Học sinh trở lại trường, giáo viên sẵn sàng cho mọi tình huống

03/03/2021 08:37
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Nguyễn Thị Hoàng Ân chia sẻ, giáo viên đã chuẩn bị trước để đối phó với dịch bệnh, đảm bảo kết quả học tập vẫn đạt yêu cầu.

Trong khó khăn, giáo viên phải chủ động, sáng tạo

Ngày 2/3, học sinh Hà Nội đã trở lại trường sau nhiều ngày nghỉ, học online để phòng, chống dịch covid-19. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hoàng Ân - Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, cả cô và trò đều vô cùng hào hứng khi được đến lớp sau nhiều ngày nghỉ.

“Các con đọc và làm toán tốt, nhưng chữ viết thì phần lớn là không đạt do nghỉ dài, giáo viên sẽ phải cần khoảng 1 tuần để uốn nắn, đưa các con trở lại quỹ đạo. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng cho tình huống tiếp tục có thể học online phòng chống covid, nên chủ động điều chỉnh thời lượng tập trung vào mục tiêu chính là đọc - viết thành thạo, làm Toán cộng trừ trong phạm vi một trăm, Toán có lời văn...”, cô Ân cho biết.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Ân và học trò trong buổi học đầu tiên khi trở lại trường. (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thị Hoàng Ân và học trò trong buổi học đầu tiên khi trở lại trường. (Ảnh: NVCC)

Vấn đề đặt ra là trong thời gian học sinh ở nhà để phòng, chống dịch thì những giáo viên như cô Hoàng Ân đã làm thế nào để duy trì bài học, đảm bảo đạt yêu cầu của chương trình?

Chia sẻ với phóng viên, cô Hoàng Ân cho biết, để duy trì được kết quả tốt, học sinh không bị bỡ ngỡ khi trở lại trường, giáo viên đã sử dụng thêm những cách truyền đạt khác mang lại hiệu quả lớn hơn mà không tốn nhiều thời gian của phụ huynh, giáo viên, học sinh.

“Tôi lập một nhóm chung cho tất cả các phụ huynh trong lớp học. Hướng dẫn cụ thể nhất đối với tất cả phụ huynh. Môn Toán có hướng dẫn riêng, môn Tập đọc, Chính tả… có hướng dẫn riêng. Sau đó, phụ huynh hướng dẫn học sinh làm bài và nộp bài vào đúng thời gian quy định. Đó là đối với những học sinh có bố mẹ kèm cặp.

Đối với những học sinh không có điều kiện sử dụng phương tiện công nghệ thì tôi lập các bài tập với nhiều dạng đề từ dễ đến khó. Sau đó, phụ huynh nhận qua điện thoại rồi in ra để các con làm bài và chụp gửi lại cho giáo viên.

Phụ huynh cũng có thể tới nhận bài từ giáo viên mang về cho các con làm rồi mang tới nộp lại giáo viên. Nói tóm lại là có nhiều cách thức thuận lợi cho phụ huynh và học sinh lựa chọn.

Khi học sinh viết, đọc thì phụ huynh quay clip và gửi cho giáo viên xem để đánh giá và điều chỉnh với từng bạn. Như vậy, giáo viên kiểm soát được kết quả học tập của từng học sinh và đồng thời cũng tương tác nhiều hơn với các con, phụ huynh cũng tham gia và hiểu hơn về chuyện học tập của con”, cô Ân cho biết.

Cô Hoàng Ân cho biết, để đảm bảo dạy và học đều đạt yêu cầu thì ngoài giờ giảng trực tuyến, giáo viên còn chuẩn bị các bài tập để phụ huynh chuyển về cho học sinh làm; đồng thời phụ huynh quay clip gửi cho giáo viên bài tập viết và tập đọc để nhận xét, điều chỉnh. (Ảnh: NVCC)

Cô Hoàng Ân cho biết, để đảm bảo dạy và học đều đạt yêu cầu thì ngoài giờ giảng trực tuyến, giáo viên còn chuẩn bị các bài tập để phụ huynh chuyển về cho học sinh làm; đồng thời phụ huynh quay clip gửi cho giáo viên bài tập viết và tập đọc để nhận xét, điều chỉnh. (Ảnh: NVCC)

Theo cô Hoàng Ân, vận dụng đồng thời những cách này thì lượng kiến thức của học sinh được đảm bảo đến 80% trong thời gian chống dịch, đó là một kết quả rất đáng mong đợi.

"Để đạt được kết quả, giáo viên còn phải phân ra nhiều lớp học, nhiều thời gian học, nhiều nhóm học sinh thậm chí có cả nhóm học sinh vào lớp học muộn giờ phải nghe lại bài giảng. Qua việc bắt buộc quay clip sẽ tạo ra kết quả học thật, không làm hộ, đọc hộ, viết hộ cho học sinh được”, cô Ân chia sẻ.

