Hàng trăm triệu m2 đất bị bỏ hoang, gây lãng phí nhưng chưa có ai bị xử lý

13/05/2022 06:30
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Rất nhiều quan chức có hành vi tham nhũng bị xử lý nhưng hầu như chúng ta chưa xử phạt lãnh đạo hay cá nhân nào làm lãng phí ngân sách nhà nước".

Vừa qua, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã công bố những số liệu về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016-2021.

Số liệu dù mới được tổng hợp nhưng bước đầu cho thấy các bộ, ngành, địa phương phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng.

Trong 6 năm, có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883.2 tỷ đồng. Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn (8.580 dự án trong giai đoạn 2016-2020). (1)

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính về việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn hơn 650 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn.

Theo đó, đã thu hồi hoặc hủy bỏ 336/575 dự án, công trình với tổng diện tích 99.543,97ha với dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ. (2)

Bàn luận về những con số này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho rằng: "Lãng phí ở nước ta là rất lớn. Lãng phí có lãng phí vô hình và hữu hình. Lãng phí thời gian, nguồn nhân lực là lãng phí vô hình còn hữu hình là những lãng phí tính được bằng tiền, bằng đất đai, vật chất...

Thời gian vừa qua, rất nhiều vị quan chức có hành vi tham nhũng bị xử lý nhưng hầu như chúng ta chưa xử phạt lãnh đạo hay cá nhân nào làm lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, mặc dù thiệt hại trong lãng phí không kém gì tham nhũng".

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh: Kim Anh)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). (Ảnh: Kim Anh)

Ông Lê Như Tiến cho biết, ở một số quốc gia trên thế giới, chỉ số Icor chỉ khoảng 3-4 đầu tư/ một tăng trưởng. Thế nhưng, tại Việt Nam, 8 đầu tư mới được một tăng trưởng. Điều này có nghĩa là chúng ta chưa giải quyết được vấn đề lãng phí, thất thoát khi đầu tư.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chỉ ra thực trạng lãng phí trong mua sắm và sử dụng tài sản công.

Theo số liệu báo cáo ban đầu của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021, số lượng phương tiện đi lại bao gồm ôtô, môtô, xe gắn máy sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ là 6.976 chiếc; số tiền xử lý vi phạm về sử dụng phương tiện đi lại 4,8 tỷ đồng. (3)

"Thực tế có không ít trường hợp sử dụng xe công vượt quá định mức quy định rất nhiều lần, sáng đưa cán bộ đến cơ quan, chiều lại đón về, ô tô và người lái ngồi không cả ngày, chưa kể nhiều người còn lạm quyền biến xe công thành của riêng.

Nếu chúng ta tận dụng, khai thác hiệu quả tài sản, phương tiện đi lại hiện có, chỉ đầu tư xây dựng, mua sắm mới khi thực sự cần thiết, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ thì khoản phí tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước là rất lớn", ông Tiến nói.

Liên quan đến vấn đề trên, Giáo sư Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, những công trình, dự án đã được cấp phép nhưng không triển khai diễn ra ở rất nhiều địa phương, khiến người dân bức xúc.

Giáo sư Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Giáo sư Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, nếu công tác bàn giao đất chậm, không giải phóng được mặt bằng thì chính quyền địa phương cần vào cuộc xử lý dứt điểm, không thể kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Còn nếu nhà đầu tư không đủ tiền, không có phương án kinh doanh cụ thể thì Luật đã quy định, quá 12 tháng không triển khai sẽ phải thu hồi đất.

"Luật Đất đai cần được chỉnh sửa sớm, bởi lẽ cơ chế luật pháp của ta đang trao quyền quyết định quá lớn cho các nhà quản lý về định giá đất, sử dụng đất.

Tuy nhiên, quyền quyết định này đa phần dựa vào tính chủ quan của người quản lý mà không có các yếu tố khách quan từ thị trường.

Thực tế này sẽ hình thành nên cơ chế "xin - cho", rất dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm, lãng phí đối với tài nguyên có giá trị lớn nếu những nhà quản lý, người đứng đầu không có bản lĩnh, không đủ tư chất, giữ vững lập trường trước cám dỗ về lợi ích", Giáo sư Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến cho rằng, việc giải ngân chậm, công trình chậm tiến độ, đất để hoang hóa từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, dự án đắp chiếu nhiều năm không triển khai đã là lãng phí, nhưng những vấn đề này còn ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác, đó là một sự lãng phí kép.

"Dự án chậm tiến độ là do các chủ đầu tư không rốt ráo vào cuộc ngay từ đầu, có khi đầu năm đủng đỉnh cuối năm vội vàng, đến lúc quyết toán thì lại cuống quýt.

Sau thanh tra, kiểm tra, phải có chế tài xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, một là thu hồi dự án, hai là chuyển chủ đầu tư", ông Lê Như Tiến cho hay.

Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để đẩy lùi "căn bệnh" lãng phí trong lĩnh vực công, cần tăng cường khâu giám sát, thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Các dự án phải được giám sát ngay từ đầu và phát huy vai trò của giám sát cộng đồng, cư dân, các đối tượng thụ hưởng.

"Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, nếu các văn bản pháp lý chưa đầy đủ thì cần phải sớm ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung, đặc biệt là các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và những quy định, nội quy của các cơ quan để cá nhân, người lao động nắm rõ nội dung, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Tiến cho biết thêm.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vov.vn/chinh-tri/con-so-biet-noi-ve-lang-phi-qua-giam-sat-toi-cao-cua-quoc-hoi-post932754.vov

(2) https://thanhnien.vn/650-trieu-m2-dat-bo-hoang-hoa-su-dung-sai-muc-dich-tu-2016-2021-post1441894.htm

(3) https://tuoitre.vn/gan-7-000-xe-cong-hon-147-000m2-nha-cong-vu-su-dung-sai-muc-dich-tieu-chuan-20220325121151415.htm

Hoài Ân