“Hoàn hảo” là từ thể hiện rõ nhất hành trình 10 năm của Tạp chí GDVN

16/05/2021 06:40
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hành trình một thập kỉ qua cho thấy mọi lời hứa của Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đều được thực hiện hoàn hảo.

Nhìn lại 10 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (trước đây là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam), Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tóm gọn trong cụm từ “hoàn hảo”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội nhớ lại, cách đây 10 năm khi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập do Giáo sư Trần Hồng Quân làm Chủ tịch, quyết định thành lập tờ báo điện tử thì ban lãnh đạo cũng như các thành viên thường trực Hiệp hội có nhiều băn khoăn và lo lắng về nhân lực và nguồn lực làm sao đáp ứng được những yêu cầu trong mảng giáo dục đào tạo.

Tuy nhiên, khi ban lãnh đạo gặp và làm việc với Nhà báo Nguyễn Tiến Bình thì đi đến thống nhất chung là Hiệp hội sẽ định hướng tổng quát còn mọi vấn đề khác anh Bình có thể lo được khiến Hiệp hội yên tâm hẳn.

Hành trình một thập kỉ qua cho thấy mọi lời hứa của Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đều được thực hiện một cách hoàn hảo, tốt đẹp.

Bằng chứng cho thấy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nắm được tinh thần định hướng của Hiệp hội, tờ báo đã phát triển trở thành cơ quan phản biện những chủ trương về giáo dục và đào tạo mà độc giả đã nhìn thấy rõ thông qua việc xây dựng về những chính sách của khối trường đại học, cao đẳng ngoài công lập rồi đến góp ý Dự thảo Luật Giáo dục, Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Dự thảo các Nghị định Chính phủ, Dự thảo các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, báo cũng tham gia đóng góp tích cực trong đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ.

Năm 2020, khi cả nước chịu tác động của đại dịch Covid-19, Giáo dục Việt Nam đã bám sát đề xuất của Hiệp hội đó là để các cơ sở giáo dục chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, thực hiện phương châm “học sinh, sinh viên có thể không đến trường, nhưng không dừng việc học tập”. Kết quả đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tình, hưởng ứng.

Và gần đây nhất là loạt bài về “chứng chỉ chức danh nghề nghiệp” giúp thầy cô cả nước nhìn nhận, hiểu đầy đủ khía cạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tất cả những việc làm này đã giúp cho lượng tương tác độc giả của tạp chí tăng lên mỗi ngày để trở thành một trong những tờ báo uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt mọi quan điểm của Hiệp hội đều được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải kịp thời đã giúp cho uy tín của Hiệp hội ngày càng tăng lên đối với cơ quan quản lý cũng như các trường đại học, cao đẳng.

Hi vọng, thời gian tới, với định hướng của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bên cạnh việc tham gia xây dựng chủ trương tự chủ đại học thì cần tập trung nội dung chiến lược phát triển giáo dục đại học trong đó có việc quy hoạch mạng lưới đại học và cao đẳng mà Chính phủ đã có chủ trương gần đây, rồi chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn lớn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm góp phần tạo nhận thức chung về vai trò của mạng lưới và hệ thống đại học của một quốc gia, sự quan tâm xây dựng môi trường bình đẳng về đầu tư và cơ chế chính sách.

Đồng thời, cần bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cập nhật kịp thời tri thức thời đại về khoa học giáo dục và tham gia xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học, liên thông và hiệu quả, không bị cắt khúc và khu trú riêng trong từng khối, từng phần, trong đó có tư duy mở, cơ chế mở, dữ liệu mở, cấp phép mở, gắn với công nghệ thông tin, kết nối và số hóa, gắn với tham gia xây dựng xã hội học tập.

Rất tiếc khi thực hiện quy hoạch báo chí thì cơ quan ngôn luận của Hiệp hội đã trở thành tạp chí.

Thời điểm đó, Hiệp hội có nhiều lo lắng, tuy nhiên qua 1 năm kể từ khi trở thành tạp chí cho thấy Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã và đang đáp ứng được mọi yêu cầu để tồn tại và phát triển trong công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ thay mặt Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong một lần đến chúc mừng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ thay mặt Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong một lần đến chúc mừng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ trăn trở rằng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam với hơn 400 trường đại học, cao đẳng là thành viên, trong mỗi trường có tới mấy vạn, mấy nghìn sinh viên chưa kể số lượng cán bộ giảng viên đại đa số là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư và được xã hội, độc giả rất quan tâm, yêu thích thậm chí có những bài viết có lượng truy cập lên tới 1 triệu lượt đọc/ ngày nên Hiệp hội kỳ vọng thời gian tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ được phục hồi trở lại thành tờ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam như trước đây.

Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, kế hoạch lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 18/5 tạm hoãn và sẽ được tổ chức vào một thời điểm thích hợp. Ban Biên tập trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn qua các thời kỳ, đồng thời Tòa soạn cũng xin được bày tỏ niềm tri ân đặc biệt với tình cảm yêu mến, ủng hộ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cộng tác viên và quý bạn đọc gần xa. Giáo dục Việt Nam mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, góp ý để chúng tôi phục vụ độc giả ngày một tốt hơn. Trân trọng!

Linh Hương