Hậu vụ 'bê bối tình dục' chấn động Hà Giang (5):

Hiệu trưởng mua dâm học sinh tâm sự về 2 nữ sinh "đặc biệt"

07/05/2013 09:53
Nhóm phóng viên Người đưa tin
Khi chúng tôi khơi gợi về chuyện gia đình, gương mặt ông Xương bỗng buồn trông thấy. Ông vân vê cổ tay áo như không muốn nhắc đến một nỗi đau thầm kín trong đáy lòng.

Dường như, sau những niềm vui đứng lớp, thẳm sâu trong tâm hồn "thầy giáo" Sầm Đức Xương vẫn còn nhiều day dứt. Sau cùng, "thầy" Xương cũng ngộ ra rằng, mình đã làm khổ vợ con quá nhiều, làm ảnh hưởng đến thanh danh của nghề giáo. Tâm sự với PV, cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương như có rất nhiều điều muốn nói...

Những tâm sự về hai nữ sinh "đặc biệt"

Trong câu chuyện với chúng tôi, có vài lần ông Sầm Đức Xương nhắc về các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thuý Hằng cùng bị xử trong phiên tòa với mình. Theo đánh giá của cựu hiệu trưởng, Thúy vốn là một học sinh thông minh, học rất tốt các môn xã hội, đặc biệt là môn Văn. Thúy từng tham gia cuộc thi học sinh giỏi môn Văn cấp trường và đạt điểm cao nhất, Ban Giám hiệu nhà trường định lập danh sách đưa Thúy đi tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng sau đó, xét tất cả các tiêu chí thì Thúy lại không đạt tiêu chuẩn vì năm học trước đó, nữ sinh này chỉ đạt hạnh kiểm trung bình.

“Thầy” Sầm Đức Xương kể rằng, các giáo viên dạy lớp của Thúy thường hay phàn nàn việc nữ sinh này bỏ học đi chơi. Thúy rất thích đàn đúm bạn bè, hay lang thang trên mạng chát chít. Thậm chí, theo lời của “thầy” giáo Sầm Đức Xương, đã có lần Thúy rủ cả con của một giáo viên trong trường bỏ học đi chơi mấy ngày liền không về. Lần đó, nhà trường đã định kỷ luật cả hai, nhưng cô giáo là phụ huynh của em học sinh đó đã xin Ban Giám hiệu nương tay, để mình tự về nhà dạy con nên Hội đồng kỷ luật thôi không truy cứu nữa. Còn Hằng lại là một học sinh cá biệt, bị đuổi học ở trường khác nên thường hay sang trường của Thúy, rủ rê Thúy đi chơi.

Đôi lúc nhắc về Thúy, giọng "thầy" Sầm Đức Xương trầm xuống, xen lẫn những cái thở dài khe khẽ: "Tôi cảm thấy rất tiếc cho Thúy, giá như em ấy chăm chỉ học hành thì tương lai đã khác. Tôi tin rằng, nếu được tham dự kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Hà Giang, nhất định Thúy sẽ giật giải về cho trường. Thế nhưng, em ấy đã tự đánh mất cơ hội...".

Sau một lúc im lặng, ông Sầm Đức Xương bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào phóng viên bảo rằng: "Tôi thấy tiếc cho Thúy và tiếc cả cho Hằng. Tiếc vì các em quá ham chơi mà đánh mất tương lai tươi sáng. Đó là những suy nghĩ thực lòng của tôi. Thực tâm tôi cũng cảm nhận được sự thân tình của nhà báo nên muốn chia sẻ thôi, chứ bây giờ ai người ta còn muốn nghe những điều tôi khuyên răn người khác nữa. Có khi họ còn bảo, tôi lấy tư cách gì mà giáo điều. Trong số những người mắc sai lầm phải vào đây thì có lẽ tội hiếp dâm và mua dâm trẻ em là đáng để người ta khinh rẻ mình nhất. Với tội trạng và bản án mà mình đang phải chịu, thời gian đầu tôi thấy căng thẳng về tâm lý lắm. Tôi thấy xấu hổ với người thân, với đồng nghiệp và thậm chí là mặc cảm với cả các bạn tù...".

