Dự án của Công ty CP Viglacera Hạ Long: Dồn dân ra vùng ô nhiễm?

12/03/2014 20:30
Duy Phong
(GDVN) - Dự án đã kéo dài gần 4 năm, Công ty vẫn bế tắc trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân ở huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh).

Năng lực tài chính "hạn chế"

Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 950/QĐ-UBND ngày 01/4/2011 phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò bổ sung và chuyển đổi cấp trữ lượng mỏ sét Xích Thổ, xã Thống Nhất (Hoành Bồ - Quảng Ninh) của Công ty CP Viglacera Hạ Long. Đến ngày 10/4/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh ra tiếp Quyết định số 793/QĐ-UBND chấp thuận địa điểm xây dựng khu dân cư, tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) mỏ sét Xích Thổ.

Dự án sẽ giải quyết nhà ở cho 240 hộ dân, Trường Tiểu học Thống Nhất, Trường mầm non và điểm văn hóa khu dân cư Xích Thổ. Tuy nhiên, do năng lực tài chính hạn chế nên việc quy hoạch, san lấp mặt bằng khu tái định cư (TĐC) đã bị chậm chễ.

Những “bờ xôi, ruộng mật” của hơn 240 hộ dân Xích Thổ sắp biến thành những hồ nước mênh mông.

Đến ngày 22/4/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Văn bản số 1827/UBND-QH3 về việc tiếp tục gia hạn thời gian lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu TĐC mỏ sét Xích Thổ. Sau gần 02 tháng hoàn chỉnh tiếp phương án, Công ty CP Viglacera Hạ Long đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 1558/QĐ-UBND ngày 19/6/2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư, TĐC giải phóng mặt bằng mỏ sét Xích Thổ.

Tính đến nay, Dự án đã kéo dài gần 4 năm, Công ty vẫn bế tắc trong phương án đền bù GPMB cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Trong khi đó, vì trong dự án đã quy hoạch nên người dân không được cấp "sổ đỏ", cơi nới, sửa chữa nhà cửa, Nhà nước cũng không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ nông nghiệp… đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Dự án mỏ sét Xích Thổ ban đầu dự kiến quy hoạch tổng diện tích 180ha, được triển khai thực hiện trong 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn dài 6 năm, với thời hạn cấp phép 30 năm. Tuy nhiên đến ngày 13/8/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp Giấy phép số 2032/GP-UBND về việc cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Viglacera Hạ Long, diện tích khai thác thu hẹp lại còn 94,5ha, trữ lượng khai thác 12,3 triệu m3, công suất khai thác 320.000m3/năm, cốt cao khai thác âm 20m, thời gian khai thác 30 năm, toàn bộ nguyên liệu sét sẽ phục vụ cho các Nhà máy gạch Hoành Bồ, Nhà máy gạch Cotto và Nhà máy gạch Tiêu Giao thuộc Công ty CP Viglacera Hạ Long.

"Rốn" ô nhiễm

Ông Trần Văn Lợi, Trưởng thôn Xích Thổ cho biết: "Khi chính quyền công bố dự án người dân rất hồ hởi, tuy nhiên càng đợi chúng tôi càng không thấy phía doanh nghiệp bàn bạc gì về phương án đền bù GPMB, di dân… Trong khi, việc cơi nới, xây dựng nhà cửa, các công trình sinh hoạt khác đều bị chính quyền “cấm cửa”. Nhiều hộ có con lập gia đình muốn xây dựng thêm phòng, tách khẩu cho con cũng không được chấp thuận".

Ông Trần Văn Lợi, Trưởng thôn Xích Thổ ngao ngán nhìn về hướng Nhà máy Xi măng Hạ Long, nơi mà người dân của ông sắp phải hứng chịu khói, bụi.

Ông Lợi cho biết thêm: "Khổ nhất là người dân xóm 4 và 5 không được làm giao thông nông thôn, không được hưởng nguồn lợi về nước sạch… nên đường xá đi vào hai xóm này gặp nhiều khó khăn do đường đất, lầy lội...".

Nhiều người dân Xích Thổ lo lắng con em họ và những người trong độ tuổi lao động sẽ không được phía Công ty CP Viglacera Hạ Long giải quyết việc làm như đã hứa. Bởi, toàn bộ hơn 240 hộ dân sẽ phải ra nơi ở mới, nhường đất cho dự án khai thác sét. Người dân không còn đất nông nghiệp, đất đồi để canh tác, vì vậy họ cần có một công việc, nghề nghiệp ổn định để nuôi sống cả gia đình.

Đặc biệt, điểm tái định cư (TĐC) Xích Thổ được di chuyển ra cạnh điểm TĐC Trới – Vũ Oai, nơi đây hiện chưa có dân sinh sống. Nguyên nhân đến nay điểm TĐC Trới – Vũ Oai chưa có người dân đến ở là vì cơ sở hạ tầng ở đây chưa đồng bộ (chưa có nước sạch, hệ thống thoát nước sinh hoạt,đường điện…).

Tuy nhiên, bức xúc hơn, điểm TĐC cách Nhà máy Xi măng Hạ Long không quá 200m. Người dân địa phương phản ánh, khói, bụi của Nhà máy Xi măng Hạ Long thường xuyên phát tán ra khu dân cư. Ngoài ra, gần khu TĐC Xích Thổ là cửa sông, đầm phá, một khi nước lũ, hoặc thủy triều dâng cao sẽ khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân đảo lộn.

Ông Đoàn Tuệ Minh, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên (Công ty CP Viglacera Hạ Long) thừa nhận, Công ty mới họp với chính quyền địa phương chứ chưa họp với người dân trong thôn Xích Thổ.

Đa phần người dân chúng tôi gặp đều không mặn mà về nơi ở mới. Vì họ xem nơi đến như là vùng rốn ô nhiễm, "vùng đất chết". Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét quyền lợi lâu dài của người dân.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.

Duy Phong