Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không thể thiếu sự đồng hành của báo chí

17/05/2021 06:38
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Tôi vẫn luôn xem báo chí là người bạn đồng hành, là cầu nối, là tai mắt giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hiểu thêm về thực tiễn ở cơ sở..."

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng Ngô Thị Minh, từ vị trí Đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đến cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bà đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục cũng như báo chí, truyền thông quan tâm đến giáo dục.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông, báo chí đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Cảm ơn bạn! Tôi xuất thân là nhà giáo và gắn bó với giáo dục suốt mấy chục năm qua, nên dù ở cương vị Đại biểu quốc hội - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV hay Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, tôi lúc nào cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

Công tác trong ngành giáo dục, đi lên từ cơ sở, từng làm việc trong cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật, nên ngoài việc trực tiếp trải nghiệm, đi nhiều, tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng như cha mẹ học sinh sinh viên ở các địa phương khác nhau thì tôi còn thường xuyên quan tâm đến các bài viết về giáo dục trên các phương tiện truyền thông, báo chí, đặc biệt là các bài viết của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia... về các vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm.

Có dịp đi công tác tại một số quốc gia, khi tìm hiểu về đời sống giáo dục tại các nước từng đến đã giúp tôi có điều kiện so sánh và cảm nhận rõ hơn về nền giáo dục của đất nước mình.

Tôi đặc biệt xúc động khi xem được trên báo những câu chuyện cảm động về những tấm gương thầy cô giáo vượt khó mang kiến thức, kĩ năng đến cho con em đồng bào các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thầy cô vừa là người dạy kiến thức, kỹ năng, vừa thay cha mẹ để chăm sóc, dạy dỗ các em nên người.

Đặc biệt là qua phản ánh của báo chí, tôi thấy một đặc điểm rất rõ nét là người Việt Nam cực kỳ hiếu học, đồng thời gia đình, nhất là các bậc cha mẹ có nhiều người sẵn sàng hy sinh tất cả để con được học.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã là chuyên gia gắn bó của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Lại Cường.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã là chuyên gia gắn bó của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Lại Cường.

Có những câu chuyện, phóng sự xúc động về các bậc cha mẹ làm đủ mọi việc, miễn là có tiền cho con ăn học, thậm chí rời quê hương theo con ra thành phố để làm và nuôi con học đại học đã được phản ánh trên báo chí, tôi nghĩ đây là một nguồn lực vô giá mà hiếm thấy quốc gia nào có được.

Ngoài ra, những phản ánh, góp ý của các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục về những vấn đề thực tiễn bất cập nảy sinh trong đời sống giáo dục nước nhà, thậm chí cả những bức xúc, những mong muốn được gửi gắm trên truyền thông về cơ chế chính sách như đời sống giáo viên, áp lực thi cử, bạo lực học đường... đã giúp tôi rất nhiều trong vai trò Đại biểu Quốc hội, đặc biệt là khi tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo, giám sát việc thực hiện các văn bản luật.

Lắng nghe thực tiễn từ cơ sở đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là việc trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018; dự thảo Luật Giáo dục năm 2019.

Đây là hai bộ luật quan trọng hàng đầu đối với giáo dục và đào tạo, tôi đã góp một phần sức mình tham gia quá trình hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội thông qua.

Hiện nay được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi lại có điều kiện để thực hiện chính những điều mà mình đã tiếp thu được từ cử tri trực tiếp cũng như gián tiếp qua báo chí đưa vào trong luật.

Với chúng tôi không có gì vui bằng luật đi vào cuộc sống, mang lại những đổi thay căn bản và toàn diện cho nền giáo dục nước nhà.

Trong quá trình này, tôi vẫn luôn xem báo chí là người bạn đồng hành, là cầu nối, là tai mắt giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hiểu thêm về thực tiễn ở cơ sở, để đo lường mức độ đi vào cuộc sống của các chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo, qua đó có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy giáo dục - đào tạo phát triển bền vững.

