Để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng 'thấm sâu' vào cuộc sống

14/03/2021 08:07
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc thấm nhuần sâu sắc Nghị quyết của Đảng cũng giúp nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong những năm tới.

Ngay từ đầu năm 2021, năm khởi đầu của một nhiệm kỳ mới, Bộ Chính trị đã sớm ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chỉ thị nêu rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là công việc thường xuyên trong suốt cả nhiệm kỳ. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết.

Việc ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW là bước cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng, là: "Tập trung làm tốt việc nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống."

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Nguồn: TTXVN)

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, có giá trị định hướng toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Nghị quyết là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Tinh thần, nội dung Nghị quyết dù rất đúng và trúng, nhưng điều quan trọng là Nghị quyết phải đi vào thực tế cuộc sống, biến thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, được triển khai đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo.

Muốn vậy, trước hết phải nắm vững những quan điểm tư tưởng, nhận thức đúng và đủ các nội dung mới, cốt lõi của Nghị quyết.

Nhận thức đúng thì hành động mới đúng, các mục tiêu, nhiệm vụ mới được thực hiện hiệu quả, đáp ứng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong quá trình từ nhận thức đến hành động, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết là những bước đi đầu tiên cần làm thật tốt, mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận, quyết tâm cao trong nhân dân, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sau thành công của Đại hội XIII, điều mà cán bộ, đảng viên, nhân dân mong đợi hơn cả là Nghị quyết Đại hội, những định hướng tốt đẹp cho tương lai của đất nước sẽ sớm trở thành hiện thực.

Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết là phải thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học; phải có sự đổi mới, tránh hình thức. Đồng thời, việc này cần kết hợp thực hiện tốt cùng với các nhiệm vụ chính trị khác.

Ngay từ lúc này, các cấp ủy Đảng cần tổ chức thật tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, tuyên truyền phổ biến sâu rộng, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu sâu hơn nội hàm của Nghị quyết, tạo sự tin tưởng vào chủ trương, quyết sách của Đảng, tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Người đứng đầu cấp ủy trước hết phải là người thấm nhuần nội dung tư tưởng của Nghị quyết để truyền đạt tới cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình phụ trách.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ, thấu đáo nội dung Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần cụ thể hóa Nghị quyết vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức, nhanh chóng xây dựng chương trình hành động gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các chương trình hành động này phải có tính sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả, góp phần cải tạo hoàn cảnh, giúp cho kinh tế-xã hội địa phương, đơn vị ngày càng phát triển, người lao động có việc làm, đời sống nhân dân ngày càng khá giả.

Qua các nhiệm kỳ Đại hội cho thấy bên cạnh những cấp ủy, đơn vị, địa phương nghiêm túc quán triệt, triển khai sáng tạo Nghị quyết, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong thực tễ, cũng có những nơi bộc lộ nhiều hạn chế.

Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt Nghị quyết, có biểu hiện khoán trắng cho cơ quan tuyên giáo, hoặc ở trên làm kỹ, ở dưới làm lướt; chưa coi trọng đến việc quán triệt nhiệm vụ, giải pháp chương trình hành động.

Việc giới thiệu nghị quyết còn nặng về độc thoại, thông tin một chiều, chưa dành thời gian thỏa đáng để trao đổi, đối thoại, giải đáp những vấn đề mới và khó, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Công tác tổ chức, quản lý học tập nghị quyết chưa chặt chẽ, còn tình trạng triển khai qua loa, chiếu lệ, hình thức… Những tồn tại, hạn chế đó đã làm chậm, làm giảm kết quả việc triển khai Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.

Theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị, việc "ngấm" Nghị quyết của Đảng sẽ góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đồng thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm "lấy xây làm chính", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực," củng cố niềm tin trong nhân dân.

Việc thấm nhuần sâu sắc Nghị quyết của Đảng cũng giúp nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong những năm tới, tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo TTXVN