“Thầy” Sầm Đức Xương với công việc thường nhật trong trại giam ngoài giờ "đứng lớp". Ảnh N.H
“Thầy” Sầm Đức Xương với công việc thường nhật trong trại giam ngoài giờ "đứng lớp". Ảnh N.H

Theo một cán bộ quản giáo, ngày mới vào trại, “thầy” Sầm Đức Xương sống rất khép mình, không thích nói chuyện giao lưu với những người xung quanh, tính khí còn thất thường, hay nổi cáu với bạn tù và lúc nào cũng trong tình trạng ủ rũ. Có lần “thầy” Xương còn tâm sự với vị cán bộ giáo dục này: "Tôi chỉ sợ rằng các bạn tù đọc báo, nghe đài biết tội danh của tôi, họ sẽ khinh rẻ mình. Nếu các cán bộ cho tôi đứng trên bục giảng, giảng bài cho phạm nhân, tôi e họ không tôn trọng mình và phá quấy trong lớp học".

Thế rồi, cán bộ trong trại đã phải làm công tác tư tưởng cho "thầy" Xương rất nhiều, động viên ông cố gắng vượt qua nỗi mặc cảm đó. Tinh thần của "thầy" Xương chuyển biến rõ rệt sau mấy buổi lên lớp đầu tiên. Điều an ủi lớn là các phạm nhân trong lớp học đều rất tôn trọng "thầy giáo" của mình. Nhiều phạm nhân còn động viên khích lệ, khiến vị cựu hiệu trưởng lấy lại cảm hứng lên lớp, dồn hết tâm huyết vào việc dạy chữ.

Nặng lắm nghĩa vợ tình chồng...

Khi chúng tôi khơi gợi về chuyện gia đình, gương mặt ông Xương bỗng buồn trông thấy. Ông vân vê cổ tay áo như không muốn nhắc đến một nỗi đau thầm kín trong đáy lòng. Phần nào, chúng tôi cũng hiểu được và thông cảm với cựu hiệu trưởng. Phải mất mấy phút im lặng, ánh mắt xa xăm, thoáng có nét đau khổ, phạm nhân 56 tuổi này mới cất tiếng nói: "Không hiểu sao hôm nay gặp hai nhà báo, tôi lại kể nhiều chuyện đến thế, nhưng có lẽ là tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều. Cảm ơn nhà báo đã lắng nghe, chia sẻ cùng tôi..."

Nói rồi, "thầy" Xương khẽ đưa hai bàn tay đan vào với nhau và bắt đầu giãi bày: "Đến thời điểm này, có thể nói là tôi bằng lòng với mức án, vui với lớp học trong trại giam nhưng tận sâu trong tâm khảm, tôi cũng ngộ ra rằng, mình đã làm khổ vợ con quá nhiều. Từ ngày tôi bị bắt, vợ tôi đã phải bán hết thứ này đến thứ khác trong nhà để thuê luật sư bào chữa cho tôi... Tòa xử đi xử lại mấy lần, tiền vợ tôi chạy vạy, lo chi phí đi lại vv... cũng tốn kém lắm.

Vì thế mà gia cảnh kiệt quệ đi nhà báo ạ. Hai vợ chồng tôi làm công chức ăn lương, lại nuôi hai đứa con học đại học nên cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, có dành dụm được mấy đồng tiết kiệm đâu. Khi việc của tôi xảy ra, vợ tôi phải chạy từng đồng lo cho con đi học. Thương nhất là thằng cu lớn, đang theo dở đại học Sư phạm I dưới Hà Nội, nhưng phần vì điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn, phần vì không chịu được áp lực của búa rìu dư luận về chuyện của bố, nên cháu đã bỏ học giữa chừng.

