Dân giao bờ xôi ruộng mật xây Đại học Hoa Lư, xót xa đất bỏ hoang cả thập kỷ

05/08/2020 06:54
Phạm Tiến Quân-Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Dự án khởi công lúc con tôi học lớp 8. Giờ cháu đi lấy chồng, trường vẫn là công trình thô chưa lên áo”, một người dân xã Ninh Nhất nói về dự án Đại học Hoa Lư.

Một thập kỷ ngóng chờ

Giữa trưa nắng như đổ lửa trong ngày hè, khối nhà cao hơn 10 tầng đã bị bỏ hoang gần 10 năm nay (thuộc dự án Đại học Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) trở thành nơi tránh nóng lý tưởng cho vài người dân lao động và cả những chú bò béo núc ních sau cả sáng tha thẩn gặm cỏ trong khu đất rộng 15ha thuộc dự án.

Một vài người trong số họ là người dân xã Ninh Nhất ( tỉnh Ninh Bình).

Dãy nhà hiệu bộ 9 tầng là công trình “hoàn thiện nhất” trong khu khuôn viên dự án Đại học Hoa Lư. Ảnh: Tiến Quân

Dãy nhà hiệu bộ 9 tầng là công trình “hoàn thiện nhất” trong khu khuôn viên dự án Đại học Hoa Lư. Ảnh: Tiến Quân

Cách đây hơn chục năm, khi nghe tin một dự án lớn về giáo dục được triển khai trên địa bàn xã, nhân dân Ninh Nhất hồ hởi, phấn khởi phối hợp cùng chính quyền địa phương bàn giao đất, giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng công trình phục vụ cho những thế hệ tương lai của đất nước.

Thế nhưng, đã gần một thập kỷ trôi, những thửa đất “bờ xôi ruộng mật” mà bao đời người dân canh tác đã trở nên hoang hóa, nhường chỗ cho đám cỏ voi, cây dại… và cả rác thải.

“Đến là xót xa, trước đây đất này màu mỡ lắm, canh tác tốt. Hưởng ứng chủ trương của tỉnh, chúng tôi bàn giao đất để xây trường học, vì tương lai con em trong tỉnh.Vậy mà trường đâu chẳng thấy, giờ như nhà hoang, lãng phí vô cùng …”, một người dân chia sẻ.

Chỉ tay và hướng tầm mắt sang một khu đất có một dãy tòa nhà cơ bản đã hoàn thiện, một người dân khác cho biết đó là khu vực ký túc xá tập trung, cũng đã bỏ hoang gần 7 năm nay.

“Người ta toàn đổ trộm đất đá phế thải, rồi vào đó phóng uế. Khu vực này lại không có tường bao bảo vệ, ra vào thoải mái nên chúng tôi rất lo ngại mất an ninh trật tự”.

Cách trung tâm thành phố Ninh Bình 4km, xã Ninh Nhất nằm trong phạm vi ranh giới Quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Dự án Đại học Hoa Lư hoang hóa, dang dở nằm “sát vách” di sản như vậy, sẽ là điểm nhấn không tốt nếu vô tình lọt vào góc nhìn của những hành khách du lịch.

“Năm khởi công, con tôi mới học lớp 8, thấy trường to, rộng, gần nhà, nên cũng dự định nếu trường xây xong sớm sẽ cho cháu thi và học tập tại địa phương cho gần gũi. Giờ cháu đi lấy chồng rồi, trường vẫn chỉ là công trình thô chưa lên áo”, một người dân đề nghị giấu tên chép miệng than thở.

Đúng lúc ấy, một cơn gió Nam bât chợt thổi qua, phả đầy mùi của những chú bò hôi hám đang vắt đuôi đuổi ruồi trong dãy nhà chức năng còn trơ cọc sắt, khiến những người dân không khỏi khịt mũi.

Khu nhà chức năng thành nơi cho bò tránh nắng. Ảnh: Cao Kim Anh

Khu nhà chức năng thành nơi cho bò tránh nắng. Ảnh: Cao Kim Anh

Trước thực trạng hoang hóa của dự án đại học Hoa Lư, ông Đặng Tất Đạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Nhất cho biết, đây là dự án cấp có thẩm quyền phê duyệt, những vấn đề xảy ra với dự án đều nằm trong khuôn viên của dự án, nên xã không có trách nhiệm quản lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án trường Đại học Hoa Lư được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư vào năm 2010 với diện tích 15 ha, có tổng mức đầu tư 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia (1). Đây là một trong các dự án đầu tư phát triển trọng điểm của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020.

Dự án do trường Đại học Hoa Lư làm chủ đầu tư và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn xây dựng Thống Nhất làm đơn vị thi công.

Dự án gồm hai khu nhà 5 tầng làm phòng học, một dãy nhà hiệu bộ 9 tầng. Công trình trường đại học này bắt đầu khởi công vào năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 5 năm.

