Tướng Tư Bốn - Nguyễn Việt Thành: Cuộc đời lẫy lừng và chuyên án Năm Cam để đời:

Còng tay Năm Cam

21/04/2013 14:00
Theo Thanh Thủy/Laodong
Ông Tư Bốn nhớ lại, một bữa ông nhận được thư của Năm Cam gửi, do anh em trong ban chuyên án mang đến. Thì ra Năm Cam đã chủ động viết thư xin gặp Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành. Sau khi được chấp thuận của cấp trên, ông Tư Bốn đã vào trại giam gặp và nói chuyện với Năm Cam.
Năm Cam xin gặp Tư Bốn

Khi được thông báo Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành chấp nhận thư đề nghị đến trại giam để gặp mình, Năm Cam tỏ ra xúc động và cảm kích thật sự trước cách hành xử này của ông Tư Bốn. Trước sự chứng kiến của mấy người cán bộ các ngành có liên quan, Năm Cam đã nói chuyện với ông Tư Bốn khá lâu.

Ông Tư Bốn kể: “Năm Cam nói rằng, khi nghe tin tôi từ Tiền Giang về TPHCM giữ trọng trách trong ngành cảnh sát phụ trách phía Nam, ông ta biết chắc công việc “làm ăn” của mình sẽ gặp khó. Ban đầu Năm Cam nghĩ rằng sẽ mua chuộc được tôi, vì vậy mà ông ta chưa có những quyết sách gì lớn để đề phòng nguy hiểm, ngoài chuyện cho tay chân đi theo dõi để tìm cách tiếp cận, mua chuộc tôi”. Sau đó, Năm Cam đặt thẳng vấn đề với ông Tư Bốn: Xin được tha tội chết, Năm Cam chấp nhận làm tất cả những mọi chuyện, miễn sao được tha tội chết!

Ông trùm Năm Cam và phu mộ Ba Son
Ông trùm Năm Cam và phu mộ Ba Son


Trước khi đến trại giam gặp Năm Cam, trong tất cả những điều dự liệu trong đầu của ông Tư Bốn không có tình huống Năm Cam xin tha tội chết. Ông Tư Bốn nghĩ, một trùm “xã hội đen” khét tiếng ở Sài Gòn hẳn phải rất bản lĩnh và đầy cá tính. Nhưng trước mặt ông là một Năm Cam tham sống sợ chết. “Khi con người ta hành động không phải vì lý tưởng cao đẹp, mà chỉ vì lợi ích cá nhân, người ta rất sợ chết, họ sẵn sàng đổi tất cả để chỉ mong được sống” - ông Tư Bốn trầm ngâm.

Dù hơi bất ngờ trước lời đề nghị xin tha chết của Năm Cam, nhưng ông Tư Bốn cũng giải thích rành mạch: Mức hình phạt cho người phạm tội được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự, tòa án sẽ xem xét mức độ phạm tội mà xử mức án. Trưởng ban chuyên án không có quyền đưa ra mức án. Luật pháp có xem xét giảm nhẹ hình phạt khi bị cáo thật thà khai báo những tội lỗi mà mình đã gây ra, hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Sau lần gặp ông Tư Bốn, Năm Cam tỏ ra có sự hợp tác tốt hơn, lời khuyên của ông Tư Bốn đã có tác dụng.

Năm Cam chấp nhận án tử

Sau lần gặp nói trên, ông Tư Bốn còn có 3 lần nữa gặp Năm Cam trong trại giam, theo đề nghị của Năm Cam cũng có, mà vì công việc phục vụ công tác điều tra cũng có. Những lần gặp sau, Năm Cam không còn xin tha tội chết cho mình, mà chỉ mong tha tội chết cho các con của mình. Hẳn Năm Cam biết rằng tất cả những tội ác mà mình gây ra đã không thể che giấu được ông Tư Bốn và ban chuyên án, nên án tử là điều không thể tránh khỏi.

Tướng Nguyễn Việt Thành
Tướng Nguyễn Việt Thành


Nhưng khi nghĩ đến gia đình, Năm Cam đã mềm lòng trước nguy cơ các con mình cũng chịu án tử. Cũng với cách giải thích ân cần, từ tốn, ông Tư Bốn nói: “Các con anh có đáng tội chết hay không là tùy vào tội lỗi và sự thành khẩn của chúng nó, tòa án sẽ xem xét điều đó”.

