Hồi tưởng trận đánh Dinh độc lập qua ký ức Thượng tướng Nguyễn Hữu An

26/04/2015 06:00
Đặng Việt Thủy
(GDVN) - 9 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1975, phân đội đi đầu do lữ đoàn trưởng xe tăng thiết giáp 203 chỉ huy đã tiến sát cầu Sài Gòn.

LTS: Tiếp nối loạt bài viết chào mừng 40 năm thống nhất đất nước, hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy lại gợi mở cho chúng ta những ký ức hào hùng về trận đánh Dinh Độc lập của bộ đội ta qua ghi nhớ của Thượng tướng Nguyễn Hữu An.

Thượng tướng NGUYỄN HỮU AN (1926-1995), nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), nhập ngũ tháng 8-1945, Thượng tướng (1986), phó giáo sư. Ông quê ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. 

Trong kháng chiến chống Pháp, trưởng thành từ chiến sĩ đến trung đoàn trưởng. Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Hữu An là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, trực tiếp chỉ huy tấn công cứ điểm A1. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã từng giữ các chức vụ: Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308; Phó tư lệnh các mặt trận: 31, Đường 9 và Quân khu Trị - Thiên. Từ năm 1975-1979 Nguyễn Hữu An là Tư lệnh Quân đoàn 2. 

Quân đoàn 2 đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch Trị Thiên - Huế và chiến dịch Đà Nẵng, tiến công giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An (Theo Wikipedia)
Thượng tướng Nguyễn Hữu An (Theo Wikipedia)

Sau đây là ký ức của Thượng tướng Nguyễn Hữu An về buổi sáng ngày 30-4-1975 khi ông cùng đơn vị tiến vào dinh Độc Lập, cơ quan đầu não, dinh lũy cuối cùng của Chính quyền Việt Nam cộng hòa:

9 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1975, phân đội đi đầu của lực lượng thọc sâu do lữ đoàn trưởng xe tăng thiết giáp 203 chỉ huy đã tiến sát cầu Sài Gòn. Giống tình huống cầu Xa Lộ (Đồng Nai), cầu Sài Gòn cũng được bộ đội đặc công bảo vệ không cho địch phá. 

Nhưng bọn địch vẫn còn dày đặc ở phía nam cầu và dùng chướng ngại vật để ngăn bước tiến của quân ta. Khi phát hiện lực lượng ta, địch dùng hỏa lực của tám chiếc xe M.113, bốn xe M.41 và hỏa lực của sáu chiếc tàu chiến đậu ở Tân Cảng, kết hợp với bộ binh ở phía tây đường chống cự quyết liệt. 

Ngay những phút đầu ta đã bị thiệt hại, hai chiếc xe tăng bị bắn cháy, một số cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên cầu. Để dập tắt các ổ hỏa lực hiểm ác của địch, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) thuộc Sư đoàn 304 đã nổ súng tiêu diệt bọn địch co cụm ở gần ngôi chùa phía tây xa lộ. 

Pháo 85 của Trung đoàn 68 cùng với ĐKZ của Trung đoàn 66 bắn cháy 2 tàu chiến. Được hỏa lực pháo chi viện đắc lực, Trung đoàn 66 cùng với xe tăng của Lữ đoàn 203 đã đột phá qua cầu trong khoảng 30 phút.

10 giờ đội hình thọc sâu đã tới cầu Thị Nghè. Bốn chiếc xe tăng địch phục kích ở đây chưa kịp hành động ngăn chặn, đã bị các chiến sĩ của ta dùng súng chống tăng bắn cháy.

Đội hình hàng trăm xe các loại của lực lượng thọc sâu gầm thét tiến theo đường Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay). Bọn lính ngụy vội vã thi nhau vứt súng, cởi bỏ quân phục quay đầu chạy trốn.

Toàn cảnh xe tăng lữ đoàn 203 tiến vào dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
Toàn cảnh xe tăng lữ đoàn 203 tiến vào dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Nhân dân lúc đầu vài người lấp ló ở vỉa hè, rồi lần lượt chạy ào ra hoan hô quân giải phóng. Người người lớp lớp như những đợt sóng tràn ngập mặt đường bám sát thành xe, bắt tay các anh bộ đội. Cánh tay phải của tôi muốn rời ra vì chìa ra nắm lấy hàng nghìn, hàng vạn bàn tay của đồng bào Sài Gòn. Vui mừng sung sướng, mà ai cũng nước mắt trào trào ra ướt đầm trên má.

Ở dinh Độc Lập, khoảng giờ đó Dương Văn Minh đang chủ trì cuộc họp để chuẩn bị ra mắt "tân nội các" dự định tiến hành vào 10 giờ sáng. Nhận được tin quân giải phóng đã tràn ngập bốn phương vào nội đô Sài Gòn, Dương Văn Minh vội đưa ra bản tuyên bố phát trên đài phát thanh Sài Gòn, "xin ngừng bắn để cùng thảo luận về việc bàn giao chính quyền".

Đến lúc này rồi làm gì có chuyện "ngừng bắn để cùng thảo luận". Xe tăng, xe bọc thép của Quân đoàn 2 đang như vũ bão tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Chiếc xe thứ nhất vòng sang sườn trái dinh, chiếc xe thứ hai tiến thẳng húc đổ cổng chính vào giữa cửa dinh. 

