Đầu năm bàn chuyện “bình trị dĩ nhân tài vi bản”

06/01/2021 12:09
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: "Khi nào chúng ta còn dựa nhiều vào hình thức, định tính thì vẫn còn chuyện chọn nhân sự không chính xác, gây ra hệ lụy lâu dài".

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhân dân cả nước đang mong chờ sẽ tìm được những cán bộ có đức, đủ tài để kế tục thành quả đã đạt được, đưa đất nước tiếp tục hướng đến sự phồn thịnh và phát triển.

Nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những trăn trở trong tuyển chọn cán bộ cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, ngăn chặn những kẻ cơ hội.

Một số ý kiến cho rằng, quy hoạch cán bộ hiện nay vẫn có thể bỏ lỡ hiền tài, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Theo tôi, công tác quy hoạch cán bộ hiện nay của chúng ta tại cả tích cực và hạn chế. Tích cực là không bị động trong công tác nhân sự bằng cách tạo ra nguồn dồi dào, phong phú để có thể thay thế bất cứ lúc nào. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, quy trình lựa chọn, sàng lọc nhân sự đưa vào nguồn vẫn nặng về hình thức, chưa thật sự dựa vào thực chứng.

Công tác quy hoạch là làm những nhóm nhỏ có quyền lực rồi ra nhóm lớn. Đầu tiên là thủ trưởng đưa ra sau đó là đến nhóm phó thủ trưởng, cán bộ chủ chốt, rồi cuối cùng mới tới tập thể rộng hơn…Làm như vậy, tưởng như quy trình chặt chẽ nhưng nếu họ dùng thủ đoạn hợp pháp hóa quy trình thì sẽ tạo nên kết quả gian lận, giả dối.

Có một ví dụ rất điển hình, dư luận từng đặt ra việc vị Bí thư Tỉnh ủy bảo rằng ông ta không đưa người nhà vào vị trí có chức quyền mà đó là tổ chức đưa ra khách quan, bỏ phiếu rất đúng quy trình, đủ phiếu tín nhiệm, chứ không dùng quyền lực móc nối.

Nhưng ngược lại, chúng ta đặt câu hỏi, nếu ông không phải là Bí thư Tỉnh ủy liệu người nhà ông có được đưa vào các vị trí ấy? Như vậy thì quy hoạch cán bộ liệu đã chọn đúng người chưa?

Vì vậy, tôi cho rằng phải thay đổi, đưa ra các tiêu chí định lượng để tuyển chọn, tổ chức thi tuyển công khai thông qua chất vấn, đề án, thuyết trình... như thế sẽ có căn cứ xác đáng chọn được người tài, có đức.

Tôi đã từng được quy hoạch cũng như xét duyệt quy hoạch nên tôi biết, quy trình tưởng chừng khó khăn, hai lên, ba xuống, qua nhiều bước nhưng rồi thì người ta vẫn có kiểu để “chui lọt” được.

Quy trình dựa vào hình thức, nhất là biểu quyết tín nhiệm thì có thể được thông qua, mặc cả được, thế nên nếu đưa ra đánh giá các tiêu chí bằng thực chứng thì sẽ loại bỏ được yếu tố cảm tính, vun vén vì lợi ích cá nhân, bè phái.

Trở lại câu chuyện về nhân sự phải làm tốt quy hoạch, sau đó đến các bước lựa chọn khác để bầu cử, đề cử hay phê chuẩn đều phải làm chặt chẽ dựa vào thực chứng, có như thế chúng ta mới lựa chọn được người tài đích thực.

Khi nào mà chúng ta còn dựa nhiều vào hình thức, định tính thì vẫn còn nhân sự được lựa chọn không chính xác, gây ra hệ lụy lâu dài sau này.

