Giáo sư TQ gây sốc: Triều Tiên biến mất sẽ tốt cho Bắc Kinh và Seoul!

25/06/2014 14:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Bắc Triều Tiên biến mất sẽ giúp cho Hàn Quốc và Trung Quốc phát triển quan hệ song phương. Không có Bắc Triều Tiên, chúng tôi sẽ có thêm rất nhiều cơ hội.
Ông Sở Thụ Long, giáo sư đại học Thanh Hoa người có phát ngôn chấn động về Bắc Triều Tiên.
Ông Sở Thụ Long, giáo sư đại học Thanh Hoa người có phát ngôn chấn động về Bắc Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 24/6 đưa tin, một giáo sư nổi tiếng của Trung Quốc đã công khai tuyên bố, Bắc Triều Tiên gây khó khăn nhiều hơn là mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, làm nổi bật sự thất vọng ngày càng tăng của Trung Quốc với Bình Nhưỡng.

"Tôi nghĩ sự tồn tại của Bắc Triều Tiên tạo ra khó khăn cho chúng ta nhiều hơn là mang lại lợi ích", Sở Thụ Long, giáo sư đại học Thanh Hoa phát biểu tại diễn đàn quan hệ Trung - Hàn do trường này và Viện nghiên cứu Chính sách Asan Hàn Quốc đồng tổ chức trước khi Tập Cận Bình đi thăm Hàn Quốc.

"Nếu Bắc Triều Tiên biến mất sẽ giúp cho Hàn Quốc và Trung Quốc phát triển quan hệ song phương. Không có Bắc Triều  Tiên, chúng tôi sẽ có thêm rất nhiều cơ hội hơn là những thách thức", Sở Thụ Long phát biểu.

Trung Quốc là đồng minh lớn nhất còn lại của Bắc Triều Tiên, nhưng cuối cùng cũng đã tham gia lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc chống lại Bình Nhưỡng sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3 vào tháng 2 năm ngoái.

Nền kinh tế "què quặt" của Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc, Yonhap nói, nhưng nhiều nhà phân tích đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ không gây áp lực quá lớn lên Bình Nhưỡng vì điều đó có thể gây ra sự sụp đổ chế độ ở Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đi thăm Trung Quốc sau khi nhậm chức.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đi thăm Trung Quốc sau khi nhậm chức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố thực hiện chuyến thăm chính thức tới Hàn Quốc vào tuần đầu tiên của tháng Bảy này. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ qua, một Chủ tịch nước đương nhiệm Trung Quốc đi thăm Hàn Quốc trước Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa được mời tới thăm Bắc Kinh. Theo bình luận của tờ Đa Chiều ngày 25/6, Tập Cận Bình không giống như Hồ Cẩm Đào hay Giang Trạch Dân chọn thăm Bắc Triều Tiên trước khi đi Hàn Quốc là dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương đang xuống dốc.

Tờ Nickei bình luận, chuyến đi Seoul của Tập Cận Bình là nhằm gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, đồng thời tăng cường quan hệ với Seoul còn làm tăng áp lực với Nhật Bản đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Hoa Đông.

Trước đó hôm 18/6 từ Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel bình luận, chuyến đi Seoul của Tập Cận Bình là "cột mốc phi thường", điều này rất hữu ích trong việc thúc đẩy hợp tác về vấn đề Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ ủng hộ hoàn toàn những nỗ lực của Hàn Quốc để phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh và xem đó là lực lượng cho sự ổn định và hội nhập.

Hồng Thủy