Sau này, khi mọi chuyện đã ổn định hơn, vợ tôi phải động viên mãi cháu mới chịu đi học trường trung cấp kế toán ở tỉnh nhà. Còn thằng thứ hai đang theo học đại học Kiến trúc năm thứ 3, nghe vợ tôi lên thăm nói rằng, tiền học của con tốn kém cả triệu đồng mỗi tuần. Nghĩ mà thương vợ nhiều lắm, đã vất vả lăn lộn đủ đường, giờ lại phải mang tai tiếng vì có một người chồng làm giáo viên bị suy đồi đạo đức. Nói đoạn, "thầy" Xương lại chiêm nghiệm: "Câu chuyện của tôi có lẽ là một bài học đắt giá dành cho nhiều người trước khi định đưa tay nhúng chàm". 

Tuy nhiên, điều khiến ông Xương cảm thấy được an ủi rất nhiều đó là, dù nhà mình cách trại giam khoảng 180 cây số nhưng cứ khoảng 2 tháng một lần, bà Toán (vợ ông) và các con lại đèo nhau bằng xe máy lên thăm thân. Ngoài ra, thỉnh thoảng cũng có vài đồng nghiệp cũ nghĩ đến tình nghĩa trước kia, họ cũng lặn lội hàng trăm cây số để vào trại động viên ông. "Nghe một số giáo viên vào thăm nói rằng, nhiều người vẫn còn nhớ đến tôi, khiến tôi cảm động lắm!", cựu hiệu trưởng từng mắc sai lầm kể lại.

Quãng thời gian không nhiều, nhưng qua cuộc tiếp xúc "đặc biệt" với "thầy" Xương trong trại giam, chúng tôi cảm nhận được điều mà ông Sầm Đức Xương mong mỏi nhất là vợ được mạnh khỏe, các con chăm chỉ học hành, để sau này ra trường có thể tìm được công việc ổn định, cho mẹ bớt khổ. Dù quãng thời gian cải tạo phía trước còn dài, nhưng người cha ấy vẫn cố gắng vươn lên và tin tưởng mình sẽ chấp hành án tốt để chờ cơ hội được đặc xá, sớm trở về với gia đình, bù đắp tình cảm cho vợ con trong những tháng ngày xa cách...

Người ta vẫn nói, quay đầu là bờ. Bất giác người viết lại nhớ đến bóng dáng liêu xiêu của vợ “thầy” Sầm Đức Xương, dưới ánh đèn vàng đục, hắt lên bức tường nhà đầy cô độc tự hoá đá chờ chồng...     

Một "thầy Xương" khác  thuở  còn  đương  chức

Nhớ lại những chuyện trước đây, cựu hiệu trưởng Sầm Đức Xương kể rằng, rất nhiều lần ông cùng các giáo viên trong trường phối hợp với ban ngành đoàn thể và xã hội tích cực ngăn chặn nạn hút, chích ma túy ở một số học sinh nam và đã thành công. Ban Giám hiệu nhà trường khi đó cũng kiên quyết cấm các em học sinh không được tụ tập tại các hàng quán internet gần trường, để các em tập trung vào việc học tập.

Nguyện ước ngày trở về

Rời khỏi trại giam Quyết Tiến, khi trời xế chiều, trên hành trình về Hà Nội, chúng tôi vẫn không khỏi suy ngẫm về điều mong ước của "thầy giáo" Xương khi nói với chúng tôi: "Ra tù, dù tôi không thể đứng lớp được nữa nhưng tôi sẽ trồng cây, chăn nuôi để giúp vợ con. Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình làm lao động thuần túy nên không ngại khó khăn, vất vả. Nhất định tôi sẽ làm được điều đó, chỉ cần cho tôi cơ hội!".      

          
Nhóm phóng viên Người đưa tin