những dấu hiệu có thể trẻ đã bị xâm hại, ví dụ như ăn ngủ bị ảnh hưởng, không chịu đi đến trường nữa, gặp ai cũng cảm thấy sợ sệt, trẻ tự nhiên thay đổi tính cách rõ rệt như đổ đốn, hay đòi tự tử…

Buổi tọa đàm "Chống xâm hại tình dục trẻ em" thu hút rất nhiều chuyên gia ở TP.Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Buổi tọa đàm "Chống xâm hại tình dục trẻ em" thu hút rất nhiều chuyên gia ở TP.Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Tùy theo tuổi đời, mà trẻ sẽ có những biểu hiện rất khác nhau. Hầu hết các trẻ bị xâm hại đều sẽ bị sang chấn tâm lý, nên cần thiết phải có một chuyên viên tâm lý ở bên cạnh trẻ trong lúc này.

Tất cả để nhằm một mục đích duy nhất, làm sao cho trẻ cảm thấy an toàn, cha mẹ cũng cần phải được hỗ trợ tâm lý, để trở thành một chỗ dựa tinh thần cho con trong lúc này.

Với kinh nghiệm 12 năm làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Luật sư Đào Thị Bích Liên -  Chi hội phó Chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chính chị đã từng giúp rất nhiều trẻ bị xâm hại, và có kinh nghiệm ứng phó khi trẻ gặp phải trường hợp này.

Đó là người mẹ cần phải bình tĩnh, vỗ về con vượt qua nỗi sợ, bằng cách từ từ nghe con tâm sự, chứ không cần phải giận hờn, hay là la mắng trẻ.

Trong lần đầu tiên con kể lại câu chuyện, thì cần phải thận trọng ghi âm lại, vì đây sẽ là bằng chứng rất quan trọng về sau này. Từ từ lắng nghe lời con kể, cẩn thận chụp hình lại cơ thể con, lưu lại quần, không cho con tắm trong vòng 24h.

Ngoài ra, cũng cần yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện giám định pháp y, đưa con đi thăm khám ở các bệnh viện có chuyên môn.

Bổ sung thêm ý này của luật sư Liên, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang còn cho rằng, cha mẹ trong những trường hợp như vậy cũng cần phải được điều trị tâm lý.

Còn từ kinh nghiệm làm luật sư của mình, luật sư Lê Ngọc Luân cũng nói phía Công an cũng cần phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, chứ không nếu kẻ xâm hại trẻ biết thì sẽ xóa hết dấu hiệu.

Phương Linh