Công bố kết quả bầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao

26/06/2015 11:33
Ngọc Quang
(GDVN) - Sáng 26/6, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao căn cứ trên danh sách đề nghị của ông Trương Hòa Bình - Chánh án TANDTC.

Huỳnh Văn Tý – Trưởng Ban Kiểm phiếu (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho biết, có 493/494 Đại biểu Quốc hội có mặt; số phiếu phát ra 473, thu về 472. Kết quả cụ thể như sau:

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh (sinh ngày 23/5/1960). Trình độ Tiến sĩ Luật học chuyên ngành Công pháp quốc tế. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức (Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao giới thiệu). Được đánh giá là một trong những chuyên gia đầu ngành về Công pháp quốc tế.

Theo Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp có những ý kiến cho rằng bà được đào tạo chuyên sâu luật Công pháp chứ không phải Tư pháp, thực tế công tác lâu năm trong lĩnh vực pháp luật quốc tế và ngoại giao, nhưng chưa qua công tác tại các cơ quan Tư pháp nên khó đáp ứng điều kiện có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền Hội đồng Thẩm phán Nhân dân Tối cao.

Mặt khác, tính theo Nghị định 53 của Chính phủ thì bà Nguyễn Thị Hoàng Anh đã quá 55 tuổi nên các ý kiến này không đồng ý bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao với bà Anh.

Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu với bà Nguyễn Thị Hoàng Anh đạt: 470 phiếu hợp lệ – 2 phiếu không hợp lệ; 320 phiếu đồng ý – 150 phiếu không đồng ý.

Quốc hội tiến hành bỏ phiếu danh sách Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. ảnh: TTBC Quốc hội.
Quốc hội tiến hành bỏ phiếu danh sách Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. ảnh: TTBC Quốc hội.

2. Ông Trần Văn Cò (sinh ngày 21/1/1958). Trình độ Đại học luật hệ chuyên tu. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 471 phiếu hợp lệ – 1 phiếu không hợp lệ; 343 phiếu đồng ý – 128 phiếu không đồng ý.

3. Ông Nguyễn Văn Du (sinh ngày 6/6/1963). Trình độ Tiến sĩ Luật học. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ – 3 phiếu không hợp lệ; 440 phiếu đồng ý – 29 phiếu không đồng ý

4. Ông Đặng Xuân Đào (sinh ngày 10/9/1955). Trình độ Thạc sĩ luật học. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh tòa Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân Tối cao, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 471 phiếu hợp lệ – 1 phiếu không hợp lệ; 380 phiếu đồng ý – 91 phiếu không đồng ý.

5. Ông Nguyễn Văn Hạnh (sinh ngày 6/1/1959), Thiếu tướng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ – 3 phiếu không hợp lệ; 452 phiếu đồng ý – 17 phiếu không đồng ý.

6. Ông Tống Anh Hào (sinh ngày 24/9/1956), Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ – 3 phiếu không hợp lệ; 442 phiếu đồng ý – 27 phiếu không đồng ý.

7. Bà Nguyễn Thúy Hiền (sinh ngày 20/6/1960). Trình độ Tiến sĩ Luật học. Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp giới thiệu). Được đánh giá là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Tư pháp.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ – 3 phiếu không hợp lệ; 391 phiếu đồng ý – 78 phiếu không đồng ý.

8. Ông Bùi Ngọc Hòa (sinh ngày 15/10/1955), Ủy viên Ban cán sự, Bí thư Đảng Ủy, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 468 phiếu hợp lệ – 4 phiếu không hợp lệ; 420 phiếu đồng ý – 48 phiếu không đồng ý.

9. Bà Đào Thị Xuân Lan (sinh ngày 8/9/1961). Trình độ Tiến sĩ Luật học. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu). Bà Lan từng công tác tại Tòa án Nhân dân Tối cao từ tháng 7/1994 đến tháng 8/2011; đã là Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nhiều năm từ tháng 9/2002 đến tháng 8/2011. Đã giữ các chức vụ Phó Chánh tòa Hành chính, Chánh tòa Hành chính Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ - 3 phiếu không hợp lệ; 446 phiếu đồng ý – 23 phiếu không đồng ý.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. ảnh: Ngọc Quang
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. ảnh: Ngọc Quang

10. Ông Lê Văn Minh (sinh ngày 30/11/1964). Trình độ thạc sĩ luật học. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 470 phiếu hợp lệ - 2 phiếu không hợp lệ; 438 phiếu đồng ý – 32 phiếu không đồng ý.

11. Ông Chu Xuân Minh (sinh ngày 20/1/1956). Trình độ Cử nhân luật. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Hiệu trưởng Trường cán bộ Tòa án, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 471 phiếu hợp lệ - 1 phiếu không hợp lệ; 429 phiếu đồng ý – 42 phiếu không đồng ý.

12. Ông Nguyễn Sơn (sinh ngày 20/6/1957), Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ - 3 phiếu không hợp lệ; 448 phiếu đồng ý – 21 phiếu không đồng ý.

13. Ông Nguyễn Văn Thuân (sinh ngày 21/5/1958), Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ - 3 phiếu không hợp lệ; 444 phiếu đồng ý – 25 phiếu không đồng ý.

14. Bà Lương Ngọc Trâm (sinh ngày 10/8/1966). Trình độ Thạc sĩ luật học. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh tòa Tòa hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao.

Kết quả: 469 phiếu hợp lệ - 3 phiếu không hợp lệ; 439 phiếu đồng ý – 30 phiếu không đồng ý.

15. Ông Nguyễn Trí Tuệ (sinh ngày 28/9/1963). Trình độ Tiến sĩ Luật học. Thẩm phán trung cấp, Ủy viên Ban cán sự đảng, Chánh Văn phòng Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ tổ chức – Cán bộ Tòa án Nhân dân Tối cao, kiêm trưởng khoa Đào tạo Thẩm phán Trường cán bộ Tòa án.

Kết quả: 472 phiếu hợp lệ - 0 phiếu không hợp lệ; 350 phiếu đồng ý – 122 phiếu không đồng ý.

Tiếp đó Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Tòa án được giao quyền tư pháp là một quyền cực kỳ quan trọng, đảm bảo công lý, bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Hội đồng Thẩm phán Tối cao thì lại càng có vị trí quan trọng. Đây là một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn nhưng đồng thời cũng thể hiện sự tín nhiệm, sự đòi hỏi trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân ta đối với các đồng chí trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao”.

Ngọc Quang