Gia cảnh nghèo khổ của 3 chị em mồ côi hiếu học

28/11/2019 06:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Nguy cơ 3 cháu bé mồ côi và 2 ông bà già sẽ mất đi chỗ nương náu cuối cùng đang hiện hữu trước mắt.

Tới thôn Châu Sơn, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa hỏi về 3 chị em mồ côi thì bất cứ người dân nào cũng biết và ai cũng tỏ lòng thương cảm.

Ba chị em sau buổi học tranh thủ dệt chiếu giúp ông bà (Ảnh Phan Tuyết)
Ba chị em sau buổi học tranh thủ dệt chiếu giúp ông bà (Ảnh Phan Tuyết)

Hai năm hai đại tang

Chỉ trong vòng hai năm, hai cái đại tang trùm lên đầu 3 đứa trẻ con tội nghiệp. Năm 2016 trong lúc dệt chiếu, mẹ các em đã bị điện giật và mất một cách oan uổng.

Lúc này, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền trong gia đình đè nặng trên vai người cha.

Để lo cho 3 đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, cùng 2 ông bà đã già yếu, cha các em phải tất tả ngược xuôi để đi bán hàng .

Vì bóng bay bán trong đêm 30 khá đắt nên người cha tội nghiệp đành nán ở lại Hà Nội trong đêm giao thừa với ước mong kiếm thêm chút tiền để về lo cho các con có được cái Tết đủ đầy hơn một chút.

Khi đồng hồ điểm sang ngày mùng một Tết, người cha mới tất tả từ Hà Nội chạy về quê xum vầy cùng gia đình, nơi có 3 đứa trẻ và 2 ông bà già đang mỏi mắt ngóng trông.

Gia cảnh nghèo khổ của 3 chị em mồ côi hiếu học ảnh 2
Bố mẹ đã không còn ở bên và làm chỗ dựa cho em

Nghiệt ngã thay, tai nạn giao thông đã cướp đi chỗ dựa cuối cùng của hai ông bà già và 3 đứa bé con vô tội.

Tang mẹ chưa hết, tang cha đã trắng đầu. Nỗi đau, sự mất mát không gì có thể bù đắp được.

Hai ông bà già khóc ngất vì con, 3 đứa trẻ cạn khô dòng nước mắt, liên tục thét gào tên cha trong vô vọng.

Người chết đã đi xa nhưng người sống vẫn phải sống. Hai ông bà người hơn 80 tuổi, người hơn 70 tuổi, dù đã mất sức lao động nhưng vẫn phải oằn mình để kiếm tiền lo cho 3 đứa trẻ thay con.

Ông bà tấp thập cổ lai hy bỗng trở thành chỗ dựa cuối cùng cho các cháu.

Cái ăn lo chưa nỗi thì lấy gì để đi học? Đứa lớn định nghỉ học để phụ ông bà kiếm tiền nuôi các em. Thế nhưng ông bà nhất quyết không cho đứa nào được nghỉ học.

Bà Tiến cho biết, cha, mẹ các cháu vất vả cũng vì thiếu học. Nay mấy đứa nhỏ không thể nghỉ học giữa chừng.

Hiện cháu Nguyễn Thị Hồng (15 tuổi) học lớp 9. Nguyễn Thị Hồng Hạnh (9 tuổi) và cậu em út Nguyễn Ngọc Hồng Sơn (8 tuổi) cùng học lớp 3.

Hằng ngày, sau mỗi buổi đến trường, 3 đứa về nhà giúp bà tranh thủ dệt chiếu. Vẫn phải làm công việc vất vả và nguy hiểm để đổi lấy những bữa ăn qua ngày.

Bà Tiến cho biết, dệt chiếu thì vất vả nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu.

Cả 5 người làm (3 đứa cháu và 2 ông bà) nhưng cả ngày chỉ kiếm được dăm chục ngàn đồng trong khi tiền chi phí ăn uống cho cả gia đình đã ngót nghét tiền trăm.

Được cái đứa nào cũng ngoan, cũng chăm nên ít phải lo lắng cho chúng.

Trước nguy cơ mất nhà vì không có tiền trả nợ thay cha

Gia cảnh nghèo khổ của 3 chị em mồ côi hiếu học ảnh 3
Bố mẹ chỉ có 500 nghìn làm lộ phí cho con đi thi

Gia tài của cả gia đình không có gì ngoài căn nhà cấp 4 đang ở. Thế nhưng chẳng biết có giữ nỗi không?

Bà Tiến nghẹn ngào cho biết, trước khi mất, bố các cháu là anh Nguyễn Ngọc Trung đã vay 50 triệu đồng từ một ngân hàng của tỉnh Thanh Hóa để làm ăn.

Anh Trung đã thế chấp sổ đỏ căn nhà (đây là nhà của hai ông bà vì gia đình anh Trung chỉ ở nhờ). Tiền vay mới được một năm thì anh Trung mất.

Ông bà vừa phải nuôi cháu, vừa phải lo tiền để trả lãi ngân hàng còn tiền gốc thì chẳng thể nào trả được.

Đến nay, đã đến đến thờ gian đáo hạn nhưng chẳng biết kiếm đâu ra số tiền lớn như thế.

Khi bố các cháu mất, đã có một số Mạnh Thường Quân giúp đỡ cho các cháu một khoản tiền nhưng được yêu cầu bỏ số tiền này vào sổ tiết kiệm, gửi ngân hàng để lo cho các cháu ăn học dần dần.

Nhưng đã nhiều lần, cán bộ ngân hàng đã đến đề nghị ông bà các cháu rút số tiền nhân ái để trả nợ khoản vay.

Bà Tiến cho biết, mình không thể làm thế vì số tiền nhận ủng hộ đã được cam kết dùng để lo cho các cháu ăn học.

Hai ông bà già yếu, tuổi cũng đã gần đất xa trời biết sống chết lúc nào? Lúc đó, các cháu tôi sẽ lấy gì mà sống?

Bà nghẹn ngào nói tiếp: “Cán bộ ngân hàng nói nếu không trả nợ thì căn nhà ông bà và các cháu đang ở là nhà của ngân hàng.

Thế nên mỗi khi thấy họ đến tôi hoảng hồn vì không biết họ có đuổi bà cháu chúng tôi ra đường hay không?”

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương cũng cho biết:

“Hiện hai ông bà không còn tuổi lao động, gia cảnh lại đặc biệt khó khăn. Bởi thế, khả năng trả nợ là không thể nên xã có làm đơn kiến nghị xin xóa nợ cho gia đình ông nhưng không được ngân hàng đồng ý”.

Nếu phía ngân hàng vẫn không chịu xóa thì nợ liệu gia đình bà Tiến có bị mất căn nhà trong khi tiền gốc không trả được còn tiền lãi mỗi ngày một nhiều thêm?

Nguy cơ 3 cháu bé mồ côi và 2 ông bà già sẽ mất đi chỗ nương náu cuối cùng đang hiện hữu trước mắt trong sự bất lực của hai ông bà sức đã cùng lực đã sắp kiệt.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về cháu Nguyễn Thị Hồng thôn Châu Sơn, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Điện thoại liên lạc: 0335312708 (cháu Hồng) hoặc tác giả bài viết 0948104754.

Xin chân thành cảm ơn!

Phan Tuyết