Đấu tranh phòng chống tham nhũng trên tinh thần không dừng, không chùng xuống

07/01/2020 10:41
Nhật Minh
(GDVN) - Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, lĩnh vực công thương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, có nhiều thay đổi.

Ngày 6/1, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo chỉ rõ: Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết, trên tinh thần “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt” đã và đang được chỉ đạo xử lý nghiêm, song chuyển biến còn chậm.

Riêng với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho rằng, đây là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, lĩnh vực công thương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã xảy ra không ít sự việc ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, uy tín của ngành công thương, nhất là tình trạng một số dự án lớn bị thua lỗ, kém hiệu quả, hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

“Qua cuộc kiểm tra lần trước, Đoàn kiểm tra và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thống nhất nhận diện nhiều hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng của Bộ, phân tích rõ nguyên nhân. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã có kiến nghị 10 điểm rất cụ thể đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông qua việc kiểm tra lần này, Đoàn kiểm tra tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện, kết quả công tác phòng chống tham nhũng, nhất là phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân.

Từ đó, có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung.

Nhật Minh