Hình ảnh cảm động của trẻ Nậm Nhùn đến trường trong giá lạnh!

13/12/2014 13:08
Đinh Nhung
(GDVN) - Nhiệt độ dưới 13 độ C, trẻ em nơi đây vẫn quần đùi, áo cộc, co ro trong cái giá lạnh thấu xương...

Pú Đao... lao đao vì rét!

Băng qua những con đường ngoằn nghèo, 2 bên là vách núi đá cheo leo dựng đứng, chúng tôi đến với Trường tiểu học Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu khi mùa đông năm nay vừa mới bắt đầu. Giữa thời tiết 13 độ C, trẻ em ở xã nghèo Pú Đao co ro trong những bộ quần áo mỏng manh, chân đi dép tổ ong, bàn tay lem nhem, đen đúa, nứt nẻ...

Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, các cô cậu học trò nơi đây vẫn chỉ khoác lên mình những bộ quần áo mỏng manh cùng đôi dép tổ ong cũ kỹ không đủ che đi đôi chân trần lấm đầy bùn đất, nhăn nheo, ướt nhẹp vì cái lạnh buốt của vùng núi cao nghèo nàn này.

Dưới tiết trời 13 độ C nhưng nhiều đứa trẻ không có manh quần để mặc. Ảnh Đinh Nhung
Dưới tiết trời 13 độ C nhưng nhiều đứa trẻ không có manh quần để mặc. Ảnh Đinh Nhung

Pú Đao là một nơi mà quanh năm trẻ con chỉ biết làm bạn với sương mù, mây và gió. Đồng bào dân tộc Mông nơi đây quanh năm chỉ làm nương rẫy và trồng sắn, bởi đất đai khô cằn, không phải cây gì cũng sống được. Mỗi năm chỉ làm được một mùa, lắm lúc túng quẫn đành phải đào sắn non lên ăn thay gạo cho qua cơn đói.

Cái ăn đã thiếu thốn, cái ở cũng chẳng nên hồn. Xa xa giữa núi đèo heo hút là những mái nhà liêu xiêu bằng thân cây tre, cây nứa được người dân đan lại. Nhà phông phênh chưa ngăn được gió, nói chi đến chuyện trẻ con ở đây được quần lành, áo ấm. Đã có mùa rét, nhiều trẻ phải chết tức tưởi vì không chịu nổi giá lạnh.

Bố mẹ bận lên nương rẫy cả ngày nên bọn trẻ phải tự chăm sóc nhau. Đứa lớn chừng 8-9 tuổi thì đi hái ngọn đót về bán cho người ta làm chổi. Cũng có đứa vừa trông em vừa giặt đồ bên suối, bàn tay tím ngắt vì làn nước buốt lạnh. Đứa nhỏ hơn chỉ biết quanh quẩn bên anh, chị hoặc nghịch đất quanh nhà.

Mong những bữa cơm... có thịt

Đời sống của người dân vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, con đường học tập của những đứa trẻ ở bản làng xa xôi này cũng gian nan vất vả và đầy khó khăn như vậy.

Hằng ngày đến trường, bọn trẻ phải vượt qua hàng cây số, lớp học tồi tàn, cơ sở vật chất còn yếu kém, thiếu thốn, cộng thêm những bữa ăn thiếu dưỡng chất…Vì đường xá xa xôi nên hầu hết các em đều phải ở bán trú tại trường.

Mỗi em học sinh được bố mẹ chuẩn bị cho một cặp lồng cơm để mang theo ở lại ăn trưa tại trường. Em nào có thìa thì xúc từng muỗng đưa vào miệng, có em dùng tay bốc, rón. 

Những cặp lồng cơm của các em nhỏ này chủ yếu là cơm trắng,  lá sắn rừng hoặc măng đắng thay cho thức ăn. Có những em chỉ ăn cơm không và chan nước lã, em nào “sang” hơn thì có thêm chai muối ớt để dành cả tháng trời vì đường xa không về nhà lấy thức ăn được. Ăn uống đạm bạc như vậy nhưng khuôn mặt em nào cũng hồn nhiên, vui sướng vì “may quá hôm nay em không phải đói”.

Được mặc ấm mỗi khi mùa Đông về luôn là thứ gì đó xa xỉ với em Vừ Thị Páo. Ảnh Đinh NHung
Được mặc ấm mỗi khi mùa Đông về  luôn là thứ gì đó xa xỉ với em Vừ Thị Páo. Ảnh Đinh NHung

Cái ăn đã thiếu thốn đủ đường, vậy mà chỗ ở của các em cũng không được êm ấm, vững chắc. Những mái nhà lụp xụp, thấp lèo tèo là nơi che nắng che mưa cho thầy, trò trong trường qua những đêm đông miền núi lạnh cắt da cắt thịt.

Bên trong tối tăm, ẩm thấp với những chiếc giường ọp ẹp, chăn màn sờn rách nhuộm một màu “cháo lòng”, những mảng tường trát bùn rơm mốc meo, bong tróc... tưởng như 1 cơn gió mạnh lướt qua cũng có thể thổi bay chúng. 

Trong không gian ấy, thầy và trò nơi đây vẫn hàng ngày miệt mài dưới ánh đèn tù mù, cần mẫn, chăm chỉ theo học từng con chữ.

Những mầm non vươn lên từ nghèo khó

Hình ảnh của những đứa trẻ vùng cao chân đất, đầu trần, áo quần lem luốc hiện ra quá đỗi quen thuộc nhưng cũng thật xót xa. Bọn trẻ đến trường đa phần chỉ "tay không, chân đất", không cặp sách, không vở viết, nhưng đứa nào cũng nụ cười long lanh...

Học sinh nơi đây đến trường với những bộ áo quần sờn nát, nhiều em còn không có dép để đi học nên sách mới, vở mới là cả một ước mơ. Vậy nhưng các em đều chăm ngoan, học giỏi và biết vượt qua hoàn cảnh của mình.

Em Vừ Thị Páo, người dân tộc Mông, đang học lớp 3A, Trường Tiểu học Pú Đao đã được rất nhiều bạn bè khâm phục. Nhà nghèo, nhưng Páo rất ham học. Ngoài giờ học trên lớp, Páo còn phụ giúp gia đình công việc nhà. Nhờ vậy, mà 3 năm liền, em đều đạt học sinh giỏi. Năm học vừa qua, em đạt học sinh giỏi toàn diện và đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp toàn tỉnh.

Đặc biệt hơn cả là tấm gương của em Giàng A Sú. Mẹ Sú bị ung thư dạ dày, phải đi chữa bệnh nhiều lần, tốn kém tiền của. Gia đình em là hộ nghèo, bố không có nghề nghiệp ổn định, lại cờ bạc, nghiện hút, thường xuyên đánh đập 2 mẹ con.

Có những hôm bố lên cơn nghiện, đánh ngất mẹ Sú ngay trên nương rồi về trói Sú vào cột nhà đánh đập tàn bạo. Bố bỏ đi biệt tích đã lâu nhưng khi hỏi Sú có muốn gặp lại bố không, em lắc đầu và nói “không, bố em ác quá!”.

Tuy vậy, Sú vẫn cố gắng học tập, đạt giải ba môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và giải ba cuộc thi giải Toán trên internet cấp huyện vừa qua.

Có thể nói rằng, cuộc sống của các em học sinh vùng cao nói chung và Pú Đao nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trẻ em nơi đây đang mong mỏi những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi nơi để làm vơi đi cái lạnh lẽo, nghèo đói và sưởi ấm những tâm hồn, thắp sáng những ước mơ trẻ thơ. 

Đinh Nhung