Giờ mới khóc mếu thì có ý nghĩa gì đâu!

17/05/2020 06:21
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Những giọt nước mắt muộn màng không thể xóa được tội lỗi mà nó còn thể hiện một sự tham lam, ích kỷ khi họ chỉ nghĩ cho mình, nghĩ cho một số người...

Theo dõi phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong đường dây nâng điểm cho 64 thí sinh ở Hòa Bình năm 2018 thì chúng ta thấy có nhiều bị cáo đã khóc, ân hận vì việc làm của mình.

Những giọt nước mắt có nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau…Nhưng, tựu trung lại thì những bị cáo đã khóc đều ân hận về việc làm sai trái của mình.

Họ đã tự tay phá nát sự nghiệp, danh dự của mình và góp phần làm mất đi uy tín của một kỳ thi quốc gia. Vì thế, những giọt nước mắt rơi trong phiên tòa xét xử 15 bị cáo ở Hòa Bình cũng rất khó nhận được sự đồng cảm của dư luận.

Một số bị cáo đã khóc trong phiên tòa xét xử ở Hòa Bình (Ảnh: L.C)
Một số bị cáo đã khóc trong phiên tòa xét xử ở Hòa Bình (Ảnh: L.C)

Đa phần các nữ bị cáo đều khóc…

Dù là người đã từng đảm nhận chức vụ lãnh đạo của Sở hay chỉ là những giáo viên ở các nhà trường phổ thông được điều động đi làm giám khảo trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì giờ đây khi mang thân phận bị cáo trước phiên tòa họ đều khóc.

Có những giọt nước mắt tức tưởi vì nể nang, vì phải chấp hành mệnh lệnh, vì thương học trò, vì mình không thể làm người “thẳng lưng” khi mọi người xung quanh đều “gù”…

Nhưng, dù là lý do nào đi chăng nữa thì nó cũng khó thuyết phục được mọi người.

Họ có biết những việc làm như vậy là phạm pháp không? Chắc chắn là biết, vì biết nên có người đã thắc mắc, không muốn cho điểm theo yêu cầu của cấp trên. Vì biết nên một số tổ trưởng chấm thi mới quát nạt những giám khảo không chấm điểm theo chỉ đạo.

Một số bị cáo còn khóc nức nở vì cho rằng mình thiếu hiểu biết về pháp luật!

Đã là một cử nhân sư phạm, đa phần những bị cáo đứng trước tòa đã có từ gần 20 năm công tác trở lên, chừng ấy năm đi dạy cho học trò mà biện minh cho sự thiếu hiểu biết pháp luật liệu có thuyết phục không?

Nếu thiếu hiểu biết về pháp luật sao nhiều bị cáo còn liệt kê hết thành tích này đến thành tích nọ, liệt kê danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh để làm gì?

Thương học trò ư? Nếu thương sao lại không thương đều cho hàng ngàn thí sinh ở Hòa Bình mà chỉ “thương” có 22 thí sinh được yêu cầu chấm nương tay. Rõ ràng, họ biết những bài văn này là của những trường hợp “có vấn đề”.

Giờ mới khóc mếu thì có ý nghĩa gì đâu! ảnh 2Cựu thượng tá Khương Ngọc Chất khóc kêu oan, đề nghị Viện Kiểm sát xin lỗi

Tại sao lại không thẳng thừng từ chối việc làm mà mình biết là phạm pháp, không đúng với nhiệm vụ của một giám khảo trong một kỳ thi quốc gia?

Tại sao những lúc như vậy không báo cáo trực tiếp với thanh tra kỳ thi bởi thanh tra liên tục đi ngoài hành lang hoặc được bố trí 1 phòng gần khu vực chấm thi mà.

Trong số 15 bị cáo được đem ra xét xử thì không có bị cáo nào là cán bộ thanh tra của Sở, Bộ- điều có nghĩa là đội ngũ thanh tra ở kỳ thi này hoàn toàn trong sáng.

Một số bị cáo nam… cũng khóc

Không chỉ có những bị cáo là nữ giới khóc mà một số bị cáo nam cũng khóc trước tòa. Cựu thượng tá Khương Ngọc Chất khóc kêu oan, khóc khi nhắc về bố bị ung thư giai đoạn cuối, em gái bị khuyết tật.

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng khảo thí, Phó trưởng ban chấm thi) trình bày trong nước mắt: “Với tất cả những gì chúng tôi đã làm, chúng tôi xác định mình có sai phạm về mặt quy chế”.

Bị cáo Vinh cho rằng “do sự chủ quan, tôi tin vào những người làm với mình nên bây giờ tôi đã phải trả giá. Mong Hội đồng xét xử căn cứ vào hồ sơ để đánh giá khách quan”.

Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cũng bật khóc, lo con mình mất cơ hội vào đại học bởi lý do rất giản đơn rằng “một vài năm nữa, con của Tuấn cũng sẽ bị cướp mất cơ hội vào trường đại học nếu những sai phạm cứ thế tồn tại”…

Có lẽ vì thế, những giọt nước mắt của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn là giọt nước mắt sám hối, ăn năn vì việc làm sai trái của mình nên bị cáo này đã khai ra hết…

Nhưng những giọt nước mắt của bị cáo Nguyễn Quang Vinh- người được xác định là vai trò chủ mưu, đã xúi bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nhận hết tội còn vợ con ở ngoài có anh chị lo thì khó nhận được sự cảm thông của mọi người…

Còn những giọt nước mắt của cựu thượng tá Khương Ngọc Chất thì rất khó nhận được sự cảm thông vì các cơ quan chức năng có đủ chứng cứ khi bị cáo này đã có tác động để nâng điểm cho 10 thí sinh.

Giá như, khi hành động một việc làm sai trái thì những bị cáo này nghĩ đến cha mẹ, vợ con, danh dự của mình thì đâu đến nỗi phải khóc lóc, van xin trước tòa.

Hơn nữa, có những bị cáo đã từng nâng điểm cho thí sinh từ năm 2017 và năm 2018 vẫn tiếp tục với số lượng nhiều hơn, lên kế hoạch tinh vi hơn nên mức độ nghiêm trọng cũng nhiều hơn.

Vì thế, những giọt nước mắt muộn màng không thể xóa được tội lỗi mà nó còn thể hiện một sự tham lam, ích kỷ khi họ chỉ nghĩ cho mình, nghĩ cho một số người còn hàng chục, hàng trăm thí sinh khác bị ảnh hưởng thì kệ mặc.

Uy tín của ngành, kỳ vọng của xã hội chẳng đoái hoài để rồi giẫm đạp lên tất cả. Bây giờ khóc trước tòa thì phỏng có ích gì?

Nếu sự việc này không bị phát hiện thì ai dám tin năm 2019 vừa qua và những kỳ thi tiếp theo sẽ không còn tiêu cực như kỳ thi năm 2018.

Vì thế, những giọt nước mắt muộn màng, những giọt nước mắt tiếc nuối của các bị cáo trong phiên tòa ở Hòa Bình khó đi vào lòng người và tất nhiên cũng không nhận được sự cảm thương, chia sẻ như những giọt nước mắt thông thường khác.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/do-manh-tuan-bat-khoc-lo-con-minh-mat-co-hoi-vao-dai-hoc-post209380.gd

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/cuu-thuong-ta-khuong-ngoc-chat-khoc-keu-oan-de-nghi-vien-kiem-sat-xin-loi-post209382.gd

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/nuoc-mat-nac-nghen-truoc-toa-cua-cuu-giao-vien-sua-diem-thi-tai-hoa-binh-post209323.gd

NHẬT DUY