Dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long từ chiều 2/8

02/08/2013 15:12
Phong Vũ
(GDVN) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5 (bão Jeri), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, từ chiều 2/8 dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan.

Bão số 5 đang tiến thẳng vào vịnh Bắc Bộ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Từ tối nay (02/8), vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Bão số 5 qua ảnh mây vệ tinh
Bão số 5 qua ảnh mây vệ tinh

Từ sáng sớm 3/8, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.

Các tỉnh ven biển họp khẩn phòng chống bão

Tại quảng Ninh, trước diễn biến của cơn bão số 5, sáng 2/8, UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành, địa phương triển khai các phương án phòng chống bão.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, dừng tất cả các cuộc họp của ngày 3/8. Tất cả các ngành, địa phương đều phải thường trực chống bão 24h/ngày. Đặc biệt, ông Đọc yêu cầu, từ chiều 2/8 phải dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan;

Cảng tàu khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tua tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão; các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.

UBND tỉnh Quảng Ninh họp khẩn để triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
UBND tỉnh Quảng Ninh họp khẩn để triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Đối với các phương tiện neo đậu tránh trú bão, phải giằng neo cẩn thận; các địa phương thực hiện di dời những hộ dân đang sinh sống trên khu vực nuôi trồng thủy sản, ngư dân sinh sống trên các làng chài lên bờ xong trước 8 giờ ngày 3/8.

Đối với các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà đặc biệt lưu ý các tuyến đê biển, đê ở các xã đảo. Các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều rà soát toàn bộ các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, sẵn sàng di dời dân khi cần thiết.

Tại TP Hải Phòng, ngay từ chiều 1/8, Chủ tịch UBND thành phố đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn khẩn trương bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão số 5.

Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền yêu cầu các đơn vị theo dõi, kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng các vị trí quy định trong các khu neo đậu tránh trú, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, đảm bảo các tàu thuyền và phương tiện hoạt động thủy sản về nơi trú tránh trước 21 giờ ngày 02/8/2013.

Công điện cũng yêu cầu, các đơn vị liên quan phải hoàn thành công tác sơ tán, đảm bảo an toàn cho nhân dân ở các vùng xung yếu, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trước 07 giờ ngày 3/8/2013.

Tại tỉnh Nam Định, sáng 2/8, UBND tỉnh cũng đã tổ chức họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 5.

Ông Nguyễn Văn Tuấn chủ tịch UBND tỉnh Yêu cầu các đơn vị triển khai phương án sơ tán dân tại các vị trí xung yếu, các vùng cửa sông, ven biển; di dời người ở các khu nhà xuống cấp, hư hỏng; du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn xong trước 19 giờ ngày 2/8.

Nhiều tàu thuyền đã tìm được nơi tránh bão an toàn. (Ảnh minh họa)
Nhiều tàu thuyền đã tìm được nơi tránh bão an toàn. (Ảnh minh họa)

Ngay trong ngày 2/8, tất cả các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải xuống các địa bàn được phân công phụ trách để cùng với các huyện chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5; đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân.

Được biết, đến sáng ngày 2/8 tỉnh Nam Định đã thông báo cho 100% chủ tàu, thuyền, lều, chòi canh coi vây vạng biết về diễn biến cơn bão số 5 để chủ động phòng tránh. Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 1/8 đã có 2.070 tàu, thuyền với 11.082 ngư dân đã neo đậu an toàn tại các bến trên địa bàn tỉnh; 19 tàu, thuyền với 114 ngư dân đã vào bến neo đậu tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bạc Liêu, Vũng Tàu.

Trong công tác phòng, chống úng, tỉnh Nam Định đã huy động tối đa các máy bơm, chủ động bơm tiêu rút nước đệm. Vật tư dự trữ phòng chống lụt bão đã chuẩn bị được 50.843m3 đá các loại, 5.178 rọ thép, 547.113 bao tải, 41.496m2 vải lọc, 226.591m2 vải chống tràn.

Công tác xử lý hộ đê giờ đầu đã cơ bản xử lý xong kè 26 trên đê tả Đáy (Nghĩa Hưng) và đã xử lý xong các sự cố hư hỏng trên các tuyến đê biển sau các cơn bão số 2 và số 3, bao gồm: kè Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), mái các kè Táo Khoai, Hải Thịnh III, dốc Gót Tràng (Hải Hậu), mái kè khu vực đê Tiền Lang, cống số 9 (Giao Thuỷ).

Tại tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ sáng ngày 2/8, cấm các phương tiện và ngư dân ra khơi; các địa phương có dân sinh sống ở vùng nguy hiểm thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCLB tỉnh để có biện pháp di dời toàn bộ người dân vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đến thời điểm này, lực lượng chức năng Thái Bình đã liên lạc được với 1.186 tàu thuyền với 3.113 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản, thông báo cho ngư dân nắm tình hình cơn bão và đã di chuyển về nơi trú ẩn an toàn.

Trước đó, ngay từ sáng ngày 1/8, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra các tuyến đê cửa sông và đê biển, công tác ứng phó với bão của các địa phương. Tối ngày 1/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vận hành các trạm bơm tiêu úng kết hợp mở các cống để tiêu nước toàn hệ thống.

Phong Vũ