Giám sát chặt cửa khẩu ngăn bệnh lạ vào Việt Nam

11/07/2012 12:15
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vừa có công văn yêu cầu các tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia thực hiện ngay hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, phòng chống bệnh lạ làm 56 trẻ em Campuchia tử vong.
Trẻ em Campuchia đang đối mặt với bệnh lạ Ảnh: Lê Nguyễn
Trẻ em Campuchia đang đối mặt với bệnh lạ.  Ảnh: Lê Nguyễn.

Căn bệnh chưa xác định được nguyên nhân ở Campuchia làm 56 trẻ em nước này tử vong nhanh có thể liên quan đến một bệnh thông thường ở trẻ em xảy ra gần như thường xuyên ở Việt Nam (VN) mấy năm gần đây, hãng tin AP trích nhận định mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. 

Kiểm dịch y tế biên giới

Ngày 10-7, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vừa có công văn yêu cầu các tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia thực hiện ngay hoạt động kiểm dịch y tế biên giới và chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Theo cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế 2005 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ tháng 4 đến tháng 7 tại miền nam và trung Campuchia xuất hiện căn bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân.

Tính đến ngày 8-7, Campuchia có 74 ca nhập viện điều trị, trong đó 56 ca tử vong. Phần lớn các ca mắc bệnh đều có độ tuổi từ 3 tháng tới 11 tuổi và tử vong trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện.

Trong số các ca bệnh kể trên, có 59 ca (bao gồm cả 56 ca tử vong) xuất hiện hội chứng chung như sốt cao, các triệu chứng về hô hấp, thần kinh và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp.

Để chủ động phòng chống không để dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, Cục Y tế dự phòng đã có công văn yêu cầu giám đốc các Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế; Trung tâm y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch y tế biên giới chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Theo đó, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, đặc biệt là các đối tượng nghi ngờ mang mầm bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu; Tăng cường kiểm tra và xử lý y tế đối với các phương tiện nhập cảnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, cần được khám cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp dự phòng nhằm hạn chế sự lây lan bệnh.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu trong việc kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu động vật, các sản phẩm từ động vật qua biên giới. Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các trung tâm nói trên có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa hè, chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất chống dịch.

Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của VN, trong số các mẫu bệnh phẩm thu được từ bệnh nhân, nhiều mẫu có kết quả dương tính với Enterovirus EV-71, tức là nhiễm loài vi sinh vật này. Bác sỹ Nima Asgari, trưởng nhóm nghiên cứu của WHO, cho biết, trong số 24 mẫu xét nghiệm, có 15 mẫu dương tính với EV-71.

Đây chính là tên của một chủng virus gây bệnh chân tay miệng ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao. “Với những gì mà tôi biết, EV-71 từ trước đến nay chưa tìm thấy ở Campuchia”, BS Nima Asgari nói. Các Enteroviruses này cùng họ với virus gây bệnh bại liệt và đến nay chưa có vaccine phòng chống.

Theo WHO, bệnh tay chân miệng đang lan tràn khắp châu Á với biểu hiện điển hình là các vết đỏ trên da. Bệnh tấn công chủ yếu đến trẻ dưới năm tuổi.

Trẻ càng ít tuổi, triệu chứng càng nghiêm trọng. Trong vòng 3-5 ngày, trẻ có thể có các triệu chứng như sốt, kém ăn và viêm họng, dần dần dẫn đến đau trong miệng. Bệnh khu trú điển hình ở lưỡi, và bên trong má.

Các chỗ đau thường bắt đầu bằng các nốt đỏ phòng rộp và chuyển sang lở loét. Các phát ban còn xuất hiện ở tay và lòng bàn chân.

Đường lây của tay chân miệng chủ yếu là hắt hơi, ho và tiếp xúc với dịch tiết từ các vết phồng rộp hoặc phân của bệnh nhân. Năm 2011, VN có 110.000 trẻ mắc và 166 trẻ tử vong. Theo Bộ Y tế Trung Quốc, năm ngoái nước này cũng có tới 240 trẻ tử vong vì tay chân miệng.

Thuốc có thể khiến bệnh trở nên lạ

Mean Thida, bốn tuổi, mắc bệnh lạ đang nằm bên mẹ và được truyền huyết thanh tại nhà, gần một bãi rác ở làng Sambour, ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia, hôm 9-7 Ảnh: AP
Mean Thida, bốn tuổi, mắc bệnh lạ đang nằm bên mẹ và được truyền huyết thanh tại nhà, gần một bãi rác ở làng Sambour, ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia, hôm 9-7.  Ảnh: AP.
 

Nếu bệnh liên quan đến loại virus phổ biến như thế, tại sao lại khó phát hiện khiến bệnh thông thường trở thành bệnh lạ? Triệu chứng bỏng rộp ở trẻ Campuchia chỉ được phát hiện trong một vài trường hợp.

Asgari lý giải, có thể chính các thuốc thuộc nhóm steroid mà các bác sỹ hay kê đơn cho bệnh nhân đã che giấu các triệu chứng bệnh, khiến việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn cần thêm thông tin để có thể khẳng định trong vài ngày nữa. Một trong những nguyên nhân của sự thận trọng có thể là do kết quả xét nghiệm từ các mẫu lấy ở các trẻ Campuchia mắc bệnh lạ còn tìm ra một số bệnh khác.

Cụ thể, ngoài virus gây bệnh chân tay miệng trong đa số trường hợp, các bác sỹ còn tìm thấy bệnh sốt dengue có nguồn gốc từ muỗi, bệnh gây ra bởi Streptococcus suis, một loài vi trùng thường tìm thấy ở lợn có thể lây nhiễm lên người, gây viêm não và điếc.

Bên cạnh các phát hiện trên, các bác sỹ loại trừ nguyên nhân bệnh lạ liên quan đến virus cúm gà H5N1, SARS, và Nipah - một chủng virus chết người thường lây lan bởi lợn và các loài dơi ăn hoa quả.

Thái Hà-QD/Tiền phong

Điểm nóng

Chuyên gia hàng đầu về Biển Đông: “TQ còn kinh khủng hơn con hổ dữ"

Quan chức Quốc hội bàn về "hiện tượng Nguyễn Bá Thanh"

Dư luận Trung Quốc bị “nhuộm đen” về vấn đề Biển Đông như thế nào?(P2)

Điểm mặt những gia đình người Việt có tài sản hơn 1 tỷ USD

HÌNH ẢNH ẤN TƯỢNG

Chùm ảnh: Ông Tây chạy ngược chạy xuôi phân làn giao thông ở Hà Nội

Phóng viên nước ngoài: Qua đường ở Hà Nội như đánh đu với tử thần

Toàn cảnh Trường Sa những ngày hè nắng lửa

Cận cảnh dấu tích về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam ở Lý Sơn