Đào tạo đại học tràn lan, nhiều cử nhân đi xin việc không dám đưa bằng đại học

17/10/2021 06:45
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bà Nguyễn Thị Khá chia sẻ: “Một số em học đại học nhưng khi đi xin việc không dám đưa cái bằng đại học ra vì nhu cầu đó thực chất chỉ cần bằng nghề”.

Chạy theo “thị hiếu” thị trường nhưng phải đảm bảo chất lượng

Liên quan đến vấn đề các cơ sở giáo dục đại học hiện nay tuyển sinh, đào tạo không tập trung vào các ngành trọng điểm, thế mạnh mà chú trọng chạy theo “thị hiếu” của thị trường lao động một cách ồ ạt không đảm bảo đầu ra, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII cho biết: “Đây là một vấn đề rất rộng và cần hiểu được từ gốc rễ thì mới có thể giải quyết được. Nó không chỉ nằm ở quy trình đào tạo mà còn là cách tiếp nhận, tuyển sinh của các cơ sở, tổ chức. Có những cơ sở giáo dục ngay khâu tiếp nhận đầu vào đã không đúng”.

Theo bà Nguyễn Thị Khá, muốn giải quyết bài toán tổng thể thì các trường tuyển sinh hàng năm cần xây dựng kế hoạch đào tạo dựa trên cơ sở kế hoạch của các bộ, ngành. Chúng ta không chỉ đào tạo trong nước mà còn gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo. Vì vậy phải có kế hoạch, kinh tế xã hội dự kiến, định hướng như thế nào thì cần phải đào tạo đón đầu xu hướng, đào tạo phải có tầm nhìn.

Bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Một trong những điều bà Nguyễn Thị Khá xem là yếu tố quyết định chính là ý chí của người học. Người học phải có phấn đấu, hướng thay đổi tích cực, toàn diện.

“Người học cần phải có sức khỏe, có đạo đức, có thực hành, nghiên cứu chứ không phải chỉ lý thuyết suông.

Ngay như việc trong thời gian tạm dừng đến trường do dịch bệnh, một số cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp dạy thực hành trực tuyến thì chắc chắn chất lượng không được đảm bảo. Chúng ta bắt buộc phải có những phương án dạy bù, dạy lại cho sinh viên sau khi các em trở lại trường.

Thực hành thực tế là kỹ năng cần thiết mà sinh viên cần được trang bị khi kết thúc khóa học. Nếu như trang bị tốt thì ngay cả bản thân người học cũng có nhiều cơ hội đến với mình. Thậm chí còn có những cơ hội làm việc tại nước ngoài. Ví như việc xuất khẩu lao động, người nào ưu tú, làm việc hiệu quả thì chất lượng, thành quả công việc cũng sẽ khác”, bà Khá nói.

Như vậy, ở đây, chúng ta thấy một vòng tròn kết nối với nhau giữa người học, nhà trường và xã hội. Theo bà Khá, để vòng tròn này phát huy được hết hiệu quả, quá trình đào tạo có chất lượng thì cần phải có quy trình “thật”. Chữ “thật” phải được xuyên suốt từ người dạy đến người học và sự tiếp nhận của xã hội về người tài.

Bà Nguyễn Thị Khá cho hay: “Các cơ quan, bộ ngành được phân công về công tác giáo dục, đào tạo thì cần có giám sát, kiểm tra và phải có định hướng, kế hoạch dài hơi trong cho tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở đào tạo thì phải dạy cho chính quy, dạy ra dạy, không chỉ dạy chữ mà phải dạy người nữa. Đừng chỉ nghĩ dạy học là kinh doanh, dạy đại khái, lấy học phí của sinh viên. Như vậy là sẽ không đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Sinh viên đi học phải xác định học thật, phải thúc đẩy được lòng tự giác về học tập, tránh ỷ lại, có suy nghĩ nộp tiền cho thầy cô đủ là xong, như vậy vừa tốn kém chi phí, vừa tốn thời gian mà sau khi tốt nghiệp vào thị trường lao động hiện nay sẽ sớm muộn bị đào thải”.

