"Giảm thuế để giảm giá xăng dầu không phải vì lợi ích bộ ngành nào”

16/03/2022 13:32
Theo Vov.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Bộ trưởng Diên, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để góp phần nhanh giảm giá xăng dầu là cách nhanh nhất để giảm khó khăn cho người dân.

Để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trong nước, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều (số dư quỹ đang ở mức thấp, hiện còn khoảng 620 tỷ đồng, số dư quỹ tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.

Cụ thể, giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu mazut là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc giảm thuế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, tuy nhiên, giảm sắc thuế nào cũng cần tính toán.

Bà Mai cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ có nhiều điểm bất hợp lý như dẫn đến nghịch lý đối tượng gây ô nhiễm cao lại chịu thuế suất thấp và ngược lại; chưa đảm bảo lợi ích các bên. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước sử dụng công cụ thuế để bình ổn giá thì họ chọn sắc thuế khác như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao đột biến như hiện nay thì phải sử dụng công cụ như quỹ bình ổn và giảm thuế, đồng thời cũng đã cân nhắc trước khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi bàn trong liên ngành, báo cáo Chính phủ và thấy rằng trước tình hình “căng” khi biến động giá tăng cao, để xử lý nhanh nhất thì đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường và thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn nếu chờ ra Quốc hội thông qua thì phải đến tháng 7, tháng 8 mới có hiệu lực trong khi quỹ bình ổn không còn, giá lại tăng cao thì rất khó khăn. Trong lúc khó khăn thế này thì bảo nhau trước mắt có cơ chế giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân, suy nghĩ hành động vì người dân thôi chứ không phải cho bộ này bộ kia” – ông Nguyễn Hồng Diên giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tham gia làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá dầu thô càng tăng thì giá cơ sở xăng dầu trong nước cũng tăng, gây thiệt hại nền kinh tế cũng như ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh.

Cho biết việc giảm thuế dẫn đến giảm thu ngân sách, nhưng trước thực tế giá xăng dầu đang rất cao thì cần có giải pháp linh hoạt để giảm giá và công cụ thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp.

Việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là nhanh nhất, góp phần sớm giảm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo Vov.vn