Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường Điện lực chịu trách nhiệm trước sai phạm

21/05/2020 06:43
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Bộ Công thương xác định trách nhiệm thuộc về ông Trương Huy Hoàng và ông Lê Anh Tuấn, đảng ủy Ban giám hiệu qua từng thời kỳ khi để xảy ra sai phạm.

Thanh tra Bộ Công thương vừa công bố Kết luận Thanh tra về chấp hành các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ, công tác quản lý sử dụng ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trường Đại học Điện lực.

Như Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, qua đơn thư tố cáo của cán bộ, giảng viên kết hợp với tài liệu báo cáo giải trình do nhà trường, các cá nhân, đơn vị liên quan cung cấp, đoàn thanh tra xác định:

Về việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đối với việc bàn giao tài sản của trường Đại học Điện lực từ Tập đoàn Điện lực về Bộ Công thương là kho lưu trữ Sóc Sơn, nhà Q cơ sở 2.

Tập đoàn và nhà trường chưa thống nhất và chưa thanh toán các chi phí phát sinh có liên quan đến việc sử dụng và quản lý đối với một số tầng thuộc cơ sở 2 của trường.

Về công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm, trong giai đoạn từ 2017 - 2018, nhà trường thực hiện công tác bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Trong đó, một trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về thời gian công tác khi bổ nhiệm là ông Bùi Mạnh Tú thiếu 20 ngày theo quy định.

Việc hiệu trưởng nhà trường bổ nhiệm ông Bùi Mạnh Tú giữ chức Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 17 Quyết định số 70 ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học.

Bộ Công thương công bố nhiều sai phạm tại trường Đại học Điện Lực. Ảnh: LC

Bộ Công thương công bố nhiều sai phạm tại trường Đại học Điện Lực. Ảnh: LC

Theo quy định, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo sổ sách của nhà trường từ năm 2017 đến thời điểm thanh tra, nhà trường nhận 19 đơn thư với 14 vụ việc khiếu nại, tố cáo phản ánh thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn một số vi phạm, thiếu sót, chưa thực hiện đầy đủ quy trình xử lý theo quy định của Luật Tố cáo như vụ việc tố cáo của ông Lê Quốc Dũng; việc của sinh viên Phạm Văn Kiên, vụ việc bà Ngô Thị Dậu, giảng viên bà Phí Thị Hằng…

Đối với công tác đào tạo và thu học phí hệ chính quy, trường đào tạo một số ngành nghề không hiệu quả, số lượng sinh viên theo học ít, mỗi lớp chỉ vài sinh viên như:

Ngành quản trị kinh doanh chất lượng cao, ngành tài chính ngân hàng chất lượng cao, ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, viễn thông chất lượng cao, ngành công nghệ kỹ thuật năng lượng, ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, ngành công nghệ kỹ thuật hạt nhân, ngành quản lý công nghiệp chất lượng cao.

Nhiều sinh viên hệ chất lượng cao khoá D9, D10 ra trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp vì chưa đáp ứng được chuẩn Tiếng Anh đầu ra.

Trường tồn tại một số dư công nợ phải thu của sinh viên trên phần mềm theo dõi học phí với số tiền lớn hơn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 18 tỷ 641 triệu đồng.

Trong đó các lớp có trong trường là 10 tỉ 700 triệu, các lớp ngoài trường là 7 tỷ 800 triệu đồng.

Trường Đại học Điện Lực chưa rà soát, đối chiếu, phản ánh chính xác số tiền này thu học phí của sinh viên; trường chưa đối chiếu chính xác số học phí của các lớp ngoài trường với phần mềm thu học phí...

Việc tổ chức học, thu học phí và thi kết thúc học phần tại trường không đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.

Trong công tác thu học phí tiềm ẩn rủi ro về công tác thu phí và đào tạo.

Công tác thống kê, đối chiếu số liệu về sinh viên của trường chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các phòng, ban dẫn đến sự chênh lệch trong công tác kiểm tra, kiểm soát và theo dõi.

Nhiều năm qua, nhóm cán bộ, giáo viên đang công tác tại trường Đại học Điện Lực liên tục gửi đơn tố cáo về những sai phạm của ông Trương Huy Hoàng, hiệu trưởng nhà trường.

Về quản lý phôi bằng, trường chưa thực hiện quản lý phôi bằng theo quy định tại Thông tư số 19 về Quy chế quản lý tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đào tạo, chứng chỉ của hệ giáo dục quốc dân do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Năm 2017, trường Đại học Điện lực in lại phôi bằng theo logo mới nhưng không thực hiện huỷ bỏ phôi bằng cũ theo quy định.

Trường không rà soát, đối chiếu, kiểm tra phôi bằng cấp, in và phát cho sinh viên trong giai đoạn 2011-2018 dẫn đến công tác quản lý phôi bằng trong giai đoạn này chưa thực hiện đúng theo quy định trong việc phát và thu hồi phôi bằng.