Như các bạn cũng biết đấy, giáo dục ảnh hưởng đến mọi nhà, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay mỗi một sự việc xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đều nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Chính vì vậy, áp lực đối với những người làm giáo dục rất lớn. Khó khăn với các nhà quản lý giáo dục theo tôi không phải vấn đề nội tại, mà là vấn đề làm thế nào để dư luận xã hội hiểu giáo dục hơn, đồng hành cùng với ngành giáo dục trong sự nghiệp phát triển con người, vì con người.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương có thành công hay không, ngoài nỗ lực tự thân của toàn ngành giáo dục, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị thì không thể thiếu sự đồng hành, chia sẻ cũng như trách nhiệm của các cơ quan báo chí.

Phóng viên: Năm 2021 là tròn 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tuy tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Tòa soạn đã ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc và trở thành diễn đàn thường xuyên của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, đại biểu quốc hội...

Là một chuyên gia thân thiết, độc giả thường xuyên của Giáo dục Việt Nam (www.giaoduc.net.vn), Thứ trưởng đánh giá như thế nào và có góp ý gì cho Tạp chí để phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Từ khi còn giữ cương vị Đại biểu quốc hội - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tôi đã biết đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và có dịp cộng tác cùng các bạn.

Tôi đặc biệt ấn tượng với tư duy, cách tiếp cận vấn đề của Báo, đặc biệt là những vấn đề nóng trong giáo dục - đào tạo mà dư luận quan tâm.

Chính Báo đã là cầu nối giúp Ủy ban cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục với đội ngũ nhà giáo, các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh không chỉ qua các bài viết, phân tích, góp ý mà còn là chuỗi hội thảo, tọa đàm về cơ chế chính sách liên quan đến giáo dục - đào tạo.

Tôi đặc biệt ấn tượng khi Báo đứng ra tổ chức hội thảo về dự thảo Luật Giáo dục ngày 8/5/2019 xoay quanh việc cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng vào trong dự thảo luật.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh tham gia Hội thảo “Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong Dự thảo Luật Giáo dục” tổ chức ngày 8/5/2019. Ảnh: Vũ Ninh.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh tham gia Hội thảo “Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong Dự thảo Luật Giáo dục” tổ chức ngày 8/5/2019. Ảnh: Vũ Ninh.

Mặc dù thời điểm này việc lấy ý kiến dự thảo luật đã hoàn tất và chuẩn bị trình Quốc hội thông qua, nhưng trước những kiến nghị khẩn thiết của các nhà đầu tư, lãnh đạo các trường tư thục thông qua diễn đàn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đã tham dự Hội thảo này.

Rất nhiều ý kiến từ các nhà giáo lão thành mở trường tư thục theo chủ trương, kêu gọi xã hội hóa giáo dục của Đảng về thực tiễn mô hình quản lý, vận hành của khối tư thục đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ thấu đáo, trao đổi làm rõ ngay tại Hội thảo này.

Tôi nhớ là chính ngày diễn ra Hội thảo thì tại Ủy ban, bộ phận chuyên môn cũng đang họp để hoàn tất dự thảo Luật Giáo dục trước khi trình ra Quốc hội mà tôi chủ trì, nhưng do tính cấp bách của vấn đề nên tôi phân công một đồng chí khác chủ trì thay để qua Hội thảo lắng nghe trực tiếp ý kiến từ các thầy cô, các chuyên gia.

Ngay sau Hội thảo, tôi đã báo cáo lại toàn bộ ý kiến, nguyện vọng của các thầy cô, các nhà đầu tư, các chuyên gia giáo dục lên Chủ nhiệm Ủy ban.

