Hải Phòng: Khu di tích Bạch Đằng Giang được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia

03/01/2021 08:28
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tối 2/1, Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số địa phương tới dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cho ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cho ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. (Ảnh: CTV)

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cho ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. (Ảnh: CTV)

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 1082 năm chiến thắng đầu tiên trên sông Bạch Đằng của Đức vương Ngô Quyền (31/12/938-31/12/2020), chuẩn bị kỷ niệm chẵn 1045 năm chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 2 trên sông Bạch Đằng của Hoàng Đế Lê Đại Hành (28/4/981 – 28/4/2021), và kỷ niệm 733 năm chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (9/4/1288 – 9/4/2021).

Theo lịch sử ghi lại, Hải Phòng là vùng đất cửa biển, luôn giữ vị trí chiến lược và trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chính thức kết thúc 1000 năm Bắc Thuộc.

Năm 981, Lê Hoàn Hoàng Đế giết chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo, khiến cho toàn bộ quân Tống xâm lược nhanh chóng tan rã, thất bại.

Năm 1288, trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã kết thúc với phần thắng nghiêng về quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trước đội quân Mông Nguyên bách chiến bách thắng.

Với tấm lòng thành kính, tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiên liệt, nhân dân thành phố Hải Phòng đã xây dựng khu di tích này tại vùng đất Tràng Kênh - trung tâm của khu chiến trường năm xưa.

Trải qua gần 20 năm liên tục, được bồi đắp và hoàn thiện bằng nguồn lực xã hội hóa, từ tấm lòng của nhân dân thành phố và nhân dân cả nước, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã được hoàn thành với quy mô như ngày nay.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang được tổ chức trang trọng (Ảnh: CTV)

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang được tổ chức trang trọng (Ảnh: CTV)

Các đền thờ ba vị anh hùng dân tộc gắn liền với các chiến thắng Bạch Đằng, Chùa Trúc Lâm Tự thờ Phật tổ Thích Ca và Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Đền thờ Thánh Mẫu; Đền thờ Tướng công Hoàng tử Lê Duy Mật; cùng các văn bia tượng đài uy nghiêm, thần thái, đều là những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, việc phát hiện các bãi cọc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 tại thôn Cao Quỳ (xã Liên Khê),thôn Đầm Thượng (xã Lại Xuân) huyện Thủy Nguyên càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của khu di tích Bạch Đằng Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: Khu Di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng Khu Di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của khu di tích.

Để hoàn thành trách nhiệm đó, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương kiện toàn Ban quản lý Khu Di tích, thực hiện nhiệm vụ quản lý theo nhiệm vụ đã được phê duyệt và các quy định của Luật Di sản văn hóa, cùng hệ thống các luật liên quan.

Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý Khu Di tích ban hành quy chế quản lý, phát huy mô hình “ba không” trong những năm vừa qua.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: CTV)

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: CTV)

Tiếp tục duy trì khu Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối không thu vé thăm quan, không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ; không thu tiền trông giữ xe của nhân dân và du khách.

Ban quản lý Khu Di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho khu di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi như lời danh sĩ nổi tiếng thời nhà Trần, Phạm Sư Mạnh đã khẳng định “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”.

Lãnh đạo thành phố tin tưởng rằng Khu Di tích Bạch Đằng Giang sẽ thực sự trở thành địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Hào khí Bạch Đằng Giang" (Ảnh: CTV)

Chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Hào khí Bạch Đằng Giang" (Ảnh: CTV)

Ngay sau phần nghi lễ trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang là chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Hào khí Bạch Đằng Giang” được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật trong cả nước.

Chương trình gồm 3 phần, mỗi phần là hoạt cảnh và các ca khúc mang âm hưởng hào hùng, nhằm tái hiện 3 chiến thắng lẫy lừng trên dòng sông Bạch Đằng, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc.

Phần 1 là hoạt cảnh tái hiện chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc ta.

Các hoạt cảnh tại chương trình nghệ thuật "Hào khí Bạch Đằng Giang" (Ảnh: CTV)

Các hoạt cảnh tại chương trình nghệ thuật "Hào khí Bạch Đằng Giang" (Ảnh: CTV)

Phần 2 tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm 981 của tướng quân Lê Hoàn, là chiến công của sự kết hợp mưu trí và sức mạnh đoàn kết, tiêu diệt quân Tống xâm lược.

Phần 3 tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đập tan âm mưu xâm lược Đại Việt, chôn vùi mộng bá chủ toàn cầu của đế quốc Nguyên Mông thế kỷ thứ 13; là đỉnh cao tài năng quân sự của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, biểu hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự hy sinh và những đóng góp to lớn của nhân dân.

LÃ TIẾN