Tuy nhiên cho đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành được một số hạng mục như phần thô của nhà điều hành 9 tầng, tường bao, móng 2 dãy phòng học và một số hạng mục phụ trợ.

Đại học Hoa Lư hiện tại nằm ở thôn Kỳ Vĩ, xã Ninh Nhất vẫn đang đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Ảnh: Tiến Quân

Đại học Hoa Lư hiện tại nằm ở thôn Kỳ Vĩ, xã Ninh Nhất vẫn đang đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Ảnh: Tiến Quân

Trường Đại học Hoa Lư hiện tại có sử dụng hết cơ sở vật chất?

Trường Đại học Hoa Lư hiện tại nằm ở thôn Kỳ Vĩ, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, cách công trình xây dựng dự án Đại học Hoa Lư mở rộng chỉ vài trăm mét.

Theo số liệu thống kê vào cuối tháng 10/2019, trường hiện có 267 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong đó biên chế sự nghiệp là 223 người; gồm 48 cán bộ, quản lý; 148 giảng viên; 27 chuyên viên và nhân viên.

Về trình độ, có 14 Tiến sĩ, 166 Thạc sĩ; 1 cử nhân và 17 cao cấp lý luận chính trị; gần 100% cán bộ, giảng viên có trình độ tin học, ngoại ngữ đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính.... Hiện trường có 6 phòng chức năng, 3 trung tâm, 7 khoa chuyên môn và 2 bộ môn.

Ngày 09/03/2020, Tiến sĩ Vũ Văn Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư cho biết trên báo Ninh Bình: “Về cơ sở vật chất, hiện tương đối đầy đủ, phù hợp với nhu cầu đào tạo các ngành, nghề hiện có và giáo dục bậc Trung học phổ thông đã được phê duyệt, với 67 phòng học, 20 phòng thực hành, thí nghiệm, giảng đường, nhà đa năng, thư viện, ký túc xá cao tầng, sân chơi, bãi tập cho sinh viên, khu khám, chữa bệnh cho cán bộ, viên chức và sinh viên... cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo với quy mô từ 2.000 đến 3.000 sinh viên”. (2)

Thế những trước đó, trong buổi làm việc với ông Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vào ngày 25/10/2019, lãnh đạo đại học Hoa Lư cho biết, mặc dù trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh 34 ngành đào tạo, trong đó có 13 ngành trình độ đại học và 21 ngành trình độ cao đẳng.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, nhà trường tuyển sinh chủ yếu 13 ngành đào tạo trình độ đại học và 5 ngành trình độ cao đẳng.

Đặc biệt, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường gặp khó khăn, không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Một số ngành đào tạo không tuyển sinh được, như: Giáo dục chính trị, các ngành sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ Văn..., quy mô đào tạo giảm dần, một số giảng viên không đủ giờ dạy hoặc không có giờ dạy... (3)

Trong mấy năm gần đây, Đại học Hoa Lư đặt chỉ tiêu tuyển sinh 800 sinh viên/năm. Nhưng số lượng sinh viên tuyển được chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu, tương ứng 300-400 sinh viên/năm.

Cụ thể, gần đây nhất, trong năm học 2019-2020, tổng số lượng sinh viên của toàn trường 2020 là 831 sinh viên ở tất cả các hệ (hệ trung cấp không có sinh viên nào).

Vậy, nếu dự án trường Đại học Hoa Lư tiếp tục triển khai xong liệu cơ sở vật chất có được sử dụng hết và phát huy hiệu quả?

Trường Đại học Hoa Lư tiền thân là Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Bình được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 9/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trường trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về cơ sở vật chất hiện tại, trường đại học Hoa Lư nằm trên tổng diện tích đất sở hữu 57.000m2 với đầy đủ các phòng ban, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Khu kí túc xá Đại học Hoa Lư gồm 2 khu kí túc xá số 1 và kí túc xá số 2 nằm trong khuôn viên của Đại học Hoa Lư với tổng số 108 phòng.

Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra quyết định đầu tư dự án trường Đại học Hoa Lư với số vốn từ ngân sách Trung ương, trên diện tích 15ha trị giá hơn 400 tỷ đồng, do Trường Đại học Hoa Lư làm chủ đầu tư.

Công trình dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng đầu năm 2016. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, dự án vẫn “bốn bề cỏ dại”.

Tài liệu tham khảo:

1/ http://daidoanket.vn/kinh-te/du-an-dai-hoc-hoa-lu-ninh-binh-bo-hoang-cong-trinh-nghin-ty-tintuc369219

2/ https://baoninhbinh.org.vn/truong-dai-hoc-hoa-lu-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-dao-tao

3/ https://baoninhbinh.org.vn/ubnd-tinh-lam-viec-voi-truong-dai-hoc-hoa-lu

Phạm Tiến Quân-Cao Kim Anh