Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Nhân tài đâu thể thích "nhét" vào đâu thì "nhét"

07/01/2021 07:22
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: "Tôi có lần hỏi các cử tri rằng, các bác có thấy được nhân tài ở đâu không để tôi giới thiệu cho Bộ Nội vụ nhưng cử tri lắc đầu".

Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài vừa được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến từ ngày 14/12/2020-7/2/2021.

Về mục tiêu cụ thể, dự thảo nêu:

Từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược này và tình hình thực tiễn. Có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao….

Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. [1]

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn

Những mục tiêu, định lương con số cụ thể trên đã gây ra nhiều ý kiến băn khoăn, bày tỏ hoài nghi về căn cứ nào để đưa ra những con số này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhấn mạnh: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi cũng chưa ghi nhận được có văn bản nào của pháp luật quy định rõ về tiêu chí đánh giá người tài.

Nhưng nhìn chung đã là nhân tài thì họ sẽ có năng lực đặc biệt ở một số lĩnh vực nào đó, gọi nôm na, dễ hiểu họ là có năng lực nổi trội đặc biệt, giỏi hơn số đông. Giờ đi tuyển chọn và quy ra thành tỉ lệ phần trăm thì thử hỏi ai là người dám đứng ra đi tìm và tìm đâu ra cho đủ những con số đó?

Khâu phát hiện chỉ là một phần trong quá trình tuyển dụng, dù đã là người tài nhưng cũng phải được bồi dưỡng và cần được sử dụng vào đúng công việc thì mới phát huy được hết năng lực của con người đó. Người tài không có nghĩa là anh thích nhét vào đâu thì nhét".

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, trên thực tế, đa số nhân tài chúng ta chỉ phát hiện được ra khi họ có những việc làm đột phá, xuất chúng ở một lĩnh vực nhất định. Khi đưa vào bộ máy làm việc, phân bổ cho lĩnh vực này có người tài, lĩnh vực khác chưa có thì liệu có phát huy được cái tài họ không?

"Tài năng áp dụng không cân xứng cũng dễ dẫn đến kết quả làm việc ở các lĩnh vực trong cùng một cơ quan cũng bị vênh nhau.

Nếu chúng ta đưa ra phương án hoạch định để sử dụng người tài, tôi băn khoăn là người đề ra các chỉ tiêu này đã nắm được bao nhiêu người tài trong tay rồi mà có thể mạnh dạn đưa ra con số là 2% - 5%?

Bản thân tôi có lần cũng hỏi các cử tri rằng, các bác có thấy được nhân tài ở đâu không để tôi giới thiệu cho Bộ Nội Vụ nhưng ai cũng lắc đầu nói không có.

Nếu áp dụng vào thực tế, việc bố trí nhân sự cốt cán nếu không khéo léo gây ra sự chồng chéo về nhân sự giữa các nhiệm kỳ với nhau là điều rất dễ xảy ra.

Việc lãnh đạo của khoá này không bố trí đủ chỉ tiêu thì lãnh đạo khoá lên nhận chức cũng không biết mò mẫm từ đâu để cho hoàn thành nhiệm vụ.

Theo tôi không nên đưa ra một chủ trương quy hoạch người tài như thế, mà quan trọng nhất bây giờ chúng ta nên đầu tư và tìm giải pháp nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực để phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế-xã hội. Đó cũng là một việc phục vụ cho phát triển bền vững, lâu dài”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với mục tiêu định lượng như Bộ Nội vụ đề ra thì phù hợp với việc chiêu mộ những người học giỏi hay làm giỏi thì còn có căn cứ để tuyển chọn.

Còn nhân tài mà còn quy định ra phần trăm, số lượng để tuyển dụng thì cực khó cho những người làm tổ chức. Mục tiêu trên là mong muốn tốt đẹp, dám nghĩ, dám làm của Bộ Nội Vụ, tuy nhiên nó rất khó thực hiện và dễ gây ra hiểu lầm và phản cảm khi chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào là nhân tài.

Trên thực tế, có những người khi đi học thì tốt nghiệp hẳn loại giỏi, bảng điểm cao vút, thậm chí thủ khoa đầu ra nhưng khi ra trường đi làm ở công ty, xí nghiệp, cơ quan nhà nước vẫn bị đánh giá là thiếu năng lực như thường.

Tài liệu tham khảo:

[1] moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/chien-luoc-quoc-gia-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-45412.html

Trung Dũng