Bọn lính dù còn đầy súng ống đứng trước dinh sợ dạt sang bên trái, không dám chống cự. Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng một số chiến sĩ của trung đoàn và cán bộ Lữ đoàn 203 vượt lên gác, vào hội trường nơi nội các Dương Văn Minh đang có mặt đông đủ, thấy Phạm Xuân Thệ vào Dương Văn Minh đứng dậy lên tiếng: "Thưa ngài chỉ huy, chúng tôi đã sẵn sàng để bàn giao lại chính quyền cho quý vị". Phạm Xuân Thệ trả lời dứt khoát bắt Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Hồi tưởng trận đánh Dinh độc lập qua ký ức Thượng tướng Nguyễn Hữu An ảnh 3

Diễn biến trận chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 1975

(GDVN) - Năm 1975, sau chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, kế hoạch quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam bao gồm cả các đảo và quần đảo Trường Sa, Côn Đảo...

Cùng lúc đó đại đội trưởng Bùi Quang Thận cán bộ xe 843 cùng tiểu đội phó Trần Đức Tình trèo lên tòa nhà lớn treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng. Lá cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh tung bay trên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút, báo hiệu Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng.

Mỗi lúc người một đông thành dòng chảy về phía dinh Độc Lập. Tôi bảo cậu lái xe cố lách lên phía trước, nhưng không thể được, đành phải nằm trong đội hình xe một hàng dọc. Mãi khoảng nửa giờ sau, xe của tôi mới qua nổi cái cổng sắt vừa bị xe tăng húc đổ. 

Xuống xe, tôi nhìn quang cảnh xung quanh, không thể tưởng tượng được sự lộn xộn. Ở phía bức hàng rào thép cao hơn đầu người, hàng nghìn người bám vào những chấn song thép, như muốn đè bẹp nó xuống. Hàng trăm nhà báo, nam có, nữ có trèo leo công kênh trên vai nhau vượt qua hàng rào. 

Có một sĩ quan giữ trật tự không nổi đã bắn mấy phát đạn chỉ thiên, nhưng vẫn vô hiệu. Các nhà báo có gan chiến sĩ vẫn tiếp tục nhảy vào, rồi quây lấy cán bộ, chiến sĩ của ta để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn.

Tôi nói với một cán bộ trung đoàn: "Nhắc anh em không được nổ súng hăm dọa", rồi cùng anh Công Trang lên trên gác. Một cán bộ bảo vệ dẫn chúng tôi tới nơi tập trung nội các ngụy. 

Nhìn những gương mặt lo lắng sượng sùng, không thấy Dương Văn Minh, tôi hỏi anh cán bộ bảo vệ, anh cho biết: Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 đã dẫn Dương Văn Minh đến đài phát thanh kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng. 

Công Trang sợ sổng mất Dương Văn Minh, anh nổi nóng hỏi: "Ai giao cho các cậu làm việc đó?". Tôi phải giật áo Công Trang: "Đằng nào anh em cũng làm rồi, bình tĩnh đợi xem sao".

Ý thức cảnh giác của anh em cán bộ Trung đoàn 66 và Lữ đoàn 203 rất khá. Sau khi chiếm được dinh Độc Lập, anh em đặt rất nhiều vọng gác. Ngay cửa ra vào nội các ngụy có một vọng gác và có cán bộ bảo vệ trực tiếp. Ai không có nhiệm vụ không được vào.

Tôi cùng anh Duyến, phó phòng tác chiến đi sóng đôi bước xuống thềm dinh, ra sân. Cái sân cỏ rộng phẳng phiu có tới mấy nghìn mét vuông. Bọn tù binh đã bị tước vũ khí, ngồi xếp hàng giữa sân.

Chúng tôi thả từng bước một về phía tù binh. Trong đầu tôi mênh mang khó tả. Tôi buột miệng hỏi Duyến:

"Cậu đang nghĩ gì lúc này?"

"Anh hỏi điều gì kia?"

"À, là hỏi thế thôi."

Có lẽ trong trận đánh liên tục, khẩn trương, dài ngày và thắng lợi vĩ đại này, có thể tinh thần, tình cảm của con người tôi đã quá tải. Đúng vậy. Cái gì cũng quá mức. Mệt mỏi quá. Căng thẳng quá. Lo lắng quá. Vui mừng sung sướng quá! 

Tất cả những cái "quá mức" ấy đến lúc này, chiến tranh đã kết thúc, trong đầu tôi tự nghĩ: Tuy chiến tranh kết thúc rồi nhưng chưa phải là đã được thảnh thơi đâu anh bạn ơi, còn có hàng trăm nghìn công việc đang đợi anh đấy, hãy sẵn sàng chuẩn bị mà lên đường tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước!

Giữa lúc nhìn cuộc sống xung quanh hư hư, thực thực ấy, mấy quả đạn cối 82 (hoặc 81) nổ liên tiếp ngay trên sân cỏ. Duyến ôm lấy mặt kêu lên: "Tôi bị thương rồi!". Tôi bảo chiến sĩ gác cho tù binh chạy vào trong hầm.

Mấy quả đạn cối nổ, chỉ có mình đồng chí Duyến là chẳng may hỏng một bên mắt. Tôi hỏi một sĩ quan tù binh xem xung quanh đây còn lực lượng nào dám kháng cự nữa không. Không có. 

Như thế là "quân ta bắn quân mình" thôi. Chiến tranh khó tránh hết được cái chuyện quái gở ấy. Nhưng nhờ có vài viên đạn súng cối, trật tự được thiết lập nhanh chóng. Các nhà báo thôi không trèo leo nữa. Các vị đã vào trong sân rồi cũng vui lòng ra ngoài.

Quân đoàn 2 bàn giao dinh Độc Lập và những phố xá vừa giải phóng cho Quân đoàn 4 rồi lui về khu vực Thủ Đức.

* Nguồn trích dẫn:

- Thượng tướng Nguyễn Hữu An, "Chiến trường mới", Hồi ức, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đặng Việt Thủy