Nhiều trường khá "căng" khi phải ôn luyện trực tuyến trong thời gian sắp thi

15/05/2021 06:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh không đi du học được, tính cạnh tranh vào đại học trong nước cũng tăng lên.

Thực hiện Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 3/5/2021 về tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo: Cho học sinh, học viên các cấp học trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 từ ngày 4/5/2021 cho đến khi có thông báo mới của thành phố.

Trước thông tin này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Cô Dương cho biết: “Trước Tết vừa qua khi học sinh phải nghỉ 1 tháng để phòng chống dịch Covid-19 thì ban giám hiệu nhà trường đã cho triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến.

Toàn bộ ban giám hiệu, bộ phận văn phòng và tổ giám thị… sẽ có thêm trách nhiệm quản lý việc dạy học trực tuyến, mỗi người một máy tính và chịu trách nhiệm quản lý 5 lớp trên 81 lớp học, công việc này khá vất vả.

Cứ đầu giờ học mọi người phải vào xem các thầy cô đã vào dạy hay chưa, học sinh đã vào học đủ chưa? Mặc dù rất vất vả nhưng nhờ có sự quản lý đó nên nề nếp dạy cũng rất tốt, hơn hẳn là không có ai vào giám sát.

Bình thường nếu học trực tiếp trên lớp thì có 3 giám thị quán xuyến là xong, nhưng khi quản lý trực tuyến thì hoàn toàn khác. Tất cả lực lượng được huy động của toàn trường với gần 20 thầy cô, máy tính và cứ đầu giờ vào kiểm tra lớp, đầu tiết sau lại như vậy cho đến khi hết các tiết học mới thôi”.

Cô Trần Thuỳ Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdamcho biết: “Ban giám hiệu đã chuẩn bị kế hoạch học trực tuyến đúng thời khóa biểu, nhất là khối 12 để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Trần Thuỳ Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdamcho biết: “Ban giám hiệu đã chuẩn bị kế hoạch học trực tuyến đúng thời khóa biểu, nhất là khối 12 để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Dương cho biết thêm: “Trước khi có quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo thì ban giám hiệu đã chuẩn bị kế hoạch học trực tuyến đúng thời khóa biểu, nhất là khối 12 để chuẩn bị cho các con dự kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021.

Tất cả các bộ môn vẫn tiến hành dạy và học đầy đủ, tuy nhiên có tăng cường thêm một số tiết để đảm bảo kiến thức cho các học sinh cuối cấp. Cũng rất yên tâm bởi các thầy cô và học sinh trường Ams đã quen với dạy và học trực tuyến nên không có gì quá khó khăn.

Năm nay cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các học sinh không đi du học được, vậy nên tính cạnh tranh vào đại học trong nước cũng tăng lên, vì thế mà các môn Toán, Văn, Tiếng Anh, Sử, Địa... chúng tôi đều phải tăng cường thêm để đảm bảo kiến thức cho các con”.

Vấn đề nhiều phụ huynh đang băn khoăn là đợt học trực tuyến này kéo dài liệu có ảnh hưởng đến học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hay không?

Trước vấn đề này, cô Dương nếu quan điểm: “Theo tôi học trực tuyến thì học sinh vẫn đảm bảo phần kiến thức, nhưng phải tham gia đầy đủ, nghiêm túc.

Nếu giám thị của nhà trường đăng nhập vào lớp học trực tuyến thì chỉ đảm bảo được việc biết giáo viên đó có giảng dạy hay không mà thôi, còn phía các em học sinh có mặt đấy nhưng có chăm chú nghe giảng hay không thì khó mà quản lý được.

Nếu học trực tiếp trên lớp giáo viên chỉ nhìn qua là nhận biết được em nào học và em nào không, nhưng với trực tuyến thì thực sự khó khăn, giáo viên vừa dạy lại vừa quản lý học sinh qua mạng thì khó mà dạy tốt được, việc này là không thể.

Giáo viên đầy đủ bài giảng, giáo trình để đưa kiến thức đến học sinh, nhưng các em có nghe giảng hay không thì lại là câu chuyện khác. Với trường tôi đặc thù mỗi lớp có 30 học sinh thì giáo viên vẫn có cách để kiểm tra được.

Theo tôi muốn dạy và học trực tuyến có hiệu quả thì đòi hỏi học sinh phải có tính tự giác rất cao, đồng thời có sự phối hợp quản lý của phụ huynh thì mới đạt chất lượng.

Tất cả những biện pháp hành chính mà chúng tôi đang làm như tổ giám thị, thầy cô giám sát cũng vẫn đạt được hiệu quả nhất định, ngoài ra nhà trường cũng kêu gọi các gia đình phối hợp cùng vì quyền lợi của các con.

