Diệt giặc dốt, Đảng đã thức dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam

03/02/2018 06:59
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN)- Các cấp các ngành, nhất là cơ quan quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần phải nắm vững quan điểm, mục tiêu của Đảng để đưa ra các giải pháp hiệu quả.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), Đại tá Nguyễn Huy Viện có bài viết nêu lại thành tựu "diệt giặc dốt" ngay sau khi thành lập nước, từ đó mong rằng sẽ thức dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong thời kỳ mới.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng quý độc giả.

Với quan điểm giải phóng giải phóng dân tộc luôn gắn liền giải phóng con người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta và Bác Hồ lúc sinh thời luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo (dưới đây viết tắt là giáo dục).

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giữa muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tình trạng trên 90% dân số bị mù chữ cũng là một thứ giặc.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách trong đó cứu đói là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai.

Ngày 8/9/1945 (chỉ sau 6 ngày tuyên bố độc lập), Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, tổ chức cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối.

Người dân hăng hái tham gia phong trào "diệt giặc dốt". (Ảnh: Tuyengiao.vn)
Người dân hăng hái tham gia phong trào "diệt giặc dốt". (Ảnh: Tuyengiao.vn)

Chế độ học chữ quốc ngữ bắt buộc, không mất tiền áp dụng cho tất cả mọi người mù chữ.

Đặt mục tiêu trong vòng một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào “diệt giặc dốt” làm thức dậy lòng tự trọng của mỗi người dân và lòng tự tôn dân tộc.

Từ đó, không chỉ tạo nên phong trào thi đua học tập trong toàn dân mà còn phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức, những người đọc thông viết thành thạo và những người kinh tế khá giả tham gia cuộc chiến chống “giặc dốt”.

Những người có nhà ở rộng rãi mở lớp học tại tư gia cho bà con láng giềng, nhiều hoà thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ làm lớp học;

Dùng cánh cửa, chiếu trải xuống đất cho học viên ngồi học...

Chỉ sau một năm hoạt động của phong trào Bình dân học vụ (từ 08/09/1945 đến 08/09/1946) đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số Việt Nam lúc đó khoảng 22 triệu người) (1).

Diệt giặc dốt, Đảng đã thức dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam ảnh 2Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

Để nâng cao trình độ dân trí và tri thức đội ngũ cán bộ các cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và nhiệm vụ kiến quốc, năm 1950, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra vô cùng ác liệt, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo Cải cách giáo dục lần thứ nhất.

Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời để từng bước hội nhập với nền giáo dục quốc tế, Đảng đã chú trọng xây dựng, phát triển nền giáo dục quốc gia thông qua cuộc Cải cách giáo dục lần thứ hai vào năm 1956.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại hội Đảng IV (năm 1976), xác định:

“... Tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước; phát triển giáo dục phổ thông; sắp xếp, từng bước mở rộng và hoàn chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; phát triển rộng rãi các trường dạy nghề” (2).

Để cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, ngày 11/1/1979 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW “về cải cách giáo dục” (Cải cách giáo dục lần thứ ba).

So với hai lần cải cách giáo dục trước, Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cải cách giáo dục lần thứ ba đảm bảo tính hệ thống và toàn diện trong đổi mới và cải cách giáo dục.

Nguyên lý cải cách giáo dục là việc học phải đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội.

Nội dung chủ yếu của công tác cải cách giáo dục lần này gồm ba mặt: cải cách cơ cấu của hệ thống giáo dục, cải cách nội dung giáo dục và cải cách phương pháp giáo dục.

Nghị quyết chỉ ra hệ thống giáo dục mới của nước ta là: “một thể thống nhất và hoàn chỉnh”.

Bao gồm: “giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và đại học; mạng lưới trường, lớp tập trung và mạng lưới trường, lớp không thoát ly sản xuất và công tác” (3).

Sự nghiệp giáo dục luôn là một trong những nội dung quan trong các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng.(Ảnh: TTXVN)
Sự nghiệp giáo dục luôn là một trong những nội dung quan trong các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng.(Ảnh: TTXVN)

Qua ba lần cải cách giáo dục, tuy còn những hạn chế do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, nhất là bị chi phối bởi mô hình giáo dục của Liên Xô (trước đây) nhưng đã tạo nên bước phát triển quan trọng của nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ trước đổi mới (trước 1986).

Bước sang thời kỳ đổi mới, sự nghiệp giáo dục luôn là một trong những nội dung quan trong các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng.

Nghị quyết Đại hội Đảng VI (năm 1986) xác định:

“Giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội.

Sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp, trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội” (4).  

Đến Nghị quyết Đại hội VII (năm 1991) nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.

Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần”.(5)

Diệt giặc dốt, Đảng đã thức dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam ảnh 4Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Đổi mới giáo dục - Xin ghi nhớ lời căn dặn của Bác Tô

Trên cơ sở quan điểm của nghị quyết Đại hội Đảng VII, ngày 14/01/1993, tại Kỳ họp thứ 4 (khoá VII), Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW “Về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.

Đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có kỳ họp riêng bàn về một số vấn đề xã hội, trong đó tập trung xem xét vấn đề giáo dục và đào tạo và ra Nghị quyết chuyên đề công tác nghiệp giáo dục và đào tạo.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khoá VII) không những chỉ ra những giải pháp cấp bách để xử lý những vấn đề nóng bỏng đối với công tác giáo dục mà còn đề ra định hướng chiến lược cho việc phát triển sự nghiệp sự nghiệp giáo dục theo cương lĩnh và chiến lược của Đảng ta đến sau năm 2000.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, xác định:

“Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy, là điều kiện cơ bản đảm bảo và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Các quan điểm trên đây tiếp tục được khẳng định và bổ sung tại các kỳ đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI của Đảng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (Khóa XI), ngày 4/11/2013, đã ban hành Nghị quyết:

“Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nội dung cơ bản của Nghị quyết là:  

“1. Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Diệt giặc dốt, Đảng đã thức dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam ảnh 5"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

2. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

3. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Học đi đôi với hành lý luận gắn với thực tiễn giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

4. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp quy luật khách quan.

Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. 

5. Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo…” (6)

Đại hội Đảng XII, xác định phương hướng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học;

Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học, công nghệ;

Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” (7).

Đồng thời, Đại hội xác định giải pháp: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân”(8).

Diệt giặc dốt, Đảng đã thức dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam ảnh 6Cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam

Trong 80 năm lãnh đạo cách mạng, tuỳ theo từng hoàn cảnh lịch sử, nội dung chỉ đạo có thể khác nhau nhưng về quan điểm, Đảng luôn luôn đề cao vai trò của sự nghiệp giáo dục đối việc nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho công cuộc chấn hưng, xây dựng, phát triển Quốc gia và đã đạt được những thành tựu nổi bật dưới đây:

“- Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

- Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới trong giới trong dục cơ bản được đảm bảo.

- Chất lượng giáo dục và đào tạo cơ bản được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Công tác quản lý giáo dục có bước phát triển tích cực.

- Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, trình độ đào tạo được nâng lên, từng bước phát triển yêu cầu giáo dục.

- Cơ sở vật chất - kỹ thuật hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng thêm và từng bước được hiện đại hoá.

- Xã hội hoá giáo dục và hợp tác quốc tế đước đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.” (9)

Để mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục của Đảng trở thành hiện thực, các cấp các ngành, nhất là cơ quan quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần phải nắm vững quan điểm, mục tiêu của Đảng, trên cơ sở đó đề ra chủ trương giải pháp sát với thực trạng của nền giáo dục nước nhà và nhu cầu của xã hội, trong đó cần tập trung vào các vấn đề:

Thứ nhất: Cơ quan quản lý cần phải bỏ hình thức chỉ đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho cơ sở đào tạo để mạnh dạn trao quyền tự chủ về mọi mặt cho các cơ sở.

Chỉ có như vậy thì mới phát huy tối đa trí tuệ, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục trong hệ thống các nhà trường.

Thứ hai: Đối với người học, Nghị quyết Trung ương 8 (Khoá XI), đã chỉ rõ: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” thì đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng cần được phát huy tính sáng tạo trong chuyển tải nội dung, nhất là phương pháp như dạy.

Nếu bắt người người dạy phải bó buộc trong chương trình chuẩn sẽ vô tình triệt tiêu tính tìm tòi, sáng tạo của người thầy.

Thứ ba: Trên cơ sơ quan điểm của Nghị quyết Trung ương 8: “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp quy luật khách quan”, cần phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt nội dung chương trình đào tạo để gắn đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Tránh thực trạng hiện nay, là các trường đại học, cao đẳng đua nhau mở rộng quy mô đào tạo, không quan tâm tới nhu cầu của các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực.

Dẫn đến tình trạng trên 250 nghìn sinh viên đại học tốt nghiệp không có việc làm nhưng đất nước lại thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao.

Thứ tư: Mạnh dạn hội nhập tiếp thu nội dung, chương trình đào tạo của các quôc gia có nền giáo dục phát triển nhằm tận dụng lợi thế của nước đi sau trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

(1) (Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh, 24/11/2013)

(2) Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam - Một số quan điểm cơ bản của Đảng về giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đổi mới Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20 tháng 12 năm 1976  Ngày 24/09/2015  

(3) Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nm - Một số quan điểm cơ bản của Đảng về giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đổi mới

(4) Tài liệu nghiên cứu Văn kiện Đại hội VI của Đảng – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 1986.

(5) Tài liệu nghiên cứu Văn kiện Đại hội VII của Đảng – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 1991

(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương lần thứ XI – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 2014

(7), (8) Tài liệu nghiên cứu Văn kiện Đại hội VII của Đảng – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia 2016.

(9) Những thành tựu của giáo dục và đào tạo Việt nam (Báo Giáo dục và Thời đại điện tử).

NGUYỄN HUY VIỆN