Kéo dài tuổi làm việc cho giáo sư, tiến sĩ: ai về, ai ở?

31/10/2021 06:49
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc kéo dài thời gian đối với giảng viên có trình độ từ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nên có sự cân nhắc từ thực thế công việc cụ thể

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trung Kiên - Giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, đây là câu chuyện không mới bởi từ năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số: 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này có nêu cụ thể: “Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sỹ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có các điều kiện: có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.

Thời gian làm việc kéo dài đối với giảng viên có trình độ tiến sỹ không quá 5 năm, đối với giảng viên có trình độ phó giáo sư không quá 7 năm, đối với giảng viên có chức danh giáo sư không quá 10 năm.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: TTXVN

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: TTXVN

Cần phải nhấn mạnh điều kiện của điều này là “có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận”, do vậy, việc kéo dài thời gian đối với các giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên là hợp lý trên tinh thần tự nguyện giữa 2 bên, đây cũng việc làm chính đáng và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.

Tiến sĩ Lê Trung Kiên cho rằng: “Với nhiều giảng viên có kinh nghiệm, nhiều năm nghiên cứu khoa học và có những đóng góp và nhiệt huyết thì việc kéo dài thời gian là đúng đắn.

Tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trở lên ở Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung của thế giới nên tiếp tục cộng tác với đội ngũ giảng viên có trình độ là hợp lý.

Bên cạnh đó, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động cũng được kéo dài theo lộ trình nên việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu với đội ngũ giảng viên có trình độ cũng là phù hợp với xu thế chung.

Các thầy cô có nhiều năm cống hiến, nghiên cứu, là những trí thức kinh nghiệm dạn dày, có uy tín khoa học. Không dễ gì có thể đào tạo một đội ngũ như vậy ”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Trung Kiên, việc kéo dài thời gian đối với các giảng viên cũng cần phù hợp từng điều kiện cụ thể: “Quy định cho phép kéo dài độ tuổi nghỉ hưu với giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư hay phó giáo sư theo ý kiến cá nhân tôi thì nên kéo dài theo thỏa thuận.

Ví dụ như đến tuổi nghỉ hưu, với nhiều nhà giáo còn tâm huyết cống hiến và cơ sở đào tạo cần trọng dụng thì 2 bên có thể thỏa thuận về thời gian kéo dài. Thời gian kéo dài có thể theo từng năm, tùy vào từng mức độ công việc, sức khỏe…

Song song với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với những giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cần thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ để kế tục công việc.”

Cũng bày tỏ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho rằng, việc kéo dài thời gian đối với đội ngũ giảng viên có trình độ, có tri thức như vậy cũng là một chính sách hợp với xu thế phát triển.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên cho rằng các bên, kể cả người lao động và bên sử dụng lao động nên sắp xếp thời gian và công việc cụ thể theo nhu cầu của cơ sở.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên. Ảnh: LC

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Nguyên. Ảnh: LC

“Kéo dài tuổi nghỉ hưu là xu thế của Việt Nam và kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ lao động tri thức cao như vậy là điều rất đáng quý.

Vấn đề quan trọng là lựa chọn người ở lại, ai ở được ai không và ở lại sẽ phù hợp với công việc gì.

Có một thực tế là giảng viên có tuổi và xu thế của người trẻ sẽ có một khoảng cách thế hệ nhất định.

Do vậy, nếu các trường cần đội ngũ chuyên gia uy tín để nghiên cứu hoặc các công việc làm chuyên gia tư vấn thì có thể nhưng giảng dạy thì yêu cầu nhiều hơn.

Giảng viên có tuổi, có kinh nghiệm và lại có khả năng thích ứng và cập nhật thì để họ về hưu khi đến tuổi thì thật uổng phí. Thực tế cho thấy cũng đã có nhiều thầy cô đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ sức khỏe được các trường giữ lại vẫn giảng dạy, nghiên cứu và làm việc rất tốt.

Một số trường đại học còn mạnh dạn giữ lại ở các chức vụ quản lý chuyên môn quan trọng như chủ nhiệm bộ môn, trưởng phòng thí nghiệm. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhưng ngược lại, những giảng viên có tuổi nhưng lại ôm khư khư những kinh nghiệm cũ, không phù hợp thì rất khó, thậm chí có thể làm cản bước phấn đấu của giới trẻ và kéo lùi sự phát triển.

Trên thực tế, đã có không ít giảng viên không cập nhật những xu thế mới mà chỉ sử dụng tri thức cũ nên đã không phù hợp với thực tiễn của dòng chảy phát triển.

Do vậy, việc kéo dài này theo tôi nên có sự tự nguyện của 2 bên và ở nhu cầu từng công việc cụ thể”.

Trần Phương