Đặc biệt, việc tự thực hiện tổ chức tự thu của trường Đại học Điện lực chưa đúng do trường tự chi chưa quyết toán thu, chi sai quy định và nguyên tắc quản lý tài chính.

Trường chưa thực hiện rà soát các khoản kinh phí, lệ phí của các sinh viên phải nộp theo quy định mà thực hiện cấp bằng cho các sinh viên.

Về hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong trường, trường chưa hạch toán doanh thu và thu nhập khác đối với khoản lãi phải thu của trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam với tổng số tiền là 2,1 tỷ.

Trường chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ đối với doanh thu hoạt động dịch vụ đào tạo tại chức chất lượng cao.

Lãi hoạt động tài chính năm 2017 và 2018 với tổng số tiền là 60 tỷ đồng, trong đó doanh thu đào tạo tại chức là 22 tỷ đồng, doanh khu đào tạo chất lượng cao là 32 tỷ đồng, lãi phải thu của trường trung cấp Hồng Lam là 2 tỷ đồng, thu từ hoạt động trông xe là 385 triệu đồng.

Chi phí thuế VAT trường tính thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 tỷ đồng chưa đúng Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 78 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218 ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ.

Về việc đầu tư Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam, quá trình đầu tư mua và quản lý trường Hồng Lam có một số sai phạm tồn tại như sau:

Trường Đại học Điện Lực đầu tư 100% mua lại trường Hồng Lam chưa đúng quy định của pháp luật

Các vi phạm đã thể hiện rõ trong báo cáo của Ban kiểm soát Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2014.

Tại thời điểm này, trường Đại học Điện lực là đơn vị trực thuộc EVN, giá mua chuyển nhượng của ACT cao hơn giá thẩm định của chứng từ thẩm định.

Giá trị trường Đại học Điện lực mua trường Hồng Lam khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, chưa xin ý kiến của EVN, chưa thực hiện thẩm định khi ký hợp đồng chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng cao hơn giá trị thẩm định là 248 triệu đồng.

Trường tự ý thực hiện các thỏa thuận chuyển nhượng với cá nhân và Công ty cổ phần Hỗ trợ phát triển năng lượng Việt Nam (công ty EDF).

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng chưa thành công, trường chưa có báo cáo Bộ Công thương và các cơ quan chức năng về tính pháp lý của trường Hồng Lam và việc chuyển nhượng.

Đến thời điểm thanh tra, hồ sơ trường trung cấp không có hợp đồng chuyển nhượng và các văn bản pháp lý liên quan việc chuyển nhượng trường Hồng Lam với Công ty EDF.

Ngoài ra, trường Đại học Điện lực sử dụng nguồn tiền của trường bảo lãnh và thanh toán 21 tỷ tiền vay và tiền lãi vay cho chính hợp đồng vay vốn của công ty EDF với ngân hàng.

Công ty EDF không thực hiện đúng cam kết gây rủi ro tranh chấp về mặt pháp lý và báo cáo không chính xác về chủ sở hữu trường Hồng Lam.

Quá trình mua và quản lý trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam của Đại học Điện lực xảy ra nhiều sai phạm.

Về việc thực hiện tổ chức mua sắm trang thiết bị, công tác mua sắm của trường còn tồn tại một số vi phạm, thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện.

Cụ thể một số gói thầu áp dụng chưa đúng hình thức lựa chọn thầu, chưa đăng tải đầy đủ các thông tin lên báo Đấu thầu, Cổng thông tin đấu thầu quốc gia chưa lập đầy đủ các biên bản đóng, mở thầu, thầu không nộp bảo lãnh theo quy định. Trực tiếp thực hiện việc thương thảo hợp đồng trước khi ký hợp đồng.

Về công tác quản lý sử dụng đất đai, công tác quản lý đất đai trường chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai khu đất làm việc tại cơ sở 2.

Không phải lần đầu tiên Đại học Điện Lực bị Bộ Công thương thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm. Ảnh: LC

Không phải lần đầu tiên Đại học Điện Lực bị Bộ Công thương thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm. Ảnh: LC

Diện tích đất còn lại trong khu vực nhà của cán bộ, viên chức là khoảng 12.500 mét và nằm xen kẽ giữa các khu nhà ở bao gồm 3,5 gian trong các dãy nhà.

Các khoảng đất đầu hồi của 18 dãy nhà và toàn bộ các tuyến đường đi nằm trong khu dân cư vẫn do nhà trường quản lý.

Chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm hiện trạng đất để cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Trường cũng không đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất theo quy định.

Về nội dung tố cáo bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự hội nghị khoa học không đúng thực tế, đoàn thanh tra xác định:

Bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự hội nghị khoa học được thực hiện thanh toán nhưng không chặt chẽ, không thể hiện đầy đủ, chính xác.