Tôi nhớ không nhầm thì chỉ 2 ngày sau, 11/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã chủ trì cuộc gặp và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các trường tư thục. Từng khúc mắc được tháo gỡ, từng câu hỏi được giải đáp, từng vấn đề được giải quyết ngay tại Ủy ban, cuộc gặp đã kết thúc thực sự tốt đẹp, các trường thở phào nhẹ nhõm.

Ở đây, bên cạnh tinh thần trách nhiệm rất cao của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thể phủ nhận vai trò cầu nối của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sau hội thảo này, tôi vẫn thường xuyên được mời tham dự các hội thảo, tọa đàm mà Báo tổ chức với những đề tài rất thiết thực, bổ ích liên quan đến cơ chế chính sách.

Có cuộc tôi thu xếp dự được, có cuộc đành phải vắng mặt vì lịch làm việc đã lên từ trước, nhưng hầu như các thông tin phân tích, mổ xẻ, đánh giá và kiến nghị cơ chế chính sách phát triển giáo dục và đào tạo trên diễn đàn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đều theo dõi.

Luật Giáo dục 2019, trước đó là Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 có đóng góp không nhỏ của các bạn. Báo và nay là Tạp chí, đã thực sự là cầu nối giữa cơ sở với cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về giáo dục.

Năm qua, diễn biến của dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống của toàn thế giới. Với Việt Nam chúng ta, ngoài dịch Covid-19 thì năm 2020 còn chứng kiến thảm họa thiên tai bão lụt rất khủng khiếp xảy ra với các tỉnh miền Trung.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh tham gia một cuộc tọa đàm do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Tòa soạn. Ảnh: Tùng Dương.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh tham gia một cuộc tọa đàm do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Tòa soạn. Ảnh: Tùng Dương.

Trong bối cảnh đó, năm học 2020-2021 mang dấu ấn hết sức đặc biệt khi ngành giáo dục và toàn xã hội đã từng bước thay đổi để thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, từ chỗ dừng đến trường nhưng không dừng học để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến chỗ đổi mới, thích nghi để tiếp tục các hoạt động dạy và học trong trạng thái bình thường mới.

Chính trong khó khăn, các sáng kiến, các giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ngành giáo dục tiếp thu và vận dụng triển khai tối đa vào thực tiễn, vì vậy nên trong thời gian đầu khi dãn cách xã hội để phòng chống dịch, ngành giáo dục đã thực hiện thành công chiến lược “ngừng đến trường để phòng chống dịch nhưng không dừng việc học”, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực từ diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cũng từ phản ánh của báo chí, trong đó có Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các bất cập trong quy định liên quan đến văn bằng chứng chỉ đối với nhà giáo, trong năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực rất nhiều trong việc trao đổi, làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan để tháo gỡ những gánh nặng về chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học cho các thầy cô giáo.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành thông tư mới, bãi bỏ nhiều hồ sơ sổ sách giấy tờ cho giáo viên, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.

Những nỗ lực này được các thầy cô giáo đánh giá rất cao. Mong rằng trong thời gian tới, Tạp chí tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục, phản ánh chân thực, khách quan mọi mặt của đời sống giáo dục - đào tạo, vừa biểu dương nhân rộng các mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến, việc làm tốt cách làm hay, vừa góp ý các giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Nhân dịp 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi có lời cảm ơn và chúc mừng nồng nhiệt gửi đến tập thể đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tòa soạn!

Chúc các bạn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều bài viết bổ ích góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW, đồng hành cùng với ngành giáo dục trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới!

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, kế hoạch lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 18/5 tạm hoãn và sẽ được tổ chức vào một thời điểm thích hợp. Ban Biên tập trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn qua các thời kỳ, đồng thời Tòa soạn cũng xin được bày tỏ niềm tri ân đặc biệt với tình cảm yêu mến, ủng hộ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cộng tác viên và bạn đọc gần xa. Giáo dục Việt Nam mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, góp ý để chúng tôi phục vụ độc giả ngày một tốt hơn. Trân trọng!

Hồng Thủy