Nhân chuyện ông vừa nói tới những hệ lụy nếu chọn sai cán bộ, nhìn lại mấy năm vừa qua đã có hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí có người phải chịu án tù. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc kiểm soát quyền lực còn lỏng, hay do sự “biến chất” của chính những cán bộ ấy?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Nói về sai phạm của cán bộ thì trước hết phải đề cập tới đạo đức, nhiều đồng chí giữ các vị trí lãnh đạo rất cao, quyền lực lớn nhưng có mắc sai phạm đâu. Vì sao? Vì mỗi việc làm, hành động của các đồng chí đều thực sự nghĩ cho dân, cho nước, không đưa quyền lợi cá nhân cài cắm vào đó.

Thế nhưng trên thực tế không phải đồng chí nào cũng giữ gìn được như vậy, cho nên mới phải luôn chú trọng kiểm soát quyền lực. Một người có thể trước đây tốt nhưng sau này có quyền lực trở nên xấu, đó là do tu dưỡng về đức hạnh. Mà đức hạnh hình thành trong quá trình sinh trưởng của con người, nhất thời khó mà phát hiện ra được.

Sinh thời, Bác Hồ phát hiện ra phẩm chất của cán bộ thông qua ba phương pháp lựa chọn người tài:

Thứ nhất, hỏi bạn bè xem người đó có thực sự học giỏi, tài năng không? Nếu họ thừa nhận người đó giỏi thì người đó có tài.

Thứ hai, hỏi làng xóm xem người đó có hiếu với bố mẹ không? Kính trên nhường dưới với anh em không? Sống có đức hạnh không? Nếu từ bé có phẩm chất đấy làm gốc con người sẽ không thay đổi. Sau này làm quan, đến chức vụ cao nhất, chắc chắn biết yêu thương đồng chí, đồng bào, biết đề cao việc công và các phẩm hạnh người ta kiểm soát được.

Thứ ba, trực tiếp vấn đáp, giao trọng trách, đúng người, đúng việc.

Phương pháp của Bác Hồ nghe thì tưởng đơn giản nhưng phải minh triết như Người mới nhìn thấu được. Nhưng đó là cả một nguyên tắc, nguyên lí cho việc lựa chọn cán bộ. Cả ba phương pháp trên đều dựa vào thực chứng, thực tế.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Nếu chúng ta xử được một vụ án điển hình ăn tiền để đưa nhân sự vào bộ máy thì đó là một tấm gương cho những người dám bước qua quy định pháp luật, đưa những kẻ phẩm chất không xứng đáng vào bộ máy chui sâu, leo cao. Ảnh: Cao Kim Anh.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Nếu chúng ta xử được một vụ án điển hình ăn tiền để đưa nhân sự vào bộ máy thì đó là một tấm gương cho những người dám bước qua quy định pháp luật, đưa những kẻ phẩm chất không xứng đáng vào bộ máy chui sâu, leo cao. Ảnh: Cao Kim Anh.

Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói là phải làm sao để người ta không dám, không thể và không muốn tham nhũng. Đó là cơ chế ngăn chặn sự lộng hành, lộng quyền dẫn tới tham nhũng.

Không muốn, có nghĩa là để cho họ không còn thèm khát nữa. Như vậy thì những người giữ vị trí lãnh đạo phải được đãi ngộ xứng đáng để họ yên tâm cống hiến. Họ có chế độ cao hơn, nhưng cũng phải làm ra những sản phẩm lớn hơn cho nhân dân, đất nước.

Đây là bài toán về ngân sách, muốn như thế phải tinh giản bộ máy, vẫn là vị trí đấy nhưng tiết giảm con người, ứng dụng công nghệ khoa học 4.0 vào quản lý. Đề cao trách nhiệm, nhân sự không còn thời gian la cà, chỉ chú tâm vào công việc thì chất lượng quản lý, hiệu quả công việc nâng cao lên và sẽ giảm được chi phí. Những chi phí tiết giảm được sẽ dành để nâng chi phí cho cán bộ ưu tú làm việc.

