Giáo viên cứ bảo thủ mãi thì nguy

29/12/2019 07:00
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Trong thực tế vẫn còn một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi, rất cố chấp, bảo thủ, cứ khư khư cho mình là đúng, để ngoài tai mọi đánh giá, góp ý.

Học kỳ 1, năm học 2019-2020 chuẩn bị khép lại, học kỳ 2 lại mở ra đối với thầy và trò.

Qua một học kỳ làm việc, giảng dạy, mỗi thầy cô giáo sẽ nhận được sự giám sát, đánh giá, góp ý của các chủ thể ban giám hiệu, đồng nghiệp (tổ, nhóm chuyên môn) phụ huynh và các học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Nhận xét, đánh giá của ban giám hiệu về giáo viên thông qua việc dự giờ, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, họp hội đồng sư phạm và các phiếu ghi điểm, bản phân loại viên chức vào cuối năm hành chính.

Các phiếu ghi điểm, bản phân loại viên chức có tính pháp lý, được lưu giữ trong hồ sơ viên chức hằng năm.

Các tổ trưởng, thành viên trong tổ, nhóm chuyên môn sẽ đánh giá, góp ý, cho điểm giáo viên - đồng nghiệp của mình thông qua hoạt động dự giờ, thăm lớp; sinh hoạt chuyên môn, theo yêu cầu của thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tại các cơ sở giáo dục vào cuối năm học.

Còn các bậc phụ huynh có thể cảm nhận, đánh giá về năng lực, phẩm chất thầy cô giáo qua các buổi họp phụ huynh, trao đổi, làm việc đột xuất với giáo viên, qua những thông tin của  con em, của người khác về giáo viên đó.

Hoạt động giảng dạy của giáo viên và học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN).
Hoạt động giảng dạy của giáo viên và học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN).

Giáo viên và học sinh là mối quan hệ thường trực nhất, cho nên giáo viên nhận được sự quan sát, cảm nhận, đánh giá nhiều nhất từ phía các em học sinh trong hiện tại cũng như sau này mà mình đang và từng làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy.

Nhiều giáo viên luôn biết đón nhận, lắng nghe và tôn trọng các đánh giá, nhận xét, góp ý đúng đắn, chân thành của lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh để khắc phục điểm yếu, hạn chế và hoàn thiện chính mình.

Trong môi trường giáo dục, chúng ta rất cần những giáo viên như thế. Có vậy, chất lượng giáo dục mới được đảm bảo và phát triển.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi, rất cố chấp, bảo thủ, cứ khư khư cho mình là đúng, là số một, coi thường tất cả, để ngoài tai mọi đánh giá, góp ý của đồng nghiệp, phụ huynh.

Theo tôi, nhận xét, góp ý của chủ thể nào cũng quan trọng và cần thiết đối với tất cả người thầy.

Nhưng lâu nay, tiếng nói, tâm tư, góp ý của các em học sinh về các giáo viên đang chủ nhiệm và giảng dạy mình chưa được các nhà trường, thầy cô giáo chú ý, tạo điều kiện, phát huy hết tính tích cực của nó.

Làm giáo viên chủ nhiệm, sợ nhất là thiếu lòng kiên nhẫn

Vẫn còn hiếm hoi cơ sở giáo dục tổ chức một số cuộc đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa học sinh và cán bộ, giáo viên nhà trường để lắng nghe những phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của học sinh về hoạt động giáo dục của nhà trường, cách dạy dỗ của thầy cô giáo…

Vẫn chưa nhiều nhà trường tổ chức lấy phiếu trắc nghiệm tâm lý của học sinh các lớp  về chất lượng quản lý, chất lượng dạy học của giáo viên.

Hãy để các em mạnh dạn nói lên tiếng nói, tâm tư của mình về người thầy cô giáo thông qua các hình thức: hộp thư góp ý, đối thoại trực tiếp, lấy phiếu trắc nghiệm tâm lý…

Làm được thế, nhà trường, giáo viên sẽ thấu hiểu các em học sinh hơn, từ đó sẽ có những cải tiến, điều chỉnh phù hợp về cách thức, biện pháp giáo dục.

Làm giáo dục, làm thầy cô giáo  mà sợ phản biện, góp ý từ đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh thì bao giờ năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học, quản lý giáo dục của người thầy mới được cải tiến và tốt lên?

Sự nghiệp giáo dục này đang cần lắm sự đổi thay, điều chỉnh từ chính đội ngũ nhà giáo chúng  ta.  

SÔNG TRÀ