"Gấu Nga" có thực sự quay trở lại?

11/01/2016 13:35
Đông Bình
(GDVN) - Nền kinh tế Nga đã suy thoái, giá dầu tụt dốc, Nga thiếu công nghệ cao... sẽ ảnh hưởng đến sản xuất quốc phòng, vũ khí hạt nhân cũng có tác dụng hạn chế.

Tuần san The Week Mỹ ngày 4/1 đăng bài viết “Sức mạnh quân sự Nga – không nên tin vào tuyên truyền” của tác giả Kyle Mizokami.

Nga không kích IS ở Syria
Nga không kích IS ở Syria

Theo bài viết, truyền thông đưa tin “gấu đã quay trở lại”. Quân đội Nga do Tổng thống Nga Vladimir Putin lãnh đạo vài tháng gần đây luôn áp dụng thế tấn công ở miền đông Ukraine và Crimea. Hiện nay, họ lại phát động tấn công ở Syria.

Nga còn dốc sức triển khai lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương và khu vực Bắc Cực. Điều quan trọng nhất là Quân đội Nga đang xây dựng lại, họ có kế hoạch phát triển xe tăng, tàu sân bay và tàu ngầm mới.

Bài báo đặt câu hỏi: Gấu Nga đã thực sự quay trở lại? Rất nhiều dư luận liên quan đến sự phục hưng của Quân đội Nga chỉ là dư luận, còn có bao nhiêu là thực tế?

Ngân sách quốc phòng của Nga đứng thứ tư thế giới. Năm 2015, Moscow đã cấp 54 tỷ USD cho quân sự. Chi tiêu quốc phòng của Nga đang có xu thế tăng lên.

Phần lớn trang bị quân sự của Nga đều là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và kinh tế yếu kém. Hầu như tất cả xe tăng và xe bọc thép của lực lượng mặt đất Nga đều chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov Hải quân Nga
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov Hải quân Nga

Tàu sân bay duy nhất của Nga - Đô đốc Kuznetsov đi vào hoạt động từ năm 1990. Tất cả 3 loại máy bay ném bom hạng nặng của Nga tác chiến ở Syria đều do Liên Xô chế tạo, được Nga kế thừa.

Năm 2010, Chính phủ Nga đã tuyên bố một kế hoạch tham vọng, muốn đến trước năm 2020 sử dụng các vũ khí mới thay thế 70% trang bị thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các hạng mục này ít nhất phải chi 700 tỷ USD, trong đó có xe tăng thế hệ mới, tàu sân bay mới và máy bay ném bom hạng nặng thế hệ mới.

Nga bị quốc tế trừng phạt vì sáp nhập Crimea, giá dầu liên tục giảm khiến cho kinh tế Nga bị trọng thương. Kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái. Trong 12 tháng qua, GDP của Nga đã giảm 4%.

Kinh tế gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến chi tiêu quân sự. Năm 2015, ngân sách quốc phòng Nga đã tăng mạnh 33%. Nhưng trước khi kết thúc năm 2015, một số hạng mục chi tiêu buộc phải rút lại, vì vậy, ngân sách quốc phòng năm 2015 thực sự chỉ tăng 25%.

Do không thể dự đoán vấn đề kinh tế Nga lúc nào được giải quyết, ngân sách quốc phòng năm 2016 sẽ tăng không đến 1%. Tham vọng chi tiêu 700 tỷ USD cho vũ khí của Nga khó có thể trở thành hiện thực.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 Nga
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 Nga

Đồng thời các loại kế hoạch quốc phòng của Nga vốn đang nỗ lực thích ứng với chiến tranh của thế kỷ 21 cũng đã gặp rất nhiều phiền phức. Chương trình PAK-FA (máy bay chiến đấu T-50) gây chú ý, nhằm chế tạo một loại máy bay chiến đấu tương đương với máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ, nhưng chương trình này đã đình trệ do vấn đề công nghệ.

Hiện nay, Nga chỉ có kế hoạch mua sắm một phi đội không quân T-50, số lượng này là 1/10 của kế hoạch ban đầu. Nga còn khẳng định muốn chế tạo tàu sân bay mới và máy bay ném bom hạng nặng thế hệ mới, nhưng cũng chỉ là cam kết mà thôi.

Trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất quốc phòng. Nga thiếu khả năng tự cung tự cấp trên rất nhiều phương diện ngành công nghệ cao. Họ muốn dựa vào các nhà cung ứng quốc tế.

Khi nhà máy đóng tàu Phương Bắc Nga sửa chữa một tàu sân bay cho Ấn Độ, rất nhiều thiết bị được lấy từ phương Tây và Nhật Bản. Đến nay, Nga cũng không thể nhận được hàng cung ứng trên phương diện này.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ, do Nga chuyển nhượng
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ, do Nga chuyển nhượng

Do bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt, sản xuất quốc phòng của Nga sẽ bị trói buộc bởi thiếu ngành công nghệ cao.

Chẳng hạn, máy bay chiến đấu và xe tăng Armata muốn sử dụng rất nhiều màn hình LCD để truyền thông tin cho thành viên tổ lái hoặc các binh sĩ xe tăng. Nhưng Nga khác với Hàn Quốc, trong nước không có ngành chế tạo màn hình LCD.

Cuối cùng, tìm hiểu thực lực quân sự của Nga so với các khu vực khác của thế giới rất quan trọng. Chi tiêu quân sự của Nga chỉ bằng 1/10 ngân sách quốc phòng của Mỹ, không bằng 1/4 chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Nga chỉ có một chiếc tàu sân bay hoạt động miễn cưỡng, trong khi Mỹ có 10 tàu sân bay hoạt động toàn diện.

Trong sức mạnh quân sự của Nga có điểm sáng hay không? Vũ khí hạt nhân của họ có hiệu quả trong nhiều trường hợp và có thể tạo ra răn đe hạt nhân mạnh.

Nhưng vũ khí hạt nhân chỉ có thể bảo vệ một nước tránh được các mối đe dọa sống còn như các nước thù địch xâm lược hoặc tấn công hạt nhân. Chúng không có “đất dụng võ” trong rất nhiều xung đột của chiến tranh hiện đại.

Xe tăng chiến đấu T-14 Armata Nga
Xe tăng chiến đấu T-14 Armata Nga

Nga là nước lớn quân sự, nhưng họ đã không còn là siêu cường quân sự. Có thể họ mãi mãi sẽ không còn trở thành siêu cường quân sự.

Điều quan trọng hơn là, hiện nay có bằng chứng cho thấy trong nền kinh tế toàn cầu, quốc gia “hùng hổ” như Nga có thể bị kiểm soát bởi các biện pháp trừng phạt tài chính ở mức độ nhất định. Các nước khác có thể thấy được tình hình này và rút ra bài học. 

Đông Bình