Cô, trò đều sẵn sàng nếu phải học online

Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực hướng dẫn và triển khai dạy học online, học qua truyền hình đến học sinh và giáo viên cả nước.

Cô Ân chia sẻ kinh nghiệm: “Dạy trực tuyến hay dạy trực tiếp đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng trong thời gian dịch bệnh có diễn biến phức tạp thì dạy trực tuyến là một biện pháp có hiệu quả tương đối ổn đối với tất cả các đối tượng học sinh.

Đối với học sinh khối lớp 1, tuy ưu điểm không nhiều nhưng học trực tuyến cũng là hình thức để cô và trò vẫn được tiếp xúc với nhau, nhìn thấy hình ảnh và nghe được giọng nói. Từ đó học sinh, phụ huynh và giáo viên vẫn có thể trao đổi, tương tác với nhau trong qúa trình học tập”.

Tuy nhiên, cô Hoàng Ân cũng thẳng thắn cho biết, do học sinh lớp 1 chưa có đủ kỹ năng nên khi học trực tuyến nên khi kết thúc tiết học thì giáo viên phải dành thêm thời gian trao đổi với bố mẹ, truyền đạt cho người lớn cách dạy con lúc ở nhà.

Đối với một bài giảng tiếng Việt bình thường trên lớp, cô Hoàng Ân chỉ cần 2 tiết học tương đương với 70 phút để hoàn thành, nhưng cũng bài học đó dạy trực tuyến thì phải cần khoảng 3 tiếng đồng hồ (từ 8h30 đến 11h30). Dù mất nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả tiết học đó vẫn không thực sự đạt được kết quả như mong muốn.

Theo cô Ân, một trong những bất cập đầu tiên đó chính là sử dụng công nghệ đối với học sinh và phụ huynh lớp 1: “Khó khăn nhất trong việc triển khai dạy và học trực tuyến là sử dụng các phần mềm. Học sinh lớp 1 chưa có đủ sự tập trung, chú ý vào bài giảng nên việc triển khai qua phần mềm lại khó khăn hơn.

Vùng ven ngoại thành như trường của tôi dạy, việc chuẩn bị cho các con máy tính để học trực tuyến khiến nhiều gia đình rất vất vả vì điều kiện kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn.

Thêm vào đó, việc sử dụng máy tính để có được chất lượng bài giảng tốt nhất về đường truyền, về âm thanh, về lưu trữ và điều hành bài giảng đối với nhiều học sinh và thậm chí phụ huynh cũng có xảy ra nhiều bất cập”.

Cô Ân cho biết, bài học đối với học sinh lớp 1 rất cần có trực quan sinh động, cụ thể. Việc đọc, viết, nắn nót không chỉ là nhìn, ngắm vở mẫu mà phải là giọng đọc và chữ mẫu của giáo viên, học sinh lớp 1 làm theo thì mới hiệu quả được.

“Đối với học sinh lớp 1 là cầm tay khi viết, sửa lời khi đọc mà ngay cả lúc cầm sách, cầm bút của các em giáo viên phải xử lý, phải chú tâm. Những điều này thì học trực tuyến, giáo viên không thể bao quát và nhận xét từng em được như học trực tiếp.

Thêm nữa là sự trao đổi kết nối với phụ huynh. Dạy phần mềm trực tuyến cả lớp đối với học sinh lớp 1 đồng nghĩa với việc phụ huynh cũng phải đồng hành cùng con vào khung giờ cụ thể mà lớp học đã đặt ra trước đó. Thế nhưng phụ huynh cũng phải đi làm việc chứ không phải gia đình nào cũng có người ở nhà học tập cùng con, cho nên không kiểm soát được sự nghiêm túc của trẻ khi học bài”, cô Ân nhận định.

Ngoài ra, về phía giáo viên, thời gian soạn bài đối với dạy trực tuyến vất vả hơn so với dạy trực tiếp. Giáo viên phải lồng ghép tất cả hình ảnh, âm thanh để làm thành các bài giảng trình chiếu nên mất nhiều thời gian hơn.

Dù có nhiều khó khăn, cô Hoàng Ân vẫn tin rằng mỗi giáo viên đều hoàn thành nhiệm vụ nếu biết vận dụng linh hoạt thêm các biện pháp khác để tăng cường hiệu quả bài giảng, bài học.

Có thể phương pháp của những giáo viên như cô Hoàng Ân chưa phải là tối ưu nhất nhưng chí ít thì đó là sự sáng tạo nhằm bù lấp vào khó khăn khi dạy trực tuyến dành cho học sinh lớp 1.

"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mỗi giáo viên vẫn phải chủ động, sáng tạo, mục tiêu cuối cùng vẫn là phải đảm bảo được kết quả học tập của học sinh", cô Ân nói.

Cao Kim Anh