Đồng lương còm cõi của công chức lại 'cõng' thêm mức phí mới

20/12/2011 01:33
Thành Chung
(GDVN) - Giá điện tăng vào thời điểm cuối năm cùng với giá nhiều mặt hàng khác đang tăng đã đẩy không ít người dân vào cảnh phải "bớt ăn, nhịn mặc" để đối phó.
Tăng giá bán để "bù lỗ". Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ công thương đã có văn bản chấp thuận việc tăng giá bán điện. Văn bản số 380 của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân là sẽ 1.304 đồng mỗi kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 62 đồng mỗi kWh so với giá bán hiện hành được duyệt (1.242 đồng mỗi kWh). Thời gian áp dụng từ ngày 20/12/2011 Đối với giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0 - 50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0 - 100 kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này.

Việc tăng giá điện của EVN được lý giải để giúp bù lỗ một phần chi phí. (Ảnh minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ).
Việc tăng giá điện của EVN được lý giải để giúp bù lỗ một phần chi phí.
 (Ảnh minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ).
Theo Bộ Công thương thì mức tăng này chỉ ở mức 5%. Còn lý giải về việc tăng giá EVN cho biết đây là việc cần thiết để giá đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện. Có như vậy, giá điện mới thực sự là tín hiệu đúng để thu hút đầu tư vào các công trình điện, là tín hiệu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả."Bớt ăn, nhịn mặc" để đối phó?... Với lý giải về nguyên nhân tăng giá của EVN ở trên và mức giá được đưa ra thì việc tăng chi phí chưa phải là nhiều, chỉ ở mức 5% nhưng điều quan ngại nhất với người dân là sự tăng giá của những mặt hàng khác vốn đã có truyền thống “ăn theo”.
Bởi điện vốn được xem là một trong những mặt hàng thiết yếu, là yếu tố tác động lên giá thành sản phẩm trong sản xuất kinh doanh, đồng thời giá của điện cũng gây tác động dây chuyền. Vì thế, giá điện tăng thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá thành nhiều mặt hàng khác.
Cách tốt nhất để đối phó với giá điện và nhiều mặt hàng khác tăng là người dân có thu nhập thấp, công chức ở các thành phố lớn như HN phải bớt ăn, nhịn mặc. (Ảnh minh họa. Ảnh: EVN Hà Nội).
Cách tốt nhất để đối phó với giá điện và nhiều mặt hàng khác tăng là người dân có thu nhập thấp, công chức ở các thành phố lớn như HN phải bớt ăn, nhịn mặc. (Ảnh minh họa. Ảnh: EVN Hà Nội).
Chắc hẳn chúng ta cũng chưa thể quên, cùng với giá xăng, mỗi lần giá điện tăng là một lần xót xa vì hầu hết những mặt hàng trên thị trường đều đồng loạt tăng giá, kể cả những thứ không liên quan trực tiếp đến điện cũng theo đó mà tranh thủ "leo thang". Một câu hỏi cũng được đặt ra ở đây là, mặc dù đã biết điện là nguyên nhân dẫn đến sự "leo thang" về giá của nhiều mặt hàng khác và trong lúc lạm phát của đất nước vẫn còn cao thì liệu rằng việc tăng giá điện trong thời điểm cuối năm này có thực sự hợp lý?. Trong khi tiền lương, thu nhập của người lao động, công chức bình thường trong xã hội không có nhiều biến chuyển tăng lên, hoặc tăng chưa 'kịp' với mức tăng giá thì việc tăng giá điện vào cuối năm, thời điểm giá cả nhiều mặt hàng đang có chiều hướng tăng mạnh thì đây thực sự là một điều quá sức.   Đánh giá trên thực tế hiện nay, theo những thống kê thì mức độ tiêu thụ điện dùng để sản xuất trong các nhà máy, doanh nghiệp là rất lớn. Một con số thống kê gần đây cho thấy thì, lương điện này gấp 3/4 so với tiêu thụ điện dân sinh của nhân dân trên toàn quốc. Và cho dù giá điện hiện tại được EVN bán chi doanh nghiệp cao hơn điện dân sinh của nhân dân nhưng việc tăng giá điện ở doanh nghiệp cũng chẳng đến nỗi nào bởi họ sẽ bù lại bằng cách tăng giá sản phẩm làm ra. Còn người dân, những người không có thu nhập ổn định, người có thu nhập thấp, kể cả giới công chức nhà nước thì việc tăng giá điện này, dù chỉ vài % cũng là một gánh nặng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Làm một phép tính đơn giản nếu một hộ dân có thu nhập không ổn đinh ở Hà Nội, 1 tháng sử dụng hết 250 kW, nhân với giá điện bình quân là 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) thì số tiền họ bỏ ra để trả là trên 326.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Trong khi thu nhập không đổi, giá cả của nhiều mặt hàng khác dịp cuối năm tăng cao cộng với chi tiêu cho nhiều khoản khác thì số tiền điện phải trả này quả là không hề nhỏ. Và có lẽ trong thời điểm cuối năm nay khi giá điện, mọi thứ khác cùng tăng thì cách đối phó hiệu quả nhất những người dân có thu nhập thấp, công chức ở các thành phố lớn như Hà Nội là "bớt ăn, nhịn mặc" (!?).
Thành Chung