Công ty Gamuda Land Việt Nam bị tố hủy hoại tài sản của người dân

30/11/2016 14:45
Trần Việt
(GDVN) - Mặc dù UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản tạm hoãn việc cưỡng chế nhưng Công ty Gamuda Land Việt Nam vẫn cho công nhân vào phá hủy trang trại của 8 hộ dân.

Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được đơn của bà Trần Mỹ Hạnh, quốc tịch Mỹ và Việt Nam, tạm trú tại số 33, Phan Bá Vành, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội tố cáo Công ty Gamuda Land Việt Nam đã ngang nhiên phá hủy tài sản của bà cùng 08 hộ dân khác tại trang trại phường Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội).

Đơn tố cáo Công ty Gamuda Land Việt Nam hủy hoại tài sản của bà Trần Mỹ Hạnh gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Trần Việt.
Đơn tố cáo Công ty Gamuda Land Việt Nam hủy hoại tài sản của bà Trần Mỹ Hạnh gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Trần Việt.

Nội dung bà Hạnh trình bày như sau: Tôi cùng 08 hộ dân có trang trại tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội là chủ sử dụng hợp pháp khu trang trại hàng nghìn mét vuông.

Sáu năm qua, thành phố Hà Nội có chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích đất trên để phục vụ dự án đối xứng C2 - xây dựng tổ hợp khu đô thị Gamuda.

Kể từ năm 2012 đến nay, chúng tôi chưa hề nhận được một đồng đền bù nào từ phía chính quyền, vậy mà vào hồi 9 giờ sáng ngày 08/11/2016, toàn bộ phía sau khu trang trại của chúng tôi đã bị công nhân dự án Công ty Gamuda ủi đổ và phá hủy…

Khi nhóm công nhân của Công ty Gamuda đưa máy xúc vào phá hủy trang trại của chúng tôi có sự chứng kiến của ông Lương Văn Lộc (bảo vệ trang trại), Công an quận Hoàng Mai, Công an Phường Trần Phú.

Cây cối, tường rào khu trang trại của bà Trần Mỹ Hạnh và 08 hộ dân thuộc phường Trần Phú đã bị công nhân của Công ty Gamuda Land Việt Nam phá hủy. Ảnh do người dân cung cấp.
Cây cối, tường rào khu trang trại của bà Trần Mỹ Hạnh và 08 hộ dân thuộc phường Trần Phú đã bị công nhân của Công ty Gamuda Land Việt Nam phá hủy. Ảnh do người dân cung cấp.

Tài sản trang trại của tôi và 08 hộ dân bị nhóm công nhân này phá hủy bao gồm: gần 50m tường rào xây cao hơn 1m, khoảng 45 cây xoài, 15 cây cau vua, 45 cây chuối, 02 cây ổi, 02 cây nhãn đã trồng gần 10 năm. Ước tính giá trị thiệt hại lên đến trăm triệu đồng.

Trước sự việc trên, tôi kịch liệt phản đối những hành động phá hủy tài sản của công nhân dự án Gamuda khi chúng tôi đang là những người chủ sử dụng hợp pháp.

Tôi đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, Công an quận Hoàng Mai điều tra làm rõ và xử lý nghiêm hành động phá hủy tài sản của nhóm công nhân này".

Theo tìm hiểu được biết, dự án được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) vào tháng 12/2007, do Công ty Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư.

Dự án Gamuda City do Công ty Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư. Ảnh Trần Việt.
Dự án Gamuda City do Công ty Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư. Ảnh Trần Việt.

Theo đó, Công ty Gamuda Land Việt Nam sẽ xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở. Đổi lại, công ty này sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh Khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên với quy mô trên 500ha.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án C2 đối ứng dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đến nay vẫn chưa được thực hiện vì công tác đền bù giải phóng mặt bằng khu trang trại thuộc phường Trần Phú, Hoàng Mai vẫn còn nhiều bất cập khiến đơn thư khiếu kiện kéo dài.

Ngày 04/11/2016, UBND quận Hoàng Mai có thông báo số 162/TB-UBND về việc giải tỏa công trình tài sản, cây cối hoa màu đối với các hộ vào ngày 08/11/2016.

Ngày 07/11/2016, UBND quận Hoàng Mai ban hành văn bản số 2433/UBND-BBT về việc tạm hoãn thực hiện cưỡng chế GPMB đối với 08 hộ gia đình cá nhân (nhóm bà Vũ Thị Bền) thuộc dự án C2 - Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trên địa bàn phường Trần Phú do ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai ký.

Mặc dù, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành văn bản tạm hoãn việc thực hiện cưỡng chế GPMB đối với 08 hộ dân tại khu trang trại phường Trần Phú nhưng ngày 08/11/2016, Công ty Gamuda Land Việt Nam vẫn cho công nhân đưa máy móc vào hủy hoại tài sản của người dân. Ảnh do người dân cung cấp.
Mặc dù, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành văn bản tạm hoãn việc thực hiện cưỡng chế GPMB đối với 08 hộ dân tại khu trang trại phường Trần Phú nhưng ngày 08/11/2016, Công ty Gamuda Land Việt Nam vẫn cho công nhân đưa máy móc vào hủy hoại tài sản của người dân. Ảnh do người dân cung cấp.

Mặc dù, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành văn bản tạm hoãn việc thực hiện cưỡng chế GPMB đối với 08 hộ dân trên nhưng ngày 08/11/2016, Công ty Gamuda Land Việt Nam vẫn ngang nhiên cho công nhân đưa máy móc phá hủy tài sản cây cối, tường rào của người dân là vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Việt Nam.

Để có thông tin khách quan hơn về hủy hoại tài sản của người dân, ngày 30/11/2016, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp liên hệ làm việc ông Trần Bảo Lâm, Phó Trưởng Công an phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

Tại buổi làm việc, ông Trần Bảo Lâm khẳng định: "Lực lượng phá dỡ này là của Gamuda nhưng cái này theo ý kiến của ai thì cái này chỉ có trực tiếp người ta làm theo ý kiến của ai thì người ta mới biết". 

Trước đó, ngày 25/11/2016, phóng viên cũng đã đặt lịch liên hệ với phía Công ty Gamuda Land Việt Nam về việc này.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày trôi qua, đến nay chúng tôi không hề nhận được bất cứ hồi âm hay câu trả lời chính thức nào từ phía công ty.

Trước sự việc trên, đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai sớm chỉ đạo, điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan đến việc hủy hoại tài sản của công dân.

Trần Việt