Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục tháo gỡ vấn đề biên chế giáo viên

09/11/2021 14:07
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong báo cáo của Chính phủ có nêu tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương chưa giải quyết triệt để.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 9/11, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) nêu ý kiến, trong báo cáo của Chính phủ có nêu tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương chưa giải quyết triệt để. Về vấn đề này thực tế ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Điện Biên hiện nay là thiếu 1.495 giáo viên. Việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định, nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại căn cứ vào số giáo viên chưa hiện có, tức là tinh giản khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVNĐại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các tỉnh miền núi, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, một trường có nhiều điểm trường. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, nên việc cắt giảm số lượng người làm việc hàng năm để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến ngày càng thiếu giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tôi đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét các yếu tố của các tỉnh miền núi như đã nêu ở trên. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát thực tế để có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này.

Liên quan đến việc dạy và học trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, bên cạnh những đột phá trong việc dạy và học trực tuyến thì vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập.

Theo đại biểu, thứ nhất, phải bàn đến chất lượng việc dạy và học chưa được đảm bảo, do rất nhiều yếu tố khách quan đem lại như: Chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chất lượng dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng một phần bởi thiết bị sử dụng dạy học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.

Thứ hai, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến, giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy trăm mắt nhìn, khán, thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh học sinh, dư luận và cả mạng xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng nêu một vấn đề trong giáo dục cũng được nhiều cử tri quan tâm liên quan đến tuyển sinh đại học. Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học tăng mạnh và việc nhiều thí sinh điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học là vấn đề cần được xem xét. Năm học 2020-2021 tại nhiều địa phương học sinh phải ôn tập trực tuyến thay vì đến trường học trực tiếp nhiều tháng trước kì thi. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến kiến thức, kỹ năng làm bài của các em học sinh.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế đề thi rất phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chính vì vậy, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các em khá tốt. Tuy nhiên, bài toán về xét tuyển đại học lại rất cam go, câu chuyện điểm cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng một hoặc trượt đại học không phải là câu chuyện mới. Nhưng nếu tiếp tục phát triển thì liệu các trường đại học có bỏ sót tài năng thực sự và liệu học sinh còn thực sự tin tưởng vào năng lực của bản thân hay không?", đại biểu nêu.

Từ các phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định, mở rộng nhiều đối tượng được tiếp cận với chương trình sóng và máy tính cho em. Nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp thực sự tham gia vào chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Hai là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tổ chức nhiều chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và cởi bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài.

Ba là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy, học và tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng. Tăng cường tập huấn việc sử dụng công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng các phần mềm dạy học hữu ích nói riêng cho giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến ngay cả khi không có dịch xảy ra.

Bốn là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại các phương thức xét tuyển đại học, tìm giải pháp mở cánh cửa cho những học sinh điểm cao có thể vào được đúng trường đại học mơ ước, cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất

Đỗ Thơm