Đại biểu Quốc hội nhờ điểm danh hộ thì xử lý thế nào?

18/08/2015 18:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Văn Giàu: "Trường hợp để quên thẻ khi bật lên hệ thống tự điểm danh hoặc đại biểu nhờ người khác cắm thẻ điểm danh thì xử lý thế nào?".

Chiều 18/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đây là nội dung được rất nhiều cử tri quan tâm, bởi trong những kỳ họp gần đây đã xảy ra khá nhiều chuyện đáng tiếc liên quan tới Đại biểu Quốc hội như “bấm nút hộ” hoặc vắng mặt khá nhiều trong các phiên họp tại hội trường (nhưng lại được giải thích là do kiêm nhiệm những vị trí lãnh đạo nên có những thời điểm buộc phải vắng mặt).

“Đại biểu của dân mà lúc họp thấy hội trường vắng hoe”

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhận định, dự thảo nội quy kỳ họp chưa đề cao được trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

“Đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe. Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm vẫn dự họp không thường xuyên. Do đó quy định này cần chặt chẽ hơn”, ông Giàu đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trách nhiệm nếu Đại biểu Quốc hội nhờ điểm danh. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trách nhiệm nếu Đại biểu Quốc hội nhờ điểm danh. ảnh: Ngọc Quang.

Dự thảo cũng quy định việc điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử. Đại biểu Quốc hội không điểm danh thay Đại biểu Quốc hội khác. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng nội dung này chưa thể hiện cụ thể hơn, vì chưa đặt ra vấn đề xử lý vi phạm.

Ông Giàu nói thẳng: “Trường hợp để quên thẻ khi bật lên hệ thống tự điểm danh hoặc đại biểu nhờ người khác cắm thẻ điểm danh thì xử lý thế nào? Do đó cần có chế tài chặt chẽ hơn”.

Đại biểu Quốc hội nhờ điểm danh hộ thì xử lý thế nào? ảnh 2

Tướng Thước: "Đại biểu Quốc hội không thể là nghị diễn, nghị gật"

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã xảy ra chuyện Đại biểu Quốc hội “bấm nút hộ”, lãnh đạo Quốc hội đã biết và lên tiếng rất gay gắt.

Tuy nhiên, tới kỳ họp thứ 9 vừa qua, câu chuyện “bấm nút hộ” tiếp tục lặp lại.

Điển hình là khi Quốc hội biểu quyết một số dự án luật vào ngày 25/6 thì số lượng đại biểu tham dự trồi sụt rất thất thường. Thậm chí có những thời điểm biểu quyết chỉ cách nhau 2 phút nhưng có tới 13 Đại biểu Quốc hội bỗng dưng “biến mất”.

Vấn đề này đã được đặt ra ở buổi họp báo kết thúc kỳ họp và ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tỏ ra rất ngạc nhiên: “Tôi cũng chẳng biết làm sao con số lại thay đổi như thế, vì chúng tôi đã phát thẻ cho Đại biểu rồi. Nếu không có thẻ thì không biểu quyết được. Tôi cũng không biết tại sao lại có chuyện này. Còn về nội quy thì không ai được biểu quyết thay”. 

“Đại biểu Quốc hội phát biểu lan man, có lẽ do bầu nhầm?”

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, có ý kiến đề nghị nội quy bổ sung quy định các phiên họp toàn thể của Quốc hội tại hội trường chỉ tiến hành khi có ít nhất 2/3 số đại biểu tham dự.

Quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, tăng cường kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tham dự đầy đủ kỳ họp của đại biểu Quốc hội, khắc phục tình trạng vắng số lượng lớn đại biểu Quốc hội trong nhiều phiên họp toàn thể.

Dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội:

Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội. 

Đồng thời, quy định trên cũng tạo điều kiện để thực hiện khả thi hơn quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội về nguyên tắc xác định kết quả biểu quyết tại kỳ họp. Về nguyên tắc, khi không quy định tỷ lệ bắt buộc này, Quốc hội phải tiến hành phiên họp trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp số đại biểu dự họp chỉ có từ 50% trở xuống khi đó Quốc hội sẽ không thể tiến hành phiên họp biểu quyết, vì chắc chắn không đạt được tỷ lệ tán thành cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nếu quy định như vậy sẽ có thể xảy ra trường hợp phải dừng phiên họp toàn thể do không đủ 2/3 số đại biểu tham dự. Như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảmthực hiện đúng chương trình kỳ họp Quốc hội.

Vì vậy, theo ông Phúc, hiện dự thảo vẫn đang giữ như quy định hiện hành, tức là không quy định tỷ lệ đại biểu tham dự là một điều kiện tiến hành phiên họp toàn thể”.

Mỗi Đại biểu Quốc hội đang gánh trên vai trách nhiệm và cũng là niềm tự hào được đại diện cho 90 triệu nhân dân Việt Nam. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Mỗi Đại biểu Quốc hội đang gánh trên vai trách nhiệm và cũng là niềm tự hào được đại diện cho 90 triệu nhân dân Việt Nam. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Trong khi đó, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thì cho rằng, cần có quy định vấn đề đại biểu phát biểu nhưng không để lộ bí mật nhà nước. Hiện chưa có quy định này nên chủ tọa không được quyền nhắc nhở.

Ông Thảo nói: “Thậm chí có trường hợp, đại biểu phát biểu không đúng trọng tâm, nói lan man khiến người dân nói rằng, có lẽ bầu nhầm, đáng nhẽ đưa ông này đến Châu Quỳ mới đúng”.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Để chấp hành nội quy kỳ họp thì các đại biểu Quốc hội không được đi nước ngoài công tác khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, trừ trường hợp đoàn cấp cao, cấp nhà nước.

Đại biểu Quốc hội và những người liên quan đến kỳ họp mà không thực hiện đúng nội quy thì phải thế nào chứ? Kỳ họp phải nghiêm túc, toàn tâm, toàn ý, chất lượng”.

Ngọc Quang