Đã có "bàn tay thép" chặn cả họ làm quan, cánh hẩu trong công tác cán bộ

27/09/2019 06:11
Nhật Minh
(GDVN) - Quy định số 205 quy định rất nhiều điểm cụ thể về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết.

“Đây là quy định mới và rất tốt trong thời điểm đang chuẩn bị nhân sự trước thềm Đại hội Đảng 13 tới đây”, ông Sửu nhấn mạnh.

Ông Ngô Văn Sửu: "Lâu nay chuyện người thân quen, cánh hẩu được đưa vào quy hoạch nhân sự là có". Ảnh: Người Đưa Tin.
Ông Ngô Văn Sửu: "Lâu nay chuyện người thân quen, cánh hẩu được đưa vào quy hoạch nhân sự là có".  Ảnh: Người Đưa Tin.

Theo ông, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều quy định liên quan đến công tác cán bộ. Và công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng bậc nhất trong xây dựng Đảng.

“Xây dựng Đảng suy cho cùng cũng là công tác cán bộ mà thôi. Đảng muốn mạnh thì cán bộ phải làm gương, phải đủ tài, đủ đức.

Quy định số 205 nêu rất cụ thể về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đặc biệt còn chỉ ra rõ các hành vi chạy chức chạy quyền.

Quy định nêu rõ trách nhiệm của tập thể, của người đứng đầu, của cán bộ tham mưu cho công tác nhân sự, của nhân sự….Từng vị trí đều được quy định rất cụ thể.

Trong đó đáng chú ý như với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể…“Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị” để tránh việc cả họ làm quan, lạm quyền.

Cùng với đó cũng chỉ rõ các hành vi thế nào là chạy chức, chạy quyền như lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người”…”, ông Sửu dẫn.

Ông Sửu phân tích, lâu nay chuyện thân quen, cánh hẩu đưa vào quy hoạch nhân sự là có. Và đã có những hệ quả xấu trong công tác cán bộ.

Toàn văn Quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền
Toàn văn Quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Trước đây, chúng ta cũng nhắc nhiều đến việc kiểm soát quyền lực nhưng còn khá chung chung, giờ đã có các điểm quy định rất cụ thể để cho các đơn vị thực hiện. Nó sẽ có tác dụng hạn chế việc phe nhóm.

“Nếu bố trí nhân sự kiểu người thân, người nhà, phe nhóm thì từ lúc tham mưu, đề bạt, cất nhắc cán bộ làm sao có được sự khách quan, minh bạch.

Họ đã trong dây với nhau rồi, đương nhiên, đến khi có vi phạm người nhà, người thân…đời nào họ “vạch áo cho người xem lưng”. Điều này sẽ dẫn đến việc lạm quyền, bao che vi phạm.

Khi đó, mọi việc có làm theo quy trình thì cũng theo ý muốn của họ mà thôi. Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều vấn đề về bố trí nhân sự dù đúng quy trình nhưng vẫn sai, cán bộ vẫn vướng lao lý là vì thế.

Quy trình mà đối với toàn những người thân quen thì đương nhiên họ phải tìm cách để bố trí phù hợp với ý muốn, dậy dợ của họ”, ông Sửu nói.

Vì thế, ông tin rằng với những quy định rất cụ thể trong Quy định số 205 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành sẽ có tác dụng hạn chế việc chạy chức chạy quyền và kiểm soát được quyền lực hiệu quả.

Nhật Minh