Đại biểu Quốc hội bóc mẽ âm mưu thâm độc của Trung Quốc tại Trường Sa

28/05/2015 19:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Bãi đá nửa chìm, nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải, nhưng nếu nước lớn nó vẫn nổi thì được biến thành bãi đá và có 12 hải lý xung quanh.

Ngày hôm nay (28/5) khi Quốc hội thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) có những phát biểu đầy xúc động: “Biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú và vô tận, ngàn đời nay ông, cha ta đã gìn giữ và phát triển.

Đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Nếu ai đã từng đi thăm đảo Trường Sa đều có chung cảm nhận sâu sắc và thiêng liêng, hình ảnh những người chiến sĩ đảo kiên cường, dũng cảm hy sinh, đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị tiếp tục có chính sách đặc biệt cho Trường Sa và Hoàng Sa. ảnh: TTBC
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị tiếp tục có chính sách đặc biệt cho Trường Sa và Hoàng Sa. ảnh: TTBC

Điều mà các Đại biểu quan tâm ở dự thảo luật này là vừa phải đảm bảo được nguyên tắc quản lý tài nguyên môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay.

Trung Quốc liên tục thực hiện những hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Vẻ nêu quan điểm: “Chúng tôi cũng trân trọng đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách đặc biệt quan tâm đền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu, đầu tư phát triển hai quần đảo này, vừa ý nghĩa phát triển kinh tế, vừa ý nghĩa bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa cho cán bộ, nhân dân, Quốc hội đi thăm Trường Sa, nhằm tăng cường hiểu biết và trách nhiệm với Trường Sa để Trường Sa mãi mãi không xa đâu”.

Trong khi đó Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu thẳng một góp ý mà ông gọi là “tương đối hệ trọng”, dù đã góp ý trước đó nhưng tại bản tiếp thu này của ban soạn thảo thì “có vẻ như không có sự thông cảm lẫn nhau”.

Ông Nghĩa phân tích: “Nếu chúng ta quy định luật như thế này thì dễ sơ hở và bỏ mất sự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên một số cấu trúc, vật chất ở ngoài biển, trong lãnh hải, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta có 3 loại cấu trúc theo Công ước Luật biển” và chỉ rõ:

Cấu trúc thứ nhất là đảo và các quần đảo.

Cấu trúc thứ hai là các bãi đá. Theo điều 121 Công ước Luật biển các bãi đá này không thích hợp cho con người đến ở hoặc có đời sống kinh tế riêng.

Do đó, nó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nhưng nếu các bãi đá này thuộc chủ quyền của Việt Nam như các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, hay Hoàng Sa thì hoàn toàn có lãnh hải. Như vậy, những bãi đá đó và vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Cấu trúc thứ ba, Điều 13, Công ước Luật biển gọi bãi cạn nửa chìm, nửa nổi và có thể gọi là bãi nổi khi nước ròng.

Đặc trưng của nó, theo Điều 13 là lúc nước lớn thì bị lấp, lúc nước ròng thì nó nổi lên.

Vừa rồi, trong lịch sử đã từng có tranh chấp đổ máu, có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống để dành giật những bãi đá này.

“Hiện nay, âm mưu của Trung Quốc là xây dựng những cấu trúc để khi nước lớn thì nó vẫn nổi.

Bởi vì, bãi đá nửa chìm, nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải, nhưng nếu nước lớn nó vẫn nổi thì được biến thành bãi đá. Khi thành bãi đá nó có 12 hải lý xung quanh, có nghĩa là lãnh hải của nước đó”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ Trung Quốc âm mưu xây dựng đảo đá để khi nước lớn vẫn nổi để có 12 hải lý xung quanh. ảnh: TTBC
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ Trung Quốc âm mưu xây dựng đảo đá để khi nước lớn vẫn nổi để có 12 hải lý xung quanh. ảnh: TTBC

Ông Nghĩa chỉ rõ, Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc bảo vệ đối với các nước ven biển có chủ quyền, có quyền tài phán, có quyền chủ quyền thì công ước Luật biển cho phép nước đấy được bảo vệ trên ba loại cấu trúc này.

Luật biển Việt Nam ở Điều 19 có nói quần đảo là một tập hợp các đảo bao gồm các bộ phận của đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác liên quan chặt chẽ với nhau (tức là có các bãi đá, hoặc các bãi cạn nửa chìm nửa nổi).

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 20 của dự thảo luật lại nói là đảo đá không thích hợp với đời sống con người hoặc cho đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều này đúng với Công ước Luật biển, nhưng cũng nói lên rằng đảo đá này vẫn có lãnh hải - 12 hải lý.

“Nếu chúng ta không đưa vào khi người ta khai thác các bãi đá sẽ nói là Luật bảo vệ tài nguyên của anh đâu có bảo vệ các bãi đá này nên chúng tôi được quyền, các anh chỉ bảo vệ hải đảo thôi. Do đó, chúng tôi đề nghị quan tâm lại điều này”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ngoài ra, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải thận trọng xem lại điều 40 trong dự thảo luật, khi định nghĩa là đảo bao gồm hải đảo có người và hải đảo không có người.

Ông Nghĩa bày tỏ: “Tôi hết sức lo lắng về điều này. Theo Công ước Luật biển, Điều 121 những đảo đá không thích hợp cho người ở, không có đời sống kinh tế thì không được công nhận là đảo. Lúc ấy nó trở về quy chế là các bãi đá. Các bãi đá thì không có lãnh hải. Tôi chưa hiểu căn cứ vào đâu mà đặt ra.

Nếu chúng ta nói cả hải đảo không có người ở thì người ta có thể vận dụng Điều 131 Công ước Liên Hợp Quốc nói rằng nó không phải là hải đảo của các anh. Nó chỉ là những bãi đá".

Ủng hộ ý kiến của Đại biểu Nghĩa, ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh (đại biểu đoàn An Giang) cho rằng, luật này không xác định pháp lý cho từng vùng biển, mà tập trung vào việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Vì vậy, không có vấn đề gì khi đưa các khái niệm, bãi cạn nửa nổi, nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô, đảo nhân tạo vào trong luật. Khi đưa vào trong luật được thì sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng và an ninh. Nếu không đưa vào thì không thể bảo vệ được.

Ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh. ảnh: TTBC.
Ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh. ảnh: TTBC.

Ông Trường phân tích: “Hiện nay ở khu vực Trường Sa ngoài phần đảo nổi chúng ta còn có rất nhiều các khu vực là các bãi nửa chìm, nửa nổi, đảo ngầm, bãi đá, san hô...

Tôi cho rằng việc chúng ta quy định các bãi đá, bãi san hô, bãi cạn nửa chìm, nửa nổi vào trong luật này thì hoàn toàn là phù hợp và không có mâu thuẫn gì đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Chỉ có quy định thì chúng ta mới có cơ sở để đấu tranh với những hành vi kể cả người trong nước cũng như nước ngoài khi tiến hành các hoạt động gây hại đến tài nguyên và môi trường của biển và hải đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta.

Trung Quốc đã đổ hàng vạn m3 bê tông, sắt thép xuống dưới biển. Chúng ta hoàn toàn có thể lên án với cộng đồng quốc tế rằng họ đang làm biến dạng môi trường biển đảo, làm ảnh hưởng đến các tài nguyên, các loài sinh vật biển ở đây. Tôi nghĩ cộng động quốc tế lên tiếng”.

Ngọc Quang