Không dám, tức là đặt ra một loạt tiêu chí về tiêu chuẩn cán bộ ở vị trí đấy. Phải đưa ra những tiêu chí để những con người “tài hèn, sức mọn” cảm thấy không thể đảm đương được thì không nhận nhiệm vụ.

Nếu “cố đấm ăn xôi”, mua phiếu tín nhiệm lên nắm quyền lực thì có ngày bị tống giam vào tù, thậm chí bị tử hình. Những hình phạt mang tính răn đe nặng, ảnh hưởng đến toàn uy tín của gia đình, nhìn vào sẽ không dám làm nếu không đủ tài đức. Nếu cán bộ cố tính bước qua rào chắn đó, chiếm đoạt chức vụ thì lưỡi hái pháp luật sẽ rơi vào đầu họ.

Thực tế đến nay chưa có một vụ án nào để xử quan chức lộng quyền trong việc đưa nhân sự giả dối vào bộ máy. Nếu chúng ta xử được một vụ án điển hình ăn tiền để đưa nhân sự vào bộ máy thì đó là một tấm gương cho những người dám bước qua quy định pháp luật, đưa những kẻ phẩm chất không xứng đáng vào bộ máy chui sâu, leo cao.

Không thể là một dạng của không dám khi mà đưa ra những rào cản của pháp luật chặt chẽ, ngăn chặn. Chúng ta phải đưa ra các tiêu chí để nếu những người nếu không đủ tài, đủ đức thì sẽ không thể tiếp tục được công việc.

Ngay ở Quốc hội, khi xem xét việc đưa vào chương trình luật, pháp lệnh cũng phải xem cho kĩ từng đạo luật, có nhu cầu thực sự cần thiết trong quản lý đất nước hay không? Sau này đạo luật đó được ban hành hay không thì đều phải xem xét trách nhiệm của người khởi xướng, động cơ, mục đích gì, vì công hay vì tư.

Tóm lại, từ việc chọn người cho đến việc quyết định chính sách đều phải gắn với trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm cá nhân đó có thể là trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn hoặc trách nhiệm đó cũng có thể gắn với cá nhân ở trong tập thể có quyền lực.

Kiểm soát quyền lực cần rộng hơn, đó là kiểm soát sự phân công quyền lực của các nhánh quyền lực. Chúng ta lựa chọn thể chế một Đảng, không chấp nhận đa Đảng thì phải học hỏi những tinh hoa đã được kiểm chứng để lựa chọn những đặc điểm phù hợp với thể chế đất nước.

Chúng ta đang ở giai đoạn luật pháp có những luật khung, luật ống, quy định chưa cụ thể nên có thể dẫn tới sự bê trễ trong thể chế, là một yếu tố dẫn đến sự lạm quyền và làm trái pháp luật.

Muốn khắc phục được thì suy cho cùng vẫn phải tập trung vào vấn đề con người. Đừng vì số lượng mà phải vì chất lượng thì luật pháp mới chuẩn xác, đi vào cuộc sống và bổn phận của hành pháp, tư pháp là chỉ chấp hành luật thôi. Còn nếu luật mà vẫn cứ có nhiều lỗ hổng phải ban hành nhiều sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thì vẫn có thể sinh ra những kẽ hở bị lợi dụng.

Chung quy lại, việc lựa chọn con người quyết định hết việc kiểm soát quyền lực. Phải chọn lựa được những người có tài năng, có đức hạnh, có tầm nhìn quyết định cơ chế bằng những kinh nghiệm thực chứng, thực tế, lúc đó quyền lực mới trao đúng người, được kiểm soát, mạng lưới cán bộ được nâng tầm. Cốt lõi xây dựng nhà nước mà vững chãi, đất nước mới được phồn thịnh.

Vậy theo ông cần làm gì để tuyển mộ được nhiều cán bộ có tài, có đức trong nhiệm kỳ sắp tới?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Tôi nhấn mạnh lại là khi chúng ta dựa nhiều vào tiêu chí hình thức thì vẫn còn chuyện chọn nhân sự không chính xác, không thực tài. Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta phải thay đổi nhận thức về dùng người, về lựa chọn nhân tài mà tôi nhắc đi nhắc lại là phải dựa vào thực chứng.