Nhưng tôi tin với lớp 12 mà nhu cầu thi đại học năm nay rất cao như vậy thì các con rất nghiêm túc bởi quyền lợi sát sườn, chứ không phải như mọi năm là đằng nào mình cũng đi du học nên có phần lơ là. Nhưng năm nay việc thi đại học là bắt buộc với tất cả các con có ý định đi du học”.

Cô Dương chia sẻ thêm: “Theo tôi việc học trực tuyến có cái thiệt là các con không được tiếp xúc với bạn bè trên lớp, nhưng cũng có một điều may mắn các trường đã thi học kỳ 2 xong rồi nên đỡ khá nhiều công đi lại, các con chỉ tập trung vào việc ôn tập theo định hướng của các thầy, cô.

Ban giám hiệu rất mong phụ huynh hợp tác phối hợp với nhà trường để việc dạy và học trực tuyến có hiệu quả trong kỳ thi sắp tới rất quan trọng”.

Các thầy cô đã khởi động dạy và học trực tuyến

Về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Cách đây vài hôm nhà trường đã chủ động về việc này, toàn bộ ban giám hiệu và các thầy, cô đã khởi động việc dạy và học trực tuyến.

Thời khóa biểu các môn học chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, nhà trường sẽ áp dụng thời khóa biểu dạy trực tuyến với mỗi ngày là 3 tiết học. Việc này nhà trường đã thử nghiệm và cho ra công thức đúng, hiệu quả.

Mỗi ngày chỉ học 3 tiết là phù hợp, việc này liên quan đến việc truy cập thiết bị, ảnh hưởng đến sức khỏe… Chúng tôi dạy theo chính khóa nhưng buổi sáng và buổi chiều đều bắt đầu dạy học từ tiết 2.

Với gia đình có 2 con đi học thì buổi sáng các phụ huynh phải chuẩn bị thiết bị, sắp xếp công việc rất nhiều cho các con theo học, vậy nên việc dạy và học sẽ bắt đầu từ tiết 2 là hợp lý”.

Thầy Cường cho biết: “Toàn bộ chương trình lớp 9 đã cơ bản hoàn thành, các con cũng thi xong rồi, giờ đây lớp 9 chỉ tập trung ôn thi vào lớp 10 với 4 môn Toán, Văn, Sử và Tiếng Anh. Ảnh: Tùng Dương.
Thầy Cường cho biết: “Toàn bộ chương trình lớp 9 đã cơ bản hoàn thành, các con cũng thi xong rồi, giờ đây lớp 9 chỉ tập trung ôn thi vào lớp 10 với 4 môn Toán, Văn, Sử và Tiếng Anh. Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Cường chia sẻ: “Với thời lượng chúng tôi xây dựng môn Toán, Văn sẽ là 2 tiết trong tuần và 1 tiết với các môn còn lại, như vậy là phù hợp. Đây là trước mắt đối với việc học chính khóa vì chúng tôi cũng xác định cho dù học bằng hình thức nào thì cũng cán đích hoàn thành chương trình vào ngày 24/5.

Riêng đối với các em học sinh lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 thì ngoài giờ học đó ra, với những buổi còn lại các thầy cô sẽ tiến hành ôn tập trực tuyến với các môn Toán, văn, Tiếng Anh và Lịch sử.

Đây là kế hoạch mà nhà trường chúng tôi đã chuẩn bị rất chủ động, hoàn toàn không bị động với bất kỳ tình huống nào xảy ra.

Ngay trong tối nay 3/5 chúng tôi tiến hành họp cha mẹ học sinh 31 lớp trong trường theo hình thức trực tuyến để thống nhất cơ chế phối hợp việc quản lý học sinh cũng như đảm bảo thông tin hai chiều, sẵn sàng phối hợp để tháo gỡ những vướng mắc nếu có.

Toàn bộ chương trình lớp 9 đã cơ bản hoàn thành, các con cũng thi xong rồi, giờ đây lớp 9 chỉ tập trung ôn thi vào lớp 10 với 4 môn, trong đó nhà trường dự kiến thời lượng mỗi môn học 2 buổi trong tuần và mốt tiết học không quá 90 phút để đảm bảo sức khỏe cho học sinh”.

Về tâm lý phải học trực tuyến thì đương nhiên các bậc phụ huynh khá lo lắng, bản thân các thầy cô trực tiếp giảng dạy cũng thấy tính hiệu quả chưa được như mong muốn muốn.

“Khi dạy trực tiếp trên lớp còn liên quan đến việc giao tiếp, chấm chữa, động viên tinh thần học sinh… với lớp 9 cũng khá lo lắng.

Nhưng với tình thế hiện nay thì học trực tuyến là biện pháp phù hợp, tôi cũng hy vọng chỉ nghỉ trong khoảng 10 ngày nhất bởi kỳ thi Sở đã công bố lùi đến ngày 11, cũng là cái mốc mà nhà trường đã tính toán”, thầy Cường nói.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tùng Dương