Bà Nguyễn Thị Khá cho rằng, việc đào tạo các ngành mới để phù hợp với thị trường lao động ngày càng thay đổi thì không sai. Tuy nhiên, đào tạo cần có kế hoạch, có chất lượng chứ nếu cứ tập trung vào số lượng mà không chú trọng chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, làm trái ngành, trái nghề, đào tạo mang tính hình thức mà hiệu quả không cao.

“Đào tạo là cung ứng nhân lực cho xã hội và quyết định tương lai của đất nước. Hiện nay, khi có quyết định cho lập trường, mở ngành thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra cơ sở đó đủ tiêu chuẩn, điều kiện để lập trường, lập ngành mới không? Đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở con người. Sau đó phải xem chương trình đào tạo như thế nào? Ở đây chính là vấn đề kiểm tra, giám sát phải được thực hiện một cách nghiêm túc, vô cùng quan trọng”, bà Khá nhấn mạnh.

“Đừng đào tạo cái mình có, phải đào tạo cái người ta cần”

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Khá, khi nói về thực trạng đào tạo tại một số cơ sở giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp của nước ta hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Khá, con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và tư tưởng này xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Con người thì phải luôn đảm bảo hai thứ. Thứ nhất là sức khỏe, thứ hai là kiến thức. Kiến thức là nói chung trong đó có trình độ, nghề nghiệp… Nếu đào tạo nhân lực không có chất lượng thì không đáp ứng được nhu cầu của xã hội về mặt kiến thức.

Bà Nguyễn Thị Khá chia sẻ, “Tôi nghe và rất tâm đắc một câu nói: người dốt ở thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết. Mà là người không học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại".

Thế giới đang chuyển động không ngừng nếu chúng ta tiếp tục vẫn giữ nếp cũ, tức là đào tạo có số lượng mà không có chất lượng thì sẽ bị giậm chân tại chỗ. Mà người ta chuyển động không ngừng, mình đứng yên thì mình trở nên lỗi thời.

Đã đào tạo thì phải có chất lượng có tay nghề và có thể áp dụng. Ví dụ, nếu sản xuất một mặt hàng với số lượng ít được 5-7 cái nhưng thật chất lượng, thật đẹp, tinh xảo thì sẽ phù hợp với thị trường đang cần hơn là sản xuất tràn lan, cẩu thả, lỗi thời thì không thể đưa lại hiệu quả cao. Cho nên đào tạo phải là những gì xã hội đang cần, không phải đào tạo những gì ta đang có”.

Bà Khá kể, trước đây, có lần đi tiếp xúc cử tri, có rất nhiều người đề cập đến việc đào tạo không đúng chất lượng. Một số em học đại học nhưng khi đi xin việc không dám đưa cái bằng đại học ra vì nhu cầu đó thực chất chỉ cần bằng nghề. Trong khi học đại học trái ngành nên không đúng chuyên môn của nghề đang tuyển dụng. Cuối cùng phải lao động chân tay, một tấm bằng đại học đào tạo không chất lượng chỉ để cất đi.

“Chất lượng rất quan trọng. Nếu 10 người làm chỉ bằng 5 người làm, thì sẽ lựa chọn 5 người làm mà được lãnh lương của 10 người. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí nhân công, làm việc hiệu quả và nâng cao đời sống xã hội”, bà Khá nói.

Theo bà Nguyễn Thị Khá, những người yếu kém, không có kiến thức nếu được đặt vào một vị trí quan trọng thì vừa không đủ tài năng cáng đáng công việc, lại vừa tạo ra những lỗ hổng để tham nhũng quyền lực, vật chất.

Bà Nguyễn Thị Khá nhận định: “Người giỏi, người tốt thì họ chứng minh bằng khả năng, đồng tiền họ thu được từ công sức lao động chính đáng. Người không làm được việc thì luôn suy nghĩ vòi chỗ này, tham chỗ kia, sinh ra thói hư, tật xấu, lạm quyền, lạm chức để tham nhũng. Việc đào tạo phải có đủ chất lượng về cả kiến thức lẫn kỹ năng. Khi đó, nhân sự cung ứng cho xã hội có thể áp dụng kiến thức chuyên môn vào công việc đúng ngành nghề cũng như có kỹ năng để tránh những cám dỗ khi thực hiện công việc trong tương lai”.

Cao Kim Anh