Bộ chứng từ thanh toán thiếu giấy mời, thư mời và xác nhận của các khách quốc tế tham dự, thiếu kế hoạch tổ chức được phê duyệt, danh sách đăng ký, số lượng thực hiện theo nhiệm vụ, thiếu hộ chiếu, chứng minh thời gian công tác của các khách nước ngoài tham dự, không đảm bảo hồ sơ thanh toán.

Trường và Công ty cổ phần Tổ chức Hội nghị Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinacomin đã ký hợp đồng và nghiệm thu thanh lý với tổng số tiền 500 triệu đồng.

Đối chiếu, xác minh với các thành phần có tên trong danh sách nghiệm thu cho thấy việc nghiệm thu, thanh lý không đúng thực tế.

Về số lượng các cá nhân không sử dụng dịch vụ hỗ trợ của trường, không tham gia du lịch Bái Đính - Tràng An nhưng vẫn được thanh toán theo biên bản nghiệm thu.

Cụ thể đối với bộ chứng từ chi phí ăn, ở cho khách nước ngoài thuê và thuê thiết bị phục vụ hội nghị khoa học năm 2016, một số khách mời xác nhận không sử dụng dịch vụ hỗ trợ lưu trú từ trường.

Một trong những email xác nhận không tham gia hội nghị của trường Đại học Điện Lực. Ảnh chụp màn hình.

Một trong những email xác nhận không tham gia hội nghị của trường Đại học Điện Lực. Ảnh chụp màn hình.

Như Giáo dục Việt Nam đã phản ánh về việc cán bộ của trường Đại học Điện Lực có dấu hiệu lợi dụng việc tổ chức sự kiện, hội nghị quốc tế để trục lợi.

Về vấn đề này, Thanh tra Bộ Công thương xác định, việc tổ chức hội nghị khoa học năm 2016 của trường được Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch chi phí nhưng kinh phí tổ chức thực hiện cao hơn nhiều so với quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ và Thông tư số 01 ngày 6 tháng 1 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

Theo đó, với mỗi khách quốc tế, mức thuê phòng tối đa là 500.000 đồng/một người và ăn không quá 270.000 đồng/người.

Việc Hiệu trưởng phê duyệt kinh phí và thực hiện hợp đồng dịch vụ số 1930 do Công ty cổ phần tổ chức Hội nghị Việt Nam tổ chức với định mức cao hơn quy định ăn nghỉ là 307 triệu đồng.

Thực tế, trường tổ chức thực hiện hợp đồng dịch vụ số 1930 cao hơn so với báo giá trao đổi của Công ty VNG số tiền là 225 triệu đồng.

Mức giá hợp đồng dịch vụ 1930 tại khách sạn Sen cũng cao hơn nhiều so với mức giá niêm yết của khách sạn này trên các phương tiện đăng ký online.

Ngoài ra, một số công trình, dự án tại trường Đại học Điện lực còn tình trạng phê duyệt, ký hợp đồng có khối lượng tính thừa tính trùng như kết luận Kiểm toán Nhà nước mà Đoàn thanh tra và thanh tra đã chỉ ra.

Kết luận của Thanh tra Bộ Công thương cũng nêu rõ: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, hạn chế về nghiệp vụ, các sai phạm, tồn tại, hạn chế, thiếu sót nêu trên còn có tính chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Một số hoạt động quản lý của nhà trường còn thiếu minh bạch, khách quan.

Để xảy ra tình trạng quản lý tài chính chưa đúng quy định, tiềm ẩn nhiều sai phạm như đã nêu trên, trách nhiệm thuộc về đảng uỷ nhà trường, trong đó có ông Trương Huy Hoàng - Bí thư, Hiệu trưởng nhà trường; ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường; Ban Giám hiệu mà người đứng đầu là hiệu trưởng qua các thời kỳ, một số lãnh đạo phòng, ban, đơn vị, cá nhân có liên quan như Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Đào tạo, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Quản lý đầu tư xây dựng, Trung tâm ACT, ART, Khoa điều khiển tự động hoá.

Đáng lưu ý, trong quá trình thanh tra, trường Đại học Điện lực còn một số cá nhân thiếu hợp tác, không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, giải trình không đầy đủ cho đoàn thanh tra, gây khó khăn khi kết luận các vụ việc sai phạm tại đơn vị.

Thanh tra Bộ Công thương kiến nghị:

Đối với Tập đoàn Điện lực: Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc bàn giao tài sản của trường trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam khi tập đoàn bàn giao cho trường Đại học Điện lực về Bộ Công thương.

Về Bộ Công thương: Theo phân cấp quản lý, giao Vụ Tổ chức cán bộ xem xét trách nhiệm, tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý theo quy định pháp luật đối với các công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, là các lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, trong đó có ông Lê Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường và ông Trương Huy Hoàng, Bí thư, Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực khi để xảy ra các tồn tại, sai phạm nêu trên.

Bộ Công Thương yêu cầu trường Đại học Điện lực công khai kết luận thanh tra, thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra và gửi báo cáo về việc thực hiện về Bộ Công Thương, thanh tra Bộ trước ngày 30/7/2020.

Trần Phương