Hiện nay tại các doanh nghiệp đã có chỉ số KPI đánh giá năng lực của nhân sự. Tùy theo nhu cầu mà từng doanh nghiệp đặt ra các loại chỉ số khác nhau như: Chấp hành thời gian làm việc, sáng tạo, sản phẩm đầu ra, giao tiếp, làm việc nhóm… Những chỉ số đó rất minh bạch và nhìn được ngay nếu có sự gian lận. Tôi cho rằng, đánh giá năng lực của cán bộ cũng phải như vậy.

Tôi từng nói trong Quốc hội có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu gì ở nghị trường. Có vị phát biểu nhưng thực chất thì rỗng tuếch, không có gì là sản phẩm trí tuệ cả. Thế thì đại biểu ấy được đánh giá như thế nào, chất lượng ra sao?

Nếu một vị Bộ trưởng không đưa ra được khởi xướng chính sách ngay từ lúc đề cử Bộ trưởng, đến lúc được bổ nhiệm rồi mà vẫn không đưa ra được giải pháp để thực thi, đùn đẩy trách nhiệm, không khắc phục được lỗi của người tiền nhiệm... Chỉ cần tối đa hai năm là nhận ra được thôi và đã nhận ra thì phải thay thế.

Một vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh cũng vậy, nếu không đưa ra được lựa chọn về mặt chủ trương để lãnh đạo chính quyền, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ngồi im để lấy phiếu thì làm sao chọn được người tài?

Trong khi đó, nếu chúng ta ứng dụng thực chứng, một lãnh đạo trước khi được chỉ định, bổ nhiệm, phải đưa ra được chương trình hành động, cam kết để Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng Nhân dân, lớn hơn là Quốc hội xem xét.

Càng rộng thì cách nhìn càng khách quan, đánh giá xem việc đưa ra có căn cứ, cơ sở, thuyết phục hay không, phù hợp với nhu cầu thực tiễn đang đòi hỏi hay không?

Xem xét xong rồi có thể phê chuẩn, có thể bầu cử, có thể bổ nhiệm. Người đó phải cam kết, 6 tháng, 1 năm, 3 năm, 5 năm làm được việc gì. Thực chất đây là một khế ước giữa người tài với người trọng dụng nhân tài. Vi phạm là bị xử lý! Như thế là sòng phẳng, tạo sân chơi cho người tài xuất hiện.

Còn nếu lựa chọn trong phòng kín, bỏ phiếu dưới gầm bàn, mua tước bán quan, nhồi nhét bằng cấp độn vào để biến quạ thành công thì chắc chắn chúng ta để mất nhiều người tài. Mà không chọn được người tài có nghĩa tinh thần trụ cột “bình trị dĩ nhân tài vi bản” không được làm đúng. Điều này sẽ dẫn đến hai hậu quả:

Thứ nhất, không vạch ra đường lối chủ trương, chính sách pháp luật đúng đắn của nhà nước, xã hội để phát triển.

Thứ hai, người không có trí tuệ, không có tầm nhìn và phẩm chất, phẩm hạnh, thì lòng tham của họ sẽ không thể kiểm soát.

Đó chính là tệ nạn tham nhũng mọc lên từ hoạch định chính sách, từ ban hành pháp luật, từ tổ chức nhân sự. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu việc công mà lại bị lợi dụng để phục vụ mưu đồ cho lợi ích nhóm, phục vụ cho mưu đồ cá nhân?

Cho nên phải bằng mọi biện pháp dẹp cho được nạn tham nhũng – một loại giặc nội xâm đang cấu kết, liên kết lợi ích nhóm hủy hoại thành quả xây dựng đất nước. Tôi mong sẽ có giải pháp đột phá vào công tác nhân sự, từ đó mới bàn được những vấn đề khác của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Kim Anh