Năm Cam nhận trách nhiệm thuộc về mình hoàn toàn, ông xin nhận hết tội lỗi, hòng giúp cho các con nhẹ tội. Cũng với giọng nhẹ nhàng, từ tốn, ông Tư Bốn ôn tồn giải thích với Năm Cam: “Luật pháp Việt Nam quy định ai gây ra tội thì người đó phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện một người chịu tội thay cho người khác, nếu các con anh thật sự không gây tội ác nghiêm trọng, chúng sẽ được xử nhẹ”.

Lần cuối cùng gặp ông Tư Bốn, Năm Cam không còn cầu xin, mặc dù vẫn nói nhiều, như muốn giãi bày, tâm sự. Năm Cam nói rằng, ông đã “tâm phục khẩu phục” trước ban chuyên án đứng đầu là ông Tư Bốn. Những chứng cứ, tình tiết mà ban chuyên án dày công điều tra, thu thập làm cho Năm Cam dù có muốn chối tội cũng không được. Năm Cam nói với ông Tư Bốn: “Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời tôi chịu thua. Nhưng tôi không ân hận vì đã thua một người như ông”. Lần này thì Năm Cam đã cư xử không đáng hổ thẹn với tiếng tăm của một trùm “xã hội đen” Sài Gòn - nghiêng mình bái phục người đã hạ được mình.

Có lẽ trong những ngày dài trong trại giam, Năm Cam được ai đó kể về cuộc đời của ông Nguyễn Việt Thành từng chế lựu đạn dàn thun đánh Mỹ; một mình chống chọi lại cả đại đội đối phương; từng đánh gần 200 trận, bị thương đến 7 lần; từng cắn răng chịu đau, không một lời rên la khi bác sĩ mổ bụng “sống” để vá bao tử sau khi ông bị thương vào bụng… Chịu thua một “đối thủ” như thế, một kẻ giang hồ như Năm Cam hẳn không có gì phải hối tiếc!

Ngày thi hành án tử hình Năm Cam, ông Tư Bốn có mặt để thực thi nhiệm vụ. Ông hơi thất vọng về tư cách và hình ảnh của Năm Cam trước giờ đón nhận cái chết, sao mà quá bệ rạc, yếu đuối! Trong cuộc đời chiến đấu của mình, ông Tư Bốn đã chứng kiến bao cái chết hiên ngang của đồng đội, họ chết mà trên miệng vẫn nở nụ cười, họ chết trong niềm tin đất nước được độc lập thống nhất, trường tồn. Còn Năm Cam thì không bước nổi ra pháp trường và như đã chết trước khi đội thi hành án làm nhiệm vụ.

Kể về chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn luôn giữ giọng ôn tồn, không bao giờ lộ vẻ giận dữ trên khuôn mặt hiền từ của ông. Không chỉ đến trại giam gặp Năm Cam, sau đó ông Tư Bốn cũng gặp hết các con của Năm Cam và ần cần khuyên họ nên thành tâm nhận tội, thật thà khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Người viết bài này nhớ lại, khi chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” vừa kết thúc, một tờ báo ở TPHCM đã tổ chức giao lưu trực tuyến giữa ông Tư Bốn và bạn đọc gần xa. Trong suốt cuộc giao lưu dài, ông Tư Bốn rất ít nói về mình, mà luôn cho rằng chuyên án kết thúc thắng lợi là nhờ công sức của tập thể, của nhiều đồng đội, của sự chỉ đạo đúng đắn và kiên quyết của cấp trên, cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Có những câu hỏi đặt ra theo hướng ly kỳ hóa chuyện phá án, nhưng ông Tư Bốn trả lời thực ra “Năm Cam và đồng bọn” không có gì là ghê gớm, mọi diễn biến của vụ án đều đã được ông và ban chuyên án lường trước, các ông không gặp bất cứ sự bất ngờ nào, kết cục của vụ án là không thể khác được.

Lúc chuyên án kết thúc thắng lợi, khi lãnh đạo TPHCM gửi biếu lẵng hoa và 20 triệu đồng tiền thưởng cho cá nhân ông Tư Bốn, ông chỉ nhận lẵng hoa, còn số tiền 20 triệu đồng ông gửi biếu để xây dựng khu lưu niệm cơ quan an ninh trong kháng chiến chống Mỹ ở căn cứ Tây Ninh.

Trước sau gì ông Tư Bốn đều khiêm tốn cho rằng, thành công của chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” là kết quả của nhiều yếu tố, từ sự lãnh đạo sâu sát, kiên quyết của cấp trên; sự tận tụy của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong ban chuyên án; sự hỗ trợ tích cực của 2 địa phương TPHCM và Tiền Giang; sự giúp đỡ, động viên của quần chúng, nhân dân…

(Còn tiếp)
Theo Thanh Thủy/Laodong