Dự thảo Hiến pháp: Doanh nghiệp tư nhân không còn lo bị... “lép vế"

05/02/2013 13:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Các thành phần kinh tế là bộ phận hợp thành nền kinh tế, về nguyên tắc hoạt động phải tuân thủ theo luật pháp. Khoản 2 Điều 54 trong dự thảo nói rõ: "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

Mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật

Ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Phó trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) cho hay, Dự thảo Hiến pháp lần này thể hiện nhiều điểm mới về kinh tế. Cụ thể, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cố gắng thể hiện những tư tưởng mới về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, xác định đúng hơn vai trò của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền… để các tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh.

Ông Phúc dẫn chứng: “Ngay tại Điều 53 của dự thảo sửa đổi bổ sung có thể hiện 2 nội dung rất quan trọng là tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về đường lối phát triển của nền kinh tế nước ta và quan điểm phát triển là bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Chúng ta cũng có thể thấy điều 54 của dự thảo sửa đổi quy định tính chất của nền kinh tế, trực tiếp quy định tính chất của nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, một trong những yêu cầu là phải nâng cao kỹ thuật lập hiến để đảm bảo Hiến pháp của chúng ta có tính ổn định lâu dài. Từ Đại hội 6 đến nay, các thành phần kinh tế luôn thay đổi, thậm chí còn có sự thay đổi ngay trong một nhiệm kỳ Đại hội. Ví dụ, Đại hội IX, chúng ta xác định có 6 thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhưng ngay trong nhiệm kỳ khóa IX, Ban chấp hành trung ương đã thảo luận và ra một Nghị quyết về kinh tế tư nhân là gộp hai thành phần kinh tế đã được xác định trong Văn kiện Đại hội IX là thành phần kinh tế cá thể tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân thành một thành phần kinh tế gọi là kinh tế tư nhân. Đến Đại hội X, nước ta có 5 thành phần kinh tế.

“Nếu Hiến pháp khẳng định các thành phần kinh tế thì hợp thời điểm này, nhưng vài năm nữa có thành phần kinh tế vận động khác đi thì Hiến pháp lại lạc hậu, lại mâu thuẫn với phát triển xã hội. Cho nên, tính toán đi tính toán lại, Hiến pháp chỉ quy định chung nhất, không liệt kê các thành phần kinh tế vào Hiến pháp. Vì không liệt kê các thành phần nên không nói vị trí, vai trò của nó chứ không phải Hiến pháp bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mà không quy định tại Hiến pháp này”, ông Thông nói.

Ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.
Ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

Ngoài ra, ông Thông cũng cho rằng, nên phân biệt rằng, các văn bản pháp lý thì có Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư... nhưng cũng phải xác định tầm nào. Một trong những hạn chế của Hiến pháp hiện hành là nhiều quy định tầm Luật, nhiều quy định thuộc tầm chính sách. Ví dụ, các thành phần kinh tế là thuộc tầm chính sách; hay tại Chương 2 đề cập vấn đề văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... Hiến pháp 1992 quy định cả miễn học phí... chỉ là tầm chính sách, đến tầm luật, càng không phải tầm chính sách.

“Tôi cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không đề cập liệt kê đến các thành phần kinh tế, nếu liệt kê thì có nói vai trò các thành phần kinh tế. Do đó, vì không liệt kê, một số người hiểu là Đảng, Nhà nước ta từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hiểu như vậy là chưa chính xác”, ông Thông nhấn mạnh.

Xóa bỏ sự bất công giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, bởi câu chuyện độc quyền, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường được ưu tiên nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không còn là chuyện hiếm, và rất mừng là ngay tại dự thảo Hiến pháp lần này đã nói rất rõ là các thành phần kinh tế đều bình đẳng.

Trả lời câu hỏi: Với tư cách là một doanh nghiệp, ông có thấy sự không công bằng giữa các DNTN với DNNN? Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức, cho biết: "Câu hỏi này rất tế nhị, nhưng tôi cũng nói thẳng, vì ngoài là một doanh nghiệp tôi còn là một Đại biểu Quốc hội, tôi cũng muốn nói lên tâm tư nguyện vọng của cử tri và DNNN. Thực sự là có sự bất công, từ bảo hộ các quyền cũng như các quy định, kế hoạch của nhà nước, cách điều hành để gây ra những bất công ấy.

Thực tế, có những bất bình đẳng thể hiện rất sâu, rất đậm trong những năm vừa rồi. Ví dụ, những tập đoàn làm ăn thua lỗ nhưng người dân không biết nguồn tiền mất ở đâu. Còn doanh nghiệp tư nhân, nếu mất, nếu muốn vay ngân hàng hay của ông A, B, C nào đó thì không ai chấp nhận cho vay, thậm chí còn có thể gặp rắc rối về pháp lý. Tôi cho rằng tất cả các thành phần kinh tế phải bình đẳng nhau trước pháp luật, phải có trách nhiệm với người dân. Tiền của DNNN, DNTN và các thành phần kinh tế đều là tiền của nhân dân".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo.

Các thành phần kinh tế là bộ phận hợp thành nền kinh tế, về nguyên tắc hoạt động phải tuân thủ theo luật pháp. Vậy ở đây, điều quan trọng của đợt sửa đổi lần này là chúng ta tạo được sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế.

Ông Bảo nhấn mạnh: "Chúng ta phải giảm dần hàng rào phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Về chủ trương của Đảng không có cái đó, Nghị quyết cũng không có, Chính phủ cũng không có. Nhưng trên thực tế vẫn có những Nghị định mang tính rào cản. Phải dần dần xóa rào cản đó đi để cho các thành phần kinh tế được tự tin. Dân gian có câu rất cơ bản là “một miếng giữa làng bằng một sàng giữa bếp”. Ở đây người ta cần sự bình đẳng, chúng tôi có thể hy sinh bằng một phần tài sản nhưng chúng tôi cần sự bình đẳng".

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Viết Thông công nhận có sự đối xử bất công giữa DNNN với DNTN.
Theo ông Thông, Văn kiện Đảng không nói phân biệt, Hiến pháp cũng không nói phân biệt. Lần này, thể chế hóa các thành phần kinh tế không liệt kê, nhưng riêng về kinh tế tư nhân thì kể cả ở chương về quyền con người, quyền cơ bản của công dân đều có đề cập. Ví dụ, tại chương 3 có nói về việc các tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh. Quan điểm của Đảng tại Đại hội XI nói rằng kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển nền kinh tế, tức là thừa nhận vai trò rất quan trọng của kinh tế tư nhân, điều này hiện nay ai cũng thừa nhận, kể cả giải quyết việc làm và đóng góp vào GDP.

"Theo tôi, đúng là nhìn thấy DNNN thua lỗ, và thực tế là đang thua lỗ, tại Hội nghị Trung ương 6, có thảo luận một chuyên đề về DNNN. Bên cạnh khẳng định thành tựu, chỉ rõ những yếu kém của DNNN như thua lỗ, làm trái pháp luật", ông Thông nói.

Theo vị Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Nhà nước, đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm kinh tế nhà nước (KTNN) và DNNN. KTNN là một khái niệm rộng hơn nhiều. DNNN chỉ là một bộ phận của KTNN. Trong Văn kiện Đảng gần đây đều khẳng định, KTNN giữ vai trò chủ đạo chứ không nói DNNN giữ vai trò chủ đạo.

Ông Thông thẳng thắn bày tỏ: "Sự nhầm lẫn này, tới đây phải sửa. Quốc hội sẽ thảo luận trên cơ sở từ Hội nghị Trung ương 6 đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 để đề xuất Trung ương một phương án quy định về pháp luật đối với DNNN để DNNN cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật cho chặt chẽ, đừng để nó thất thoát.

Vừa rồi kiểm điểm lại DNNN thua lỗ, một trong những nguyên nhân dẫn đến là Luật chưa chặt chẽ. Cho nên mới có chuyện đối xử ưu ái với DNNN. Đây là chúng ta chuyển từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Trước khi có Luật Phá sản, DNNN thua lỗ thì khoanh nợ, rồi giãn nợ, xóa nợ, thậm chí thua lỗ đến mức “chết nhưng chưa được chôn” vì chưa có Luật Phá sản. Nhưng từ khi có Luật Phá sản thì đó là một bước tiến".

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Phúc, không phải đến lần Hiến pháp sửa đổi này mới quy định về bình đẳng các thành phần kinh tế, mà ngay Hiến pháp năm 1992, cả lần sửa đổi năm 2001 đã quy định nguyên tắc bình đẳng. Vấn đề là Hiến pháp lần này so với Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2001 thì cách chúng ta tiếp cận và tư duy chúng ta phát triển về những nguyên tắc của Hiến pháp để bảo đảm tính minh bạch giữa các thành phần kinh tế có bước phát triển mới, mà nó thông qua rất nhiều quy định.

"Có thể không quy định cụ thể tên từng thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước nhưng phải nghiên cứu, phải xuất phát từ những nguyên tắc đã quy định. Nguyên tắc đó sẽ chi phối trong việc phát hành luật và từ đây Quốc hội và các cơ quan bảo vệ Hiến pháp chiếu vào các nguyên tắc ấy để xem các đạo luật tới đây Quốc hội ban hành hay các văn bản mà Chính phủ ban hành liên quan đến các thành phần kinh tế thì có bảo đảm được nguyên tắc bình đẳng hay không, có bảo đảm được nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền hay không. Còn các điều luật và trong Hiến pháp không thể quy định cụ thể được nhưng nguyên tắc là rất quan trọng.

Ví dụ: Điều 55 được sửa đổi bổ sung từ Điều 24 và 28 hiện hành nói đến vai trò của nhà nước. Đúng là không nên lạm dụng, can thiệp vào hành chính thì rất đúng, trừ những tình huống đặc biệt, như khủng khoảng kinh tế, thiên tai thì cần dùng các biện pháp hành chính nhưng mà rất có điều kiện, rất có một giới hạn về thời gian để quay lại những nguyên tắc của mình", ông Phúc nói.

Ngọc Quang