Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng

10/06/2015 07:53
TS.LS Vũ Thái Hà
(GDVN) - Việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động phải tuân theo quy định của pháp luật.

Tôi là giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học. Hợp đồng lao động của tôi có thời hạn 3 năm, từ tháng 8/2012 đến hết tháng 7/2015.

Tuy nhiên, vừa qua, Hiệu trưởng nhà trường thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với tôi vào ngày 31/5/2015 và tới tháng 8/2015 tôi mới được ký lại hợp đồng.

Trong 2 tháng hè, tôi không được hưởng lương. Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc nhà trường tự ý chấm dứt hợp đồng với tôi như vậy có đúng không?. Khi Hợp đồng chưa chấm dứt, trong hai tháng hè, tôi có được hương lương không?

Lê Hồng Nhung

Khoản 1 Điều 38 Bộ Luật lao động (BLLĐ) quy định các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng gồm: a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo banh hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì: Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau: a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có); b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như vậy, căn cứ các quy định trên, theo thông tin bà đã cung cấp, bà là giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học. Hợp đồng lao động của bà có thời hạn 3 năm từ tháng 8/2012 đến hết tháng 7/2015. Do đó, nhà trường chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với bà nếu thuộc một trong các trường hợp đã nêu tại khoản 1 Điều 38 BLLĐ. Thời gian nghỉ hè được coi là nghỉ phép hàng năm của giáo viên phổ thông, bà sẽ vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0913559944

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe.

TS.